Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020:

Chủ động, kịp thời, hiệu quả

  • 14:33 | Thứ Sáu, 22/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm trở lại đây, diễn biến thời tiết thất thường và cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, đời sống của người dân Quảng Bình. Riêng trong năm 2019, tỉnh đã phải “đón” và gánh chịu hậu quả của 20 đợt nắng nóng, không khí lạnh tăng cường cùng nhiều cơn lốc xoáy, gây thiệt hại hơn 400 tỷ đồng. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đóng vai trò rất quan trọng nhằm bảo vệ thành quả sản xuất cũng như ứng phó với diễn biến thời tiết vốn ngày càng phức tạp.
 
Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đã rất chú trọng đến việc xây dựng và triển khai các phương án đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết. Tuy nhiên, con số thiệt hại vẫn còn rất lớn. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày một nghiêm trọng hơn.
 
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, năm 2019, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCTT-TKCN ở các địa phương, cơ sở, công trình trọng điểm; đồng thời, đề xuất bổ sung phương án, kế hoạch, giải pháp để sẵn sàng đối phó với thiên tai bão, lụt.
 
Trong công tác tuyên truyền, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chủ động phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình thực hiện nhiều chuyên mục, bài viết tuyên truyền về các loại hình thiên tai, lụt bão và phương pháp phòng, tránh nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng.
 
Các cấp ngành, địa phương cũng đã tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, xây dựng phương án PCTT-TKCN năm 2020 theo phương châm “4 tại chỗ” sát với từng địa phương, đơn vị; chủ động thực hiện việc rà soát, thống kê những khu vực, địa phương có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai (lũ quét, sạt lở đất …) để chuẩn bị phương án di dời dân khi cần thiết. 
Hệ thống hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản được xây dựng kiên cố, đáp ứng yêu cầu công tác PCTT-TKCN.
Hệ thống hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản được xây dựng kiên cố, đáp ứng yêu cầu công tác PCTT-TKCN.
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, ngoài lực lượng nòng cốt là bộ đội và công an, các địa phương cũng đã xây dựng lực lượng dân quân cơ động tại chỗ phục vụ công tác PCTT-TKCN theo phương án của tỉnh và sự điều động của người có thẩm quyền. Riêng đối với cấp tỉnh, trước mỗi đợt thiên tai, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương dự trữ trung bình 300 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 100.000 lít xăng, dầu diesel, 10.000 lít dầu hỏa, 30.000 lít nước uống đóng chai để chủ động hỗ trợ khi cần thiết.
 
Những kết quả của việc thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các đợt thiên tai trong năm 2019 cho thấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác PCTT-TKCN, trong đó, chú trọng chỉ đạo về công tác tuyên truyền, tập huấn, tu bổ, sửa chữa các công trình hồ, đập, đê kè, cống, đường cứu hộ cứu nạn, khu neo đậu tàu thuyền, công trình chống sạt lở, di dân tái định cư, công tác tìm kiếm cứu nạn, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai...
 
Các đợt áp thấp nhiệt đới và bão đổ bộ vào tỉnh ta trong năm 2019 không khiến hồ, đập nào bị vỡ hoặc gặp sự cố nghiêm trọng; các khu neo đậu tàu thuyền đã phát huy hiệu quả tốt. Công tác dự báo, thông tin về diễn biến bão, lũ kịp thời đã giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và địa phương sát với thực tế. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình đã cử cán bộ phóng viên về tận địa bàn, đưa tin cụ thể, liên tục về công tác phòng ngừa, ứng phó với bão lũ nên đã giúp cho nhân dân chủ động hơn trong công tác phòng tránh. Các sở, ban, ngành đã có kế hoạch, phương án và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các phương án đối phó với bão, lũ.
 
Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra tình hình ứng phó thiên tai do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp về các địa phương để kịp thời chỉ đạo chính quyền và người dân thực hiện công tác PCTT-TKCN.
 
Dự báo tình thiên tai trong năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp theo xu hướng cực đoan và có thể gây thảm họa lớn. Bởi vậy, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai công tác PCTT-TKCN được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác PCTT đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
 
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần kiểm tra, giám sát việc đưa nội dung PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; theo dõi sát công tác khắc phục hậu quả thiên tai để có kế hoạch tái thiết hợp lý; bảo đảm công tác thông tin liên lạc mọi lúc, mọi nơi để thống nhất chỉ đạo và thực hiện các phương án ứng phó thiên tai hợp lý…
 
Đối với Quảng Bình, để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, ngành cần thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp công tác PCTT-TKCN năm 2020.
 
Trước hết, cần xác định công tác PCTT-TKCN phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả. Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. 
Quảng Bình là địa phương thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra.
Quảng Bình là địa phương thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1901/2008/QĐ-UBND, ngày 5-8-2008; thực hiện lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, ngành nhằm bảo đảm công tác chỉ huy, chỉ đạo. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các địa phương, đơn vị thực hiện công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiếp tục rà soát các nội dung và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch PCTT-TKCN cũng như phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão đã được UBND tỉnh phê duyệt.
 
Các cơ quan chức năng cần sớm tổ chức nghiên cứu giải pháp thoát lũ, giảm ngập lụt tại một số địa phương và những nơi có công trình trọng điểm. Các địa phương cần chủ động tổ chức các lực lượng tình nguyện, xung kích trong công tác PCTT-TKCN ở cộng đồng; tổ chức quản lý, kiểm tra, duy tu, nâng cấp định kỳ các công trình trọng điểm về PCTT, đặc biệt là các công trình thủy lợi, giao thông, thông tin, điện lực, thông tin, kho tàng, nhà cửa.
 
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, hiện tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT-Ủy ban Quốc gia TKCN, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các phương tiện phòng chống lụt bão, như: thuyền máy, phao cứu sinh, phao bè...; huấn luyện lực lượng TKCN tỉnh để có thể thực hiện nhanh nhất nhiệm vụ TCKN, cứu hộ trên biển.
 
Trung ương cần hỗ trợ kinh phí để Quảng Bình nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa nước đã xuống cấp, hư hỏng; lập quy trình vận hành các hồ chứa còn lại; xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du các hồ chứa nước vừa và lớn trên địa bàn tỉnh; lắp đặt các thiết bị đo mưa, thủy lực, thủy văn dòng chảy trên lưu vực, tại công trình và hạ du.
 
Nguyễn Hoàng