Những năm tháng không thể nào quên...

  • 08:42 | Thứ Ba, 28/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày tháng 4 lịch sử năm ấy đã trôi qua gần nửa thế kỷ nhưng cựu chiến binh trung tá Trần Ngọc Ân (SN 1947, ở TT. Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa) vẫn nhớ và kể tường tận từng trận đánh, từng địa danh, từng đồng đội và thậm chí cả tên tuổi của những người dân ông vô tình gặp trong ngày hội thống nhất non sông. Bởi với ông, thời khắc đó là một phần máu thịt trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
 
Ký ức chạy giặc
 
17 tuổi, chàng trai trẻ Trần Ngọc Ân đã chững chạc giữ chân kế toán Hợp tác xã Trung Xuân (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa). Thế rồi, như một bước ngoặt, năm 18 tuổi, chàng thanh niên ấy viết đơn tình nguyện ra chiến trường với lời thề “Chưa hết giặc Mỹ, chưa về quê hương”. Và từ đó, ông gắn bó cuộc đời mình với con đường binh nghiệp cho đến lúc hồi hưu. Ông kể: “Chẳng hiểu sao khi nhận giấy báo gọi nhập học Trung cấp Tài chính (thời kỳ đó, học sinh tốt nghiệp cấp II, cũng được xếp vào loại “của hiếm”-PV), nhưng tôi không hề muốn đi học, mà chỉ khao khát đi bộ đội, cầm súng đánh giặc”.
 
Có lẽ, cái ký ức “chạy giặc” của những năm kháng chiến chống Pháp đã ám ảnh, thúc đẩy ông. Thuở đó, cậu bé Ân chỉ vừa mới 5, 6 tuổi. Mỗi lần thực dân Pháp ngược dòng sông Gianh đổ bộ lên quê hương ông-xã Văn Hóa |(vùng đất hiếu học có tiếng bên dòng sông Gianh), dân làng, già trẻ gái trai đều phải bồng bế, dắt díu nhau rời làng lên cư trú trong những hang hốc trên lèn đá ở gần đó. Và rồi, sau đó là cảnh nhà tan, cửa nát, chết chóc, tang thương.
 Với cựu chiến binh Trần Ngọc Ân, ký ức về ngày toàn thắng vẫn luôn vẹn nguyên.
Với cựu chiến binh Trần Ngọc Ân, ký ức về ngày toàn thắng vẫn luôn vẹn nguyên.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (4-8-1964), đế quốc Mỹ lấy cớ đưa quân ra ném bom phá hoại miền Bắc, nhằm chặn nguồn tiếp tế của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam, hòng chia cắt sự thống nhất đất nước ta. Quảng Bình, mảnh đất ở đầu cầu tuyến lửa những năm đó, trở thành “chảo lửa” của bom đạn đế quốc Mỹ. Mùa hè năm 1965, sau 7 ngày hành quân theo đơn vị từ Minh Cầm (Tuyên Hóa) vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), ông theo đơn vị vào đóng quân bảo vệ cây cầu giới tuyến Hiền Lương, mở đầu cho những tháng ngày xuôi Nam, ngược Bắc, trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên hầu khắp các chiến trường, với nhiều vị trí, cương vị khác nhau.
 
Tiến về miền Nam
 
Sau hơn 20 ngày đêm hành quân liên tục từ cầu Đò Lèn (xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa)-địa điểm đơn vị ông đóng quân, đến Quảng Trị, ngược Đường 9 qua đất bạn Lào, ngày 22-4-1975, đội hình hành quân của Quân đoàn 1, trong đó có đơn vị ông (lúc này ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 105 Trung đoàn 208 Sư đoàn 367 Quân đoàn 1) đã vượt qua ngã ba Đông Dương về tỉnh Kon Tum.
 
Ngày 23-4-1975, toàn đơn vị theo Quốc lộ 14 tiến thẳng về phía Nam. Ông Ân kể, suốt hơn 20 ngày đêm hành xuân xuyên rừng, có lúc ngày đi đêm nghỉ, có lúc ngày nghỉ đêm đi, nhiều chiến sỹ đã rất mệt. Nhưng khi đặt bước chân lên Tây Nguyên, mảnh đất miền Nam yêu dấu của Tổ quốc, liên tiếp tin thắng trận được thông báo qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua thông báo hàng ngày của cấp trên, toàn quân ai nấy đều rất hào hứng, phấn khởi.
 
Ngày 28-4, đơn vị ông vào đến rừng Bá Đá (địa điểm giáp ranh giữa Quốc lộ 14 và Quốc lộ 13, thuộc tỉnh Bình Dương). Không khí chiến trận từ đây khẩn trương và gấp rút hơn lúc nào hết. Quốc lộ 14 tấp nập người, xe qua lại như mắc cửi. Đến tối 28-4-1975, đội hình Quân đoàn 1 cánh Bắc đã đánh chiếm được hầu hết các chốt tiền tiêu của Sư đoàn 5 tinh nhuệ của ngụy, lực lượng trấn giữ cửa ngõ quan trọng ở phía Bắc của chính quyền Sài Gòn. Song, trước thế trận như “chẻ tre” của quân ta, toàn bộ Sư đoàn 5 Ngụy nhanh chóng vỡ trận, bỏ chạy tán loạn.
 
Bắt đầu từ đây, đoạn cuối của Quốc lộ 14 và Quốc lộ 13 từ Tân Uyên đến Sài Gòn, địch gài mìn chống tăng dày đặc. Các đơn vị vừa đi vừa đánh, lực lượng công binh liên tục gỡ mìn. Ngoài tiếng súng của bộ binh, súng cối của ta lẫn địch, chốc chốc lại có cả tiếng mìn chống tăng do xe tăng ta vướng phải, khiến cho đội hình tiến quân ta bị chậm và cứ thế bị dồn lại. Khoảng 7 giờ sáng ngày 29-4, một tốp không quân của Mỹ xuất hiện đánh chặn đội hình Quân đoàn 1 nhằm hộ tống Đại sứ quán Mỹ rút chạy. Đội hình tiểu đoàn ông cũng bị dồn lại trên một khoảng đất trống giữa chốt tiền tiêu của Sư đoàn 5 ngụy vừa mới bị đánh bật lúc rạng sáng.
 
Cựu binh Trần Ngọc Ân nhớ lại: “Khoảng 10 giờ sáng 30-4, khi vừa qua cầu Bình Triệu, chúng tôi đã nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, nhưng tôi vẫn không tin và nhắc anh em trong đơn vị cẩn thận không mắc lừa địch, rồi mở chiếc radio “ly đỏ” để nghe. Khi nghe đến đoạn Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, tôi vặn to radio cho anh em ngồi trên xe cùng nghe, ai nấy cùng nhau vỗ tay hoan hô, mừng chiến thắng. Nhìn ra ngoài, không biết từ lúc nào, cờ giải phóng đã bay rợp trời, nhân dân ùa ra đường reo hò, mừng đoàn quân giải phóng tiến vào nội thành Sài Gòn. Suốt đêm hôm đó, nhân dân Sài Gòn và cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, ai cũng rạo rực, phấn khởi, quên cả mệt nhọc vất vả, quên cả đói, dù suốt hơn 3 ngày trước chỉ ăn lương khô và uống nước lọc”...
 
Dương Công Hợp