Viết tiếp những ước mơ...

  • 11:16 | Chủ Nhật, 12/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Từ khi sinh ra, số phận của các em ở 3 gia đình khác nhau (thuộc thôn 3 và 5, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) không được may mắn như bao bạn bè đồng trang lứa. Do di chứng tật nguyền, cơ thể của các em co rút, tứ chi không phát triển khiến mọi sinh hoạt của các em đều phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Thế nhưng, các em có khao khát được đến trường, được học tập, vui chơi cùng chúng bạn. Trong ánh mắt và giọng nói ngây thơ, trong trẻo, chắc các em chưa thể hiểu, ước mơ ấy muốn được viết tiếp phải gian nan thế nào...

 

Cháu Hoàng Minh Tuân cùng các bạn trong lớp.
Cháu Hoàng Minh Tuân cùng các bạn trong lớp.
Ngôi nhà ghép bằng những tấm gỗ tạp chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông ở thôn 5 là nơi ở của người mẹ đơn thân Hoàng Thị Sen (sinh năm 1975) cùng đứa con trai nhỏ tật nguyền. Trong nhà có mỗi chiếc máy may là vật dụng có giá trị nhất, để chị Sen ngày ngày mưu sinh nuôi con. Năm 2016, sau thời gian mang thai không phát hiện dấu hiệu khác thường, chị Sen sinh hạ được cháu Hoàng Minh Tuấn. Từ khi lọt lòng, Tuấn đã gần như không có tứ chi. Nhưng càng lớn, khuôn mặt Tuấn càng khôi ngô, hiếu động và chăm đến trường mầm non. Giọng buồn, chị Sen kể: “Có hôm, Tuấn dậy từ 4 giờ, chờ trời sáng để đến trường. Nhìn con và gia cảnh của tôi thế này không biết rồi tương lai cháu sẽ đi về đâu”. Còn khi chúng tôi hỏi Tuấn, cháu thích gì, Tuấn không ngần ngại nói to: “Cháu thích lái xe!”
 
Cháu Hoàng Thái Tú phải có người thường xuyên bồng bế trông nom.
Cháu Hoàng Thái Tú phải có người thường xuyên bồng bế trông nom.
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Hà, Chủ nhiệm lớp mẫu giáo bé, Trường mầm non xã Xuân Trạch cho biết: Mọi sinh hoạt của cháu đều do cô giáo đảm nhiệm. Tuy nhiên, cháu rất có ý thức vươn lên, đến lớp chuyên cần và chịu khó nghe lời cô giáo dù có hôm đau ốm, mệt mỏi. Cháu cũng thích vận động. Nhìn cảnh cháu lết bằng đầu gối để chơi đùa cùng bạn nhiều quá nên bị chai, lồi hẳn một u tròn, trông càng tội nghiệp hơn”.
 
Cạnh nhà chị Sen là nhà của vợ chồng anh Hoàng Bắc Đẩu (sinh năm 1985). Khác với Tuấn, em Hoàng Thái Tú (con trai anh Đẩu) từ khi sinh ra bị dị tật toàn thân và hầu như không biết gì. Dù đã 8 tuổi nhưng cơ thể Tú chỉ bằng đứa trẻ lên 5, ánh mắt vô hồn, vặn vẹo liên hồi, phải có người thường xuyên bồng bế, trông nom. Tú không biết để mơ ước. Nhưng mẹ của Tú mong sao có cuộc sống đỡ hơn để còn chăm sóc em với những ngày tiếp theo.
 
Ông Hoàng Trọng Đấu (sinh năm 1940), là ông nội của Tú và là ông ngoại của Tuấn, giờ già yếu, thương cháu, nhưng cũng nghèo, không giúp gì được. Ông Đấu trò chuyện: “Tôi là thương binh, từng tham gia chiến đấu tại 2 chiến trường: chiến trường C (Lào) năm 1963-1968 và chiến trường B Quảng Trị năm 1968-1972. Những nơi tôi từng đi qua, từ những cây cối to cao đến từng ngọn cỏ đều héo quắt, không thể sống được. May mắn là con người còn trở về, sống đến được ngày hôm nay, nhưng nhìn cảnh cháu nội, cháu ngoại thêm thắt lòng, rồi bệnh cũ tái phát, nên đau yếu thường xuyên hành hạ…”.
 
Còn cháu Nguyễn Thế Phong (ở thôn 3, học sinh lớp 1A, Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch) từ khi sinh ra cũng bị co quắp, dị tật tứ chi. Chị Nguyễn Thị Trúc Phương mẹ của Phong cho biết: “Khi sinh ra, chân tay cháu bị dính vào nhau, gia đình đưa đi các bệnh viện, bác sỹ chẩn đoán cháu bị dính đa khớp và bại não vận động. Chăm cháu lớn lên thật khó khăn, nhưng khi thấy 2 em mình đi học thì Phong cũng xin ba mẹ để được đến trường, nên tôi “đánh liều” xin thầy hiệu trưởng cho cháu đi học”.
 
Mới hơn 7 tuổi, nhưng Phong đã phải trải qua 4 lần phẫu thuật để chân tay có thể tách rời nhau. Dù vậy, Phong cũng chỉ có thể nằm một chỗ, không vận động được. Thế nhưng, bù lại Phong rất ngoan ngoãn, thông minh, lanh lợi và luôn khao khát được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Phong cho hay: “Cháu muốn được đến trường, được học chữ. Sau này làm bác sỹ, chữa bệnh cho mẹ, cho mọi người và cả cho cháu nữa”.
Cháu Hoàng Minh Tuấn ngồi trước ngôi nhà của hai mẹ con.
Cháu Hoàng Minh Tuấn ngồi trước ngôi nhà của hai mẹ con.
Những ngày đầu đến trường, Phong gặp rất nhiều khó khăn để có thể làm quen với việc học. Vì không thể ngồi viết như các học sinh khác nên bố Phong đã đóng cho em một chiếc giường gỗ đặt ở góc lớp. Chiếc giường trở thành người bạn đồng hành của Phong trong mỗi tiết học ở trường.
 
Cô giáo Lê Thị Hiền Bích, giáo viên Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch, chia sẻ: “Dù không đi lại, vận động được như các bạn nhưng bù lại Phong rất siêng năng, chăm chỉ và luôn tập trung nghe cô giáo giảng bài. Bằng ý chí và nghị lực, Phong đã viết chữ bằng miệng rất đẹp và dần bắt kịp các kiến thức, trở thành tấm gương để nhiều bạn trong lớp lấy đó làm động lực vươn lên trong học tập”.
 
Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết: “Hiện, những gia đình trên đều thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống vất vả và chuỗi ngày dài gian nan tiếp diễn. Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của xã cũng trợ giúp về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, vốn là xã nghèo, thu nhập của người dân thấp đồng đều nên sự vận động giúp đỡ cũng còn gặp khó khăn. Chúng tôi rất mong các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm gần, xa hỗ trợ thêm để cuộc sống của các cháu và các gia đình đỡ hơn phần nào”.
 
Giờ đây, dù uớc mơ đến trường của các cháu Phong, Tuấn đã trở thành hiện thực, nhưng con đường tương lai phía trước vẫn còn quá nhiều chông chênh mà các em chưa thể hiểu. Để viết tiếp những ước mơ dù rất bình dị cho cuộc đời của các em, không những nỗ lực từ phía bản thân, gia đình, người thân mà thiết nghĩ, cần có sự quan tâm, giúp sức tích cực của cộng đồng xã hội.
 
                                                                                          Hương Trà