Đi lên từ nghề mộc

  • 08:24 | Thứ Sáu, 06/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bắt tay làm nghề mộc cách đây 27 năm, khi điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng với sự đam mê, nhạy bén, anh Hoàng Văn Đoàn (SN 1975), xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch đã tạo dựng cho mình một cơ sở mộc mỹ nghệ quy mô, hiện đại, mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.   
 
Sau một thời gian vất vả mưu sinh ở miền Nam, anh  Hoàng Văn Đoàn trở về quê với mong muốn được lập nghiệp trên chính quê hương của mình. Tuy nhiên, Quảng Liên (nay thuộc xã Liên Trường) vốn là xã thuần nông, sản xuất chủ yếu là độc canh cây lúa, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
 
Anh tâm sự: “Tôi đã nhiều lần suy nghĩ và trăn trở phải làm gì để vừa chuyển đổi ngành nghề hiệu quả, vừa giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương. Nếu quanh năm cứ bám vào 2 sào ruộng thì không biết đến lúc nào gia đình mới làm giàu được. Vốn từ nhỏ đã đam mê với nghề mộc và từng được xem, học qua nghề cùng các chú, các bác trong làng nên tôi quyết tâm chọn nghề mộc để phát triển kinh tế. Sau khi đăng ký tham gia lớp học nghề mộc dân dụng, với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, năm 1993, tôi được tạo điều kiện vay vốn để mở một xưởng mộc mỹ nghệ nhỏ phục vụ cho người dân trong làng”.
 
Mặc dù chỉ là cơ sở mộc có quy mô nhỏ, nhưng với tay nghề cao, cùng niềm đam mê với nghề, những sản phẩm do anh làm ra, như: bàn, ghế, tủ, đều có mẫu mã bắt mắt và tạo được uy tín với người dân trong xã cũng như những xã lân cận. Nhờ đó, sau nhiều năm sản xuất, vợ chồng anh bắt đầu mua thêm máy móc, mở rộng quy mô xưởng.
 
Năm 2017, nhận thấy nhu cầu sử dụng các tiện nghi sinh hoạt của mỗi hộ gia đình ngày càng đổi mới, anh Đoàn đã mạnh dạn mua thêm những máy móc hiện đại, như: máy điêu khắc gỗ, máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính. Nhờ sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nên các sản phẩm của anh được đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng và được nhiều người dân trong huyện ưa chuộng.
 Anh Hoàng Văn Đoàn đã có 27 năm gắn bó với nghề mộc.
Anh Hoàng Văn Đoàn đã có 27 năm gắn bó với nghề mộc.
Sự chăm chỉ, cần cù và nhạy bén trong sản xuất, tiếp cận thị trường đã giúp cơ sở sản xuất của anh Hoàng Văn Đoàn từng bước khẳng định thương hiệu.Từ một xưởng mộc nhỏ, anh Hoàng Văn Đoàn đã xây dựng mô hình mộc thủ công, điêu khắc mỹ nghệ quy mô được nhiều người biết đến. Hàng năm, cơ sở mộc này đã cho thu nhập 350-400 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.  
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hoàng Văn Đoàn còn được đánh giá là một giáo dân gương mẫu ở địa phương. Sinh ra trong một gia đình công giáo ở vùng đất Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, anh Đoàn luôn ý thức bản thân phải luôn “Sống tốt đời đẹp đạo” để nêu gương cho con cháu.
 
Sau khi lên lập nghiệp ở vùng đất Liên Trường, anh cùng gia đình luôn gương mẫu, chấp hành tốt những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Không chỉ chấp hành tốt, anh còn vận động người thân, bà con và những người xung quanh chấp hành theo và tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân, Mặt trận xã tổ chức. Khi chương trình xây dựng nông thôn mới của xã được triển khai, anh Đoàn đã tự nguyện đóng góp số tiền 60 triệu đồng cùng ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương.
 
Anh cho biết, hiện nay, một số gia đình trong thôn và xã có hoàn cảnh còn khó khăn và chưa tìm được hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, bên cạnh sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, anh còn dành thời gian hướng dẫn nghề cho các thanh niên có nhu cầu phát triển nghề mộc. Đặc biệt, vừa qua, gia đình anh đã hỗ trợ 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để sản xuất, chăn nuôi, qua đó, giúp họ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Với những nỗ lực của bản thân trong suốt 27 năm qua, anh Hoàng Văn Đoàn đã được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trong 3 năm liền(từ năm 2013 đến 2015) và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2016, 2019.
Đ.N