Mất cân bằng giới tính khi sinh: Vẫn đang ở mức báo động

  • 07:29 | Thứ Sáu, 26/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2019, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Quảng Bình là 111 nam/100 nữ. Kết quả này thể hiện rõ mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở tỉnh ta đang ở mức báo động. Nếu xu hướng không trở lại mức cho phép là 107 bé trai/100 bé gái và tiến tới cân bằng thì những hệ lụy khi thừa nam, thiếu nữ sẽ không thể tránh khỏi.
 
Hiện nay, Quảng Bình cũng đang đối mặt với tình trạng MCBGTKS ở tất các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Một số địa bàn đang ở mức báo động như TP. Đồng Hới 120 nam/100 nữ, huyện Quảng Ninh 115 nam/100 nữ, huyện Minh Hóa 120 nam/100 nữ, Quảng Trạch 119 nam/100 nữ… Số liệu này cho thấy tình trạng MCBGTKS tại tỉnh ta xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, cả miền xuôi cũng như miền ngược.
 
Minh Hóa là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, không chỉ tỷ lệ sinh con thứ 3 cao (chiếm 24% so với tổng số trẻ sinh ra năm 2019) mà tỷ lệ MCBGTKS ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nếu như năm 2016, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Minh Hóa là 107 nam/100 nữ thì năm 2017 tăng lên 116 nam/100 nữ và đến năm 2019, tiếp tục tăng lên 120 nam/100 nữ.
 
Đây là hồi chuông cảnh báo, nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì MCBGTKS sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường về trật tự xã hội, an ninh chính trị; nhiều nam giới sẽ phải sống trong tình trạng độc thân khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ, ảnh hưởng đến chất lượng dân số trong tương lai.
 
Ông Hoàng Trung Thông, Trưởng phòng Dân số-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết: Tình trạng MCBGTKS ở huyện Minh Hóa vẫn ở mức cao được xác định do tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, người có trình độ dân trí cao.
 
Bên cạnh đó, chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm, hiện nay hầu hết người dân sống ở nông thôn, miền núi không có lương hưu hoặc bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng, chăm sóc; với quan niệm trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, nên họ sẽ cảm thấy lo lắng, không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai. Chính vì vậy, việc các gia đình tìm mọi các để có con trai càng cao thì mức độ chênh lệch giới tính ở địa phương sẽ càng lớn.
 MCBGTKS nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì dẫn đến hệ lụy khó lường trong tương lai.
MCBGTKS nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì dẫn đến hệ lụy khó lường trong tương lai.
Còn ở thị xã Ba Đồn, năm 2019, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh giảm sâu xuống chỉ còn 91 nam/100 nữ. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng và sự thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai, con gái thuận theo tự nhiên.Tuy nhiên, theo bà Tưởng Thị Hằng, Trưởng phòng Dân số-KHHGÐ, Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn thì con số này không bền vững bởi khoa học công nghệ càng phát triển, sự lạm dụng trong việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng lan rộng và khó kiểm soát.
 
Tại các phòng khám tư, trong giấy khám thai không ghi giới tính thai nhi nhưng vẫn chẩn đoán giới tính khi thai nhi mới 3 tháng tuổi và họ sẵn sàng làm các thủ thuật phá thai khi khách hàng yêu cầu.
 
Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tổ chức nhiều hoạt động can thiệp tại các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, chi cục tổ chức 4 hội nghị tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng tư vấn tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh cho 238 viên chức và cộng tác viên dân số; 76 buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề với lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ với 3.925 người tham dự...
 
Kiểm soát được tình trạng MCBGTKS không chỉ là việc riêng của cán bộ dân số. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác này...
 
Tại các địa phương, cần đưa vấn đề MCBGTKS, Pháp lệnh Dân số và chủ trương của Đảng, Nhà nước vào nội dung sinh hoạt cộng đồng dân cư một cách thường xuyên, coi đây là một nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện là tiêu chí phân loại sắp xếp tổ chức đảng và thôn, bản hàng năm.
 
Dân số là vấn đề xã hội quan trọng đối với chiến lược kinh tế-xã hội. Việc giải quyết hậu quả của mất cân bằng giới tính và biến động dân số không thể một sớm một chiều. Vì vậy rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để vấn đề không còn là quá muộn.
 
Thanh Hoa