"Kiểm tra nồng độ cồn, cần biện pháp phù hợp để ngăn ngừa lây nCoV"

  • 09:42 | Thứ Ba, 11/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: Cần thực hiện các biện pháp bảo hộ phù hợp khi kiểm tra nồng độ cồn để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
Cảnh sát giao thông Hà Nội sử dụng phương tiện an toàn kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Cảnh sát giao thông Hà Nội sử dụng phương tiện an toàn kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra vẫn gia tăng, nhiều người không khỏi lo ngại việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông có bảo đảm an toàn, ngăn ngừa được nguy cơ của dịch bệnh.
 
Trong thư gửi tới Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam- tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh: Cần thực hiện các biện pháp bảo hộ phù hợp để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông và cho cộng đồng bất cứ khi nào tiến hành hoạt động kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.
 
Ông khuyến cáo việc thực thi Luật Giao thông đường bộ, các quy định pháp luật khác, trong đó có quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và các văn bản dưới luật có liên quan nên được tiếp tục.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Kidong Park đã làm rõ hơn các ý kiến của mình.
 
- Tình hình lây lan phức tạp gần đây của chủng mới virus corona đã khiến nhiều người tham gia giao thông lo lắng về sự an toàn khi họ phải thổi nồng độ cồn. Theo ông, nếu vẫn áp dụng việc kiểm tra hiện nay liệu có an toàn đối với người tham gia giao thông?
 
Tiến sỹ Kidong Park: Lái xe khi say rượu là một nguy cơ vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự an toàn của mọi người. Trung bình hàng ngày, rượu đã gây ra 15 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng và 4 người chết ở Việt Nam.
 
Chính vì vậy, đảm bảo thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn của lái xe là rất quan trọng để bảo vệ mạng sống của người tham gia giao thông và chúng ta cần phải tiếp tục làm việc này.
 
Khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn của lái xe, cần áp dụng các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa lây nhiễm. Thứ nhất, để bảo vệ cán bộ Công an, thứ hai, bảo vệ người lái xe khỏi những nguy cơ bị lây nhiễm vào bất kỳ thời điểm nào.
 
- Trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo an toàn trong thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, ông có khuyến nghị gì?
 
Tiến sỹ Kidong Park: Hiện nay, chúng ta đang dùng ống thở để kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Chúng tôi muốn nhấn mạnh những điểm chính sau đây.
 
Thứ nhất, cán bộ Công an phải đeo khẩu trang y tế và phải được cung cấp cồn rửa tay. Thứ hai, máy thở chỉ nên do một cán bộ Công an giữ một cách an toàn trong suốt ca làm việc của mình và cần phải được làm sạch đúng cách trước, trong ca và sau ca làm việc.
 
Sử dụng cồn để vệ sinh ống thở. Ống thở một lần chỉ được phép sử dụng một lần. Sau khi sử dụng phải được thu lại, sau đó hủy đúng cách.
 
- Để tránh bùng phát dịch 2019-nCoV, theo ông cần có giải pháp gì trong thời gian tới?
 
 Tiến sỹ Kidong Park: Như chúng tôi đã khuyến nghị, việc đảm bảo thực thi, kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe cần phải được tiếp tục theo quy trình chuẩn hóa và đúng cách để đảm bảo an toàn cho cán bộ Công an cũng như cho người tham gia giao thông.
 
Các biện pháp để phòng lây nhiễm cho lái xe và cho cán bộ Công an cần được nghiêm túc thực hiện để giúp loại bỏ bất kỳ nguy cơ nào liên quan đến việc lây nhiễm.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)