Tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

  • 08:23 | Thứ Hai, 09/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xem là “cứu cánh” cho công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều địa phương tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn tồn tại nhiều vấn đề, thể hiện qua việc hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp được phát hiện trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường quản lý hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm góp phần hạn chế phát sinh các tiêu cực liên quan đến lĩnh vực này.
 
Bài 1: “Bức tranh” hai mặt
 
Thời gian qua, hoạt động đưa NLĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của NLĐ và các tổ chức, cá nhân đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa nghiêm đã tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao và gây nhiều hệ lụy xã hội…
 
Hướng giảm nghèo hiệu quả
 
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Minh chứng rõ nét, số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.
 
Cụ thể, từ 2.350 người năm 2015 tăng lên 3.350 người năm 2018 và đến năm 2019 đã tăng lên 4.327 người. Đến nay, toàn tỉnh hiện có trên 10.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với lượng kiều hối do NLĐ gửi về nước trên 2.500 tỷ đồng/năm, trong đó, chủ yếu đi các thị trường, như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhìn chung, chất lượng nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có nhiều chuyển biến tốt hơn so với những năm trước đây, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động nước ngoài.
Làng biển Nhân Trạch (Bố Trạch) ngày càng “thay da đổi thịt” nhờ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Làng biển Nhân Trạch (Bố Trạch) ngày càng “thay da đổi thịt” nhờ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tín hiệu tích cực của hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn thể hiện ở khía cạnh khác, như: thu nhập của NLĐ ngày càng tăng, nguồn tiền gửi về nước ngày một nhiều, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhiều gia đình, địa phương. Nhờ hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhiều vùng quê khó khăn đã trở thành những địa phương dẫn đầu về phát triển kinh tế. Tiêu biểu, như xã: Bắc Trạch, Nhân Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch), Văn Hóa, Thuận Hóa (Tuyên Hóa), Ngư Thủy Bắc, Xuân Thủy (Lệ Thủy), Quảng Xuân (Quảng Trạch)… 
 
Đáng kể, hầu hết gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều thoát nghèo, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu. Có người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước và đăng ký đi lần 2 với mong muốn có thêm vốn lập nghiệp, giúp gia đình xây dựng, chỉnh trang nhà ở, mua sắm ngư cụ, đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình chăn nuôi… Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,98% (đầu năm 2019) xuống còn 4,98% (đầu năm 2020) và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 9,45% (đầu năm 2019) xuống còn 6,67% (đầu năm 2020).
 
Và những “khoảng tối”
 
Ông Phan Nam, Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, cuối năm 2019, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với Công an tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản làm việc trực tiếp đối với 32 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
 
Cụ thể: 2 cá nhân tại huyện Lệ Thủy; 2 cá nhân tại huyện Quảng Ninh; 9 tổ chức, cá nhân ở TP. Đồng Hới; 5 tổ chức, cá nhân tại huyện Bố Trạch; 4 cá nhân tại huyện Quảng Trạch; 6 tổ chức, cá nhân ở TX. Ba Đồn; 2 tổ chức, cá nhân ở huyện Tuyên Hóa; 2 tổ chức và cá nhân ở huyện Minh Hóa. Qua đợt kiểm tra cho thấy, đa số các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong tổ chức và hoạt động với các lỗi vi phạm, như: tổ chức hoạt động dich vụ việc làm không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp; thành lập các văn phòng đại diện tại địa phương nhưng không thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp; treo biển bảng quảng cáo về dịch vụ việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi chưa đủ thủ tục pháp lý; thu tiền người lao động trái quy định…
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, lập biên bản một cơ sở có sai phạm trong tổ chức và hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, lập biên bản một cơ sở có sai phạm trong tổ chức và hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đơn cử, đoàn kiểm tra đối với cá nhân ông Trần Quang Dũng, trú tại xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) đã hoạt động dịch vụ việc làm nhưng không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đoàn đã yêu cầu ông Dũng dừng ngay mọi hoạt động dịch vụ việc làm; đồng thời, tháo gỡ bảng quảng cáo. Hay tại TX. Ba Đồn, đoàn kiểm tra đã làm việc với Văn phòng đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tiến Lộc tại Quảng Bình (do ông Hoàng Bá Điệp ở đường Quang Trung, phường Quảng Thọ làm người đại diện), phát hiện công ty không thực hiện việc thông báo với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
 
Từ tháng 7-2018 đến tháng 11-2019, ông Điệp đã tư vấn, tuyển chọn và giới thiệu 46 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho một số công ty để đi làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc; đồng thời, thu tiền tuyển chọn của 46 người lao động với mức 10 triệu đến 79,5 triệu đồng là trái với quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP…
 
Ông Phan Nam thông tin thêm, tuy chưa có con số thống kê chính xác, song thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn có những trường hợp, vụ việc xảy ra liên quan đến các tổ chức, cá nhân đưa NLĐ ra nước ngoài trái phép. Về phía NLĐ, một số người do thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin không chính thống, nên dễ dàng tin vào “hứa hẹn” của đối tượng “cò mồi”, khiến họ phải nộp các khoản phí cao hơn quy định, thậm chí bị lừa và mất tiền. Một số trường hợp biết thông tin, quy định của pháp luật, nhưng vì tâm lý nôn nóng muốn đi làm sớm, thu nhập cao nên sẵn sàng chọn con đường đi không chính thức và không kiên trì tham gia các chương trình đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề theo đúng khung thời gian quy định.
 
Mặt khác, tình trạng NLĐ trên địa bàn tỉnh ta đã hết hạn hợp đồng nhưng bỏ trốn không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại cũng đáng báo động, nhất là tại thị trường lao động Hàn Quốc. Đến thời điểm tháng 6-2019, tại Hàn Quốc (theo chương trình EPS) có 563/1.013 lao động của tỉnh ta đang cư trú và làm việc bất hợp pháp, tỷ lệ cư trú bất hợp pháp bình quân toàn tỉnh chiếm 55,6%; tại Nhật Bản (theo chương trình IM Japan) là 12/177 người cư trú bất hợp pháp và 4 người về nước trước thời hạn, chiếm 6,9%; có 19 lao động do các doanh nghiệp đưa đi có báo cáo lao động bỏ trốn, ở lại làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại…
 
Trước tình hình đó, năm 2019, Bộ LĐ-TB-XH ban hành công văn thông báo danh sách 40 quận, huyện thuộc 10 tỉnh trên toàn quốc có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, trong đó có huyện Bố Trạch và TX. Ba đồn. 
 
Rõ ràng, nhiều lao động chưa ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, đất nước trong vấn đề tuân thủ pháp luật Việt Nam và nước sở tại đã gây thiệt thòi cho NLĐ đang có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng. Đáng nói, hậu quả của việc đi lao động trái phép chính NLĐ phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng, tài sản và làm việc trong điều kiện không hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ, dễ bị ngược đãi, bị vi phạm các quyền lợi về lao động…
 
Thùy Lâm
 
Bài 2: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động