"Luôn lao động, sáng tạo, nỗ lực để vươn lên thoát nghèo bền vững":

Vai trò của truyền thông về giảm nghèo bền vững

  • 14:19 | Thứ Hai, 30/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động thông tin-truyền thông không chỉ giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ, mà còn giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các gương sáng vươn lên thoát nghèo. Với mục tiêu triển khai chương trình giảm nghèo bền vững năm 2020 đạt hiệu quả cao, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận cả hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), việc chuyển đổi và áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đo lường nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016-2020 được thực hiện không chỉ bằng nhóm tiêu chí thu nhập mà bằng cả nhóm tiêu chí phi thu nhập, bao gồm: khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin.
 
Chính vì vậy, nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp và của chính người dân-đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo đòi hỏi phải thay đổi. Từ thực tế đó, tỉnh ta đã đẩy mạnh và đổi mới cả về nội dung, phương thức truyền thông về giảm nghèo, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của người nghèo, hạ tầng vùng nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động truyền thông có vai trò quan trọng giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các gương sáng vươn lên thoát nghèo.
Hoạt động truyền thông có vai trò quan trọng giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các gương sáng vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo rất phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đơn cử, Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh đã thực hiện xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với nhân dân...
 
Các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền trên đài truyền thanh-truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các hình thức tuyên truyền khác trên địa bàn về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, như: xây dựng băng rôn, pano truyền thông giảm nghèo ở các vị trí công cộng, tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo ở cơ sở giữa lãnh đạo các cơ quan chuyên môn với nhân dân nhằm nâng cao nhận thức đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; phát hành tài liệu về công tác giảm nghèo, tờ rơi tuyên truyền chính sách và hướng dẫn cán bộ giảm nghèo và người dân về quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm…
 
Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Minh Hóa đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), dự án và triển khai các giải pháp để tổ chức thực hiện, trong đó, truyền thông về giảm nghèo đóng vai trò quan trọng. Minh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi hộ nghèo, cận nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có ý thức vươn lên, vượt qua khó khăn thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
 
Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện giảm đáng kể, từ 24,73% (đầu năm 2019) xuống còn 18,34% (đầu năm 2020) và hộ cận nghèo giảm từ 40,59% (đầu năm 2019) xuống 31,37% (đầu năm 2020). Đặc biệt, năm 2019, toàn huyện có 25 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát hộ nghèo, cận nghèo.
 
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo về thông tin, trong năm 2019, Sở Thông tin-Truyền thông đã triển khai thực hiện hỗ trợ nhiều nội dung cho các địa phương và hộ nghèo trên địa bàn. Cụ thể, sở trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại 4 huyện (Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Ba Đồn) và 4 xã, gồm: Thuận Hóa (Tuyên Hóa), Trọng Hóa (Minh Hóa), Thượng Trạch (Bố Trạch) và Trường Sơn (Quảng Ninh); hỗ trợ 329 bộ ti vi cùng thiết bị thu tín hiệu truyền hình vệ tinh và 1.000 radio cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện, thị xã. Cùng với đó, sở tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền về công tác giảm nghèo cho những học viên là cán bộ phụ trách đài truyền thanh cơ sở…
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, điều quan trọng trong công tác truyền thông về xóa đói giảm nghèo thời gian qua là đã góp phần hỗ trợ cho người dân hiểu rõ hơn về cách tiếp cận mới về giảm nghèo-đó là giảm nghèo đa chiều. Các hoạt động truyền thông không chỉ giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ, mà còn tạo điều kiện cho mọi người dân, nhất là các hộ nghèo có được thông tin để tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và học hỏi các gương sáng, điển hình để thoát nghèo.
 
Mặt khác, qua đó còn làm rõ nguyên nhân hạn chế, bất cập trong công tác giảm nghèo. Đây là vấn đề hết sức cần thiết để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong chương trình MTQG giảm nghèo bền vững…
 
Thùy Lâm