Chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

  • 15:36 | Thứ Tư, 04/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia học nghề. Qua đó, nhiều lao động nông thôn đã tham gia học nghề, sử dụng kiến thức đã học áp dụng vào sản xuất, vươn lên làm giàu.
 
Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy đã chỉ đạo UBND huyện giao trách nhiệm cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện tổ chức tuyên truyền đầy đủ các nội dung của Chỉ thị. Đồng thời, các phòng tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, như: Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và chính quyền các xã, thị trấn tư vấn, vận động nhân dân tham gia học nghề, tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, việc làm...
 
Với nỗ lực đó, trong 5 năm qua, nhu cầu đăng ký học nghề của lao động trên địa bàn huyện tăng cao. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Lệ Thủy tổ chức từ 5 đến 6 lớp dạy nghề cho trên 200 học viên. Các nghề đào tạo chủ yếu là phi nông nghiệp, như: nuôi ong lấy mật; nuôi và phòng bệnh cho gia cầm, gia súc; trồng và khai thác gỗ rừng; nấu ăn.
 
Đặc biệt, Trung tâm còn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình đào tạo nghề may, điện cho hàng chục học sinh dân tộc thiểu số đang theo học hệ THPT tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện. Nhìn chung, các ngành nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động nên sau khi tốt nghiệp có khoảng 90% học viên có việc làm, biết vận dụng kiến thức học được vào sản xuất. 
Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Lệ Thủy phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình đào tạo nghề may cho học sinh dân tộc thiểu số.
Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Lệ Thủy phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình đào tạo nghề may cho học sinh dân tộc thiểu số.
Ông Võ Thanh Lệ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Lệ Thủy cho biết: “Những năm gần đây, nhiều lao động nông thôn đã được đào tạo nghề, áp dụng tốt kiến thức đã học vào sản xuất nên sống được bằng nghề với mức thu nhập khá cao. Những nghề hấp dẫn nhiều lao động, như:may mặc, điện, nấu ăn...”
 
Ông Hoàng Văn Điều, thôn Trường Giang, xã Trường Thủy, một trong những người nuôi ong từng được tham gia lớp đào tạo nghề của Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề của huyện chia sẻ: “Trước đây, thấy bà con nuôi ong nên tôi cũng mua 2 đàn về nuôi thử. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức nên ong thường bị bệnh. Khi ong đến thời chia đàn cũng không biết nên chúng tự bay đi. Rồi đến mùa mưa rét không biết cách chăm sóc nên đàn ong thợ chết gần hết. Nhưng từ khi được học nghề, tôi đã biết cách phòng trừ bệnh cho ong, biết tách đàn, biết che chắn, chăm sóc đàn ong khi mùa mưa rét đến. Nhờ đó, đàn ong ngày càng tăng lên về số lượng, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện”.
 
Đến nay, gia đình ông Điều có 20 đàn ong. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng 200 chai mật, với giá bán giao động từ 250.000-300.000 đồng/chai, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên 60 triệu đồng.
 
Xác định kinh tế rừng là thế mạnh của địa phương, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Lệ Thủy đã tập trung đào tạo nghề trồng và khai thác gỗ rừng trồng cho bà con. Nhờ đó, nhiều học viên sớm áp dụng kỹ thuật được học vào trồng rừng. Việc áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác rừng trồng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên đáng kể.
 
Chị Phạm Thị Hằng, thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy tâm sự: “Sau khi được học lớp trồng và khai thác rừng trồng do Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện mở tại xã, tôi đã vận dụng những kiến thức đã học vào trồng và khai thác gỗ rừng trồng hiệu quả. Nhờ đó, gia đình tôi có nguồn thu nhập khá, cuộc sống ngày càng ấm no”.
 
Nhà chị Hằng có diện tích rừng trồng khoảng 15ha, trong đó, có 2ha rừng thông nhựa đang cho thu hoạch, thu nhập hàng năm đạt trên 120 triệu đồng. Hiện chị cũng đang đầu tư trồng 1ha rừng gỗ lớn trên diện tích đất của mình.
 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, Phòng đã tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn; UBND các xã, thị trấn rà soát các nghề phù hợp với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã; khảo sát, xác định nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để định hướng nghề, hỗ trợ việc đào tạo nghề cũng như thực hiện các chế độ chính sách cho những người tham gia học nghề”.
 
Ông Võ Thanh Lệ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Lệ Thủy cho biết thêm, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề sẽ hướng đến nhu cầu xã hội. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi sẽ nghiên cứu, nắm bắt thị trường, nhu cầu lao động ở nước ngoài để đào tạo nghề phù hợp. Qua đó, huyện sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lao động có tay nghề, giúp họ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống....
Xuân Vương