Để ngư dân mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện

  • 07:26 | Thứ Năm, 04/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 5.732 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó 1.500 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 24.000 lao động trực tiếp trên biển. Ngư dân chính là đối tượng tiềm năng để phát triển số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Tuy nhiên, số lượng ngư dân tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như tính nhân văn mà chính sách này mang lại.
 
Ngư dân thiếu quan tâm...
 
Xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) hiện có 400 tàu cá, trong đó gần 150 chiếc có công suất lớn, đánh bắt ở vùng biển xa. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, nghề cá đã giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở địa phương và các xã vùng lân cận. Bảo Ninh cũng được ngành BHXH tỉnh xác định là một trong những “thị trường” tiềm năng để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
 
Với tiềm năng được đánh giá là dồi dào như vậy, nhưng thời gian qua, số người tham gia BHXH tự nguyện ở xã Bảo Ninh vẫn đạt thấp. Bà Hoàng Thị Nhân Ái, đại lý thu BHXH của UBND xã Bảo Ninh cho biết, xã hiện có chưa tới 100 người tham gia BHXH tự nguyện, con số này quá thấp so với tiềm năng và với những xã khác trên địa bàn TP.Đồng Hới. Mới đây, Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện TP.
 
Đồng Hới đã tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH, BHYT cho người dân và ngư dân ở xã Bảo Ninh. Mặc dù các đơn vị tổ chức đã chuẩn bị rất chu đáo, nhưng vẫn chưa tới 50 người tham gia hội nghị, thấp hơn rất nhiều so với các hội nghị tương tự được tổ chức ở các xã, phường khác. Điều này cho thấy, người dân xã Bảo Ninh nói chung và ngư dân ở đây nói riêng vẫn chưa thực sự quan tâm đến BHXH tự nguyện.
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện.
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người dân ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện.
Tìm hiểu ở một số xã vùng biển trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, TX.Ba Đồn..., chúng tôi nhận thấy, mặc dù các cơ quan BHXH ở các huyện và thị xã đã tuyên truyền các chính sách, chế độ của các loại bảo hiểm đến với ngư dân, nhưng có lẽ việc tuyên truyền vẫn chưa “thấm” nên phần lớn ngư dân vẫn chưa hiểu và quan tâm tới loại hình bảo hiểm mang tính ưu việt này.
 
Ngư dân Nguyễn Tuấn Anh, chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, tàu cá của anh có hơn 10 lao động, mỗi tháng đều có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng. Từ trước đến nay, tàu của anh chỉ mua các loại bảo hiểm, như: thuyền viên, tàu cá, bảo hiểm nhân thọ..., còn tham gia BHXH tự nguyện để sau này hưởng lương hưu thì anh vẫn chưa biết đến.
 
BHXH huyện Bố Trạch là một trong những đơn vị tiếp cận, vận động ngư dân tham gia BHXH tự nguyện sớm nhất. Tháng 4-2018, BHXH Bố Trạch lần đầu tiên tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho ngư dân và người lao động tự do trên địa bàn 2 xã biển Đức Trạch và Nhân Trạch. Sau hội nghị, đã có 52 ngư dân trên địa bàn 2 xã biển này tham gia BHXH tự nguyện.
 
Ông Lê Văn Thành, Phó Giám đốc BHXH huyện Bố Trạch cho biết, đến nay, tại 4 xã biển của huyện Bố Trạch đã có 389 người tham gia BHXH tự nguyện. Nếu so với “tiềm năng” thì con số này vẫn rất thấp, đặc biệt so với các địa phương khác trong huyện (hiện toàn huyện Bố Trạch đã có trên 2.500 người tham gia BHXH tự nguyện). Đơn cử như ở xã Đức Trạch có 230 tàu cá đánh bắt xa bờ với 1.700 lao động thường xuyên hoạt động. Lực lượng lao động đông và có thu nhập khá cao (từ 10 đến 18 triệu đồng/tháng/người) nhưng đến nay, sau nhiều lần tổ chức hội nghị, Đức Trạch cũng mới chỉ có 125 người tham gia BHXH tự nguyện.
 
Một lãnh đạo của đơn vị BHXH địa phương cho rằng, thời gian qua, đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn, nhưng tỷ lệ người dân vùng biển tham gia hội nghị cũng như tham gia BHXH thường thấp hơn so với các địa phương khác. Theo vị lãnh đạo này, có lẽ do đặc thù của ngư dân, quanh năm suốt tháng lao động trên biển, họ rất ít thời gian ở nhà, nên cũng khó tuyên truyền. Tham gia các hội nghị tuyên truyền này thường là những người ở nhà, như: vợ, bố, mẹ của ngư dân...
 
“Mưa lâu, thấm dần”
 
Trong số những người dự hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm do BHXH tỉnh và Bưu điện TP. Đồng Hới tổ chức mới đây ở xã Bảo Ninh, bà Lại Thị Thắm (59 tuổi) cho biết, bà mới quyết định mua BHXH tự nguyện cho mình trong 5 năm liên tục. Để đi đến quyết định này, bà đã được cán bộ BHXH và Bưu điện tư vấn nhiều lần, hiểu rõ chính sách nhân văn của việc tham gia BHXH tự nguyện.
 
Đây là chính sách an sinh có sự hỗ trợ của Nhà nước, tham gia để về già hưởng lương hưu, được cấp thẻ BHYT, được hưởng chế độ tử tuất khi qua đời. “Trước mắt, tôi mới chỉ mua cho một mình tôi. Nhà tôi có 3 người con trai đều đi biển và có thu nhập ổn định. Sắp tới, khi con tôi đi biển về, tôi sẽ chia sẻ thông tin và vận động các con cùng tham gia BHXH tự nguyện…”, bà Thắm chia sẻ.
 
Ông Đinh Thái Quang, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH tỉnh cho biết, mặc dù thời gian qua số lượng ngư dân tham gia BHXH tự nguyện chưa nhiều nhưng đây vẫn là đối tượng tiềm năng mà BHXH tỉnh hướng tới. “Điều khó nhất khi tuyên truyền cho người dân là phải chọn cách giải thích các thuật ngữ chuyên môn về chính sách bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu.
 
Đối với lao động tự do nói chung và ngư dân nói riêng, điều họ quan tâm nhất là sự ổn định của chính sách và quyền lợi khi được hưởng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn phương pháp “mưa lâu, thấm dần”, cử cán bộ đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, chọn thời điểm giữa tuần trăng, ngư dân không ra khơi để đến gặp họ hoặc tổ chức hội nghị để có kết quả cao hơn.”, ông Quang chia sẻ.
 
Theo ông Quang, hiện BHXH tỉnh đang tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN là các tổ chức chính trị, xã hội gần gũi với bà con ngư dân để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện. Đồng thời, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố cử cán bộ có năng lực, trình độ về các xã vùng biển để làm công tác hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, cũng như mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện tại các xã, thôn ở vùng biển để tuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện và hỗ trợ ngư dân các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện.
 
“Nếu làm tốt những điều nêu trên, chúng tôi tin rằng, khi nhận thấy những lợi ích thiết thực từ chính sách an sinh xã hội nhân văn này của Đảng và Nhà nước, ngư dân sẽ nhiệt tình tham gia. Hy vọng rằng, đối tượng ngư dân trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao trong thời gian tới.”, ông Quang cho biết thêm.
 
Phan Phương