Khi "lâm tặc"... chuyển nghề!

  • 08:07 | Thứ Tư, 01/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kể từ khi các công ty, đơn vị đầu tư khai thác các tuyến du lịch ở vùng núi Phong Nha-Kẻ Bàng, người dân địa phương, đặc biệt là lực lượng lao động tại xã Sơn Trạch (Bố Trạch) có thêm một nghề mới, thay thế nghề “đi rừng” trước đây, đó là nghề khuân vác hành lý và hàng hóa cho khách du lịch, hay còn gọi là nghề “porter”. Những năm gần đây, nghề này phát triển mạnh, tạo ra nhiều việc làm, góp phần đổi thay tích cực đời sống của người dân nơi miền quê nghèo vốn bấy lâu kinh tế phần lớn chỉ dựa vào rừng.
 
Vào mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Văn Đại (sinh năm 1976) ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch lại đến văn phòng của của Công ty TNHH lữ hành Jungle Boss để bắt đầu công việc thường nhật. Hiện anh đảm nhiệm công việc mà trước đây anh chưa từng biết đến, đó là khuân vác hành lý cho khách du lịch. Sau gần 3 năm làm việc, anh Đại đã thực sự gắn bó với nghề này. Anh cẩn thận, tỉ mỉ chuẩn bị đầy đủ từ lương thực, thực phẩm đến các vật dụng cần thiết để phục vụ hành trình chinh phục, khám phá các điểm vui chơi, tham quan của du khách.
 
Anh Đại cho biết: “Trước đây, khi du lịch chưa phát triển, vì mưu sinh, tôi trở thành dân “đi rừng” chuyên nghiệp, khai thác gỗ lạt và săn bẫy động vật, rồi đi làm phụ thợ xây, công việc vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm... Nay, chuyển qua làm porter, dù không nhàn hạ, nhưng vui vẻ, thanh thản hơn nhiều. Chúng tôi có nhiệm vụ mang, vác, gùi đồ, hộ tống, dựng lán trại, phục vụ thức ăn, đồ uống cho khách du lịch. Chúng tôi mặc nhiên trở thành người bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, giữ gìn từng nhành cây, con thú... Vấn đề giữ vệ sinh cũng được anh em porter chúng tôi coi trọng. Vì như thế sẽ góp phần thu hút du khách, chúng tôi duy trì việc làm lâu dài, có cuộc sống ngày càng ổn định”.
Porter hỗ trợ du khách chuẩn bị khám phá cảnh đẹp trong các hang động.
Porter hỗ trợ du khách chuẩn bị khám phá cảnh đẹp trong các hang động.
Mới đầu, ở xã Sơn Trạch chỉ có vài người theo nghề này, nhưng vài năm trở lại đây, khách du lịch đến khám phá hệ thống hang động cũng như các điểm du lịch ngày càng nhiều, nhu cầu về khuân vác hành lý, phục vụ du khách cũng vì thế mà tăng lên. Porter chính thức trở thành nghề mưu sinh của người dân xã Sơn Trạch và các xã vùng lân cận.
 
Anh Phạm Văn Dương (sinh năm 1998), ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch chia sẻ thêm: “So với các công việc khác như "đi rừng" hay phụ thợ xây thì việc khuân vác có phần nhẹ nhàng, lại thú vị hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi người có sức khỏe, vì nếu du khách khám phá các điểm du lịch trong tầm 3 ngày thì phải gùi từ 30-35 kg hành lý; thường xuyên leo đồi, lội suối... Anh em porter luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau nên chúng tôi vượt qua khó khăn và cùng đam mê, yêu thích công việc được ví như  “đi chơi có thưởng” này. Thêm nữa, dù đôi lúc vất vả nhưng hàng ngày được tiếp xúc với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, nên cũng rất thú vị. Trước đây, bản thân tôi chưa hề biết một tí tiếng Anh nào, nhưng nhiều năm làm việc giờ cũng giao tiếp được”.
 
Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH lữ hành Jungle Boss cho hay: “Hiện công ty khai thác các tuyến du lịch, như: hang Trạ Ang, thung lũng MaDa, hang Voi, hang E, hang Hổ, hang Pygmy (Phong Nha-Kẻ Bàng)... Tất cả các điểm đến của du khách đều rất cần đội ngũ porter. Họ vừa là người dẫn đường, hỗ trợ du khách mang vác hành lý, vừa là người chăm sóc, phục vụ các bữa ăn cho du khách. May mắn, porter của công ty chúng tôi đều là người dân bản địa, rất cần cù, chịu khó, vì trước đây họ quá lam lũ mưu sinh. Từ tính cách chịu khó cộng với sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng nên công việc này khá phù hợp. Hàng năm, công ty có tổ chức mở các khóa tập huấn dành riêng cho đội ngũ porter. Tại những lớp học này, các lao động địa phương được tập huấn về thực hiện nội quy, trau dồi kỹ năng làm việc, giao tiếp, tiếng Anh, cứu hộ cứu nạn và chế biến thức ăn, đồ uống... để phục vụ và bảo đảm an toàn cho du khách”.
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Trạch có trên 230 người ở độ tuổi từ 20-45 làm công việc khuân vác hành lý cho du khách. Tùy vào mùa du lịch cao điểm hay thấp điểm, trung bình một tháng, mỗi porter phục vụ khoảng 10-15 tour du lịch. Tour dài nhất là 3 ngày và ngắn nhất là 1 ngày. Ngoài chế độ ăn, uống như du khách, mỗi porter sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, được tiếp xúc với du khách từ khắp nơi trên thế giới, những porter được trau dồi kỹ năng tiếng Anh và hiểu biết thêm về nhiều nền văn hóa khác nhau. Ý thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên cũng từ đó được nâng lên.
Phút thư giãn, nghỉ ngơi của đội ngũ porter làm việc tại Công ty TNHH lữ hành Jungle Boss.
Phút thư giãn, nghỉ ngơi của đội ngũ porter làm việc tại Công ty TNHH lữ hành Jungle Boss.
Ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết: “Người dân xã Sơn Trạch ngoài làm nông, trồng trọt, thì trước đây chủ yếu sống dựa vào việc trồng rừng và “đi rừng”... Công tác bảo vệ rừng vì thế rất khó khăn, bởi một số người dân lợi dụng gần rừng để khai thác gỗ trái phép. Từ khi du lịch phát triển, một số công ty dịch vụ mở ra, toàn xã Sơn Trạch đến nay đã có gần 900 lao động có việc làm ổn định. Phần nhiều lao động tham gia các công việc, như: hướng dẫn viên, lễ tân hay phụ trách buồng, bàn, bếp... Trong đó, những porter vừa làm du lịch vừa bảo vệ rừng, nên tình trạng phá rừng trên địa bàn hiện đã cơ bản được hạn chế!"
 
Dù luôn tất bật với công việc phục vụ trong mỗi chuyến hành trình, nhưng đội ngũ porter vẫn luôn được đánh giá là nhiệt tình, chu đáo và thân thiện với du khách như tính cách vốn có của người dân Sơn Trạch nói riêng, Quảng Bình nói chung. Vì vậy, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế rất ấn tượng và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho những porter bản địa này. Chị Lisa Gulden, du khách đến từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ: “Tôi rất vui khi đến với địa danh Phong Nha-Kẻ Bàng, khám phá cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nơi đây. Hướng dẫn viên và các porter lại rất thân thiện và gần gũi, hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi mọi thứ trong suốt chuyến hành trình. Và tôi đã có một quyết định đúng khi lựa chọn du lịch ở đây. Đây là một trong những điểm đến đẹp nhất khi tôi đặt chân đến Việt Nam”.
 
Một năm mới nữa đã về, những porter ở Sơn Trạch lại tiếp tục với công việc thường nhật với nụ cười tươi tắn trên môi. Với họ, được gắn bó với núi rừng, với những điểm đến hấp dẫn, những hang động trên quê hương là niềm vui, niềm hạnh phúc. Hơn thế, họ đã góp phần đưa hình ảnh, quê hương, bản sắc Bố Trạch nói riêng và Quảng Bình nói chung đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới.
                                                                        Hương Trà