Chắp cánh ước mơ

  • 10:04 | Thứ Ba, 28/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh ra trong một gia đình nhiều khó khăn, thiếu thốn nên đối với Hồ Duy, ở bản Cha Cáp, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), ước mơ của em chỉ đơn giản là có cơm ăn, áo mặc, được cắp sách đến trường. Ở nơi biên ải xa xôi, những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng (BP) Ra Mai đã “chắp cánh” để Duy có thể thực hiện ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.
 
“Con nuôi” của đồn biên phòng
 
Con đường độc đạo vào bản Ra Mai, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) mùa này trở trên trơn trượt với những gò đất nhấp nhô, những con suối lởm chởm đá nằm ngay trên đường. Để vào tới Đồn BP Ra Mai, chúng tôi phải vượt hàng chục cây số đường đèo quanh co, hiểm trở. Đồn BP nằm trên đỉnh núi, bao quanh bởi sương mù dày đặc. Nhưng ở đây, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp bởi tình yêu thương của những người lính BP dành cho cậu con nuôi Hồ Duy.
 
Trước khi trở thành con nuôi của đồn, Hồ Duy là một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuổi thơ của em là chuỗi ngày buồn tủi vì thiếu vắng tình thương của bố. Bố em bị bệnh thần kinh từ khi em còn rất nhỏ. Một mình mẹ bươn chải nuôi 9 đứa con tuổi ăn, tuổi lớn. Những lúc “trái gió, trở trời”, bố em lại lên cơn la hét, đập phá đồ đạc và đánh đập vợ con. 
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai hướng dẫn Hồ Duy học bài.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai hướng dẫn Hồ Duy học bài.
Cuộc sống của anh chị em Duy luôn trong tình trạng cơm không đủ no, áo không đủ ấm, anh chị phải nghỉ học để đỡ đần mẹ làm rẫy, chăm sóc bố và các em. Duy là con út và chỉ mới 6 tuổi nhưng hàng ngày, em đã phải phụ mẹ đi lấy nước và làm các công việc lặt vặt trong nhà. “Nhà đông con mà chỉ miềng gánh vác. Miềng lo cơm áo cho các con thôi là đã chật vật rồi. Có mô mà dám nghĩ đến no ấm.”, chị Hồ Thị Vinh, mẹ Duy chia sẻ.
 
Hiểu được hoàn cảnh và sự lo lắng của chị Vinh, đầu tháng 11-2019, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn BP Ra Mai đã quyết định đưa Duy về làm con nuôi tại đơn vị. Duy được bố trí ở chung, ăn chung với cán bộ, chiến sỹ của đồn. Đồn hỗ trợ Duy toàn bộ tiền sinh hoạt hàng ngày, áo quần, cặp sách, phương tiện, vật chất phục vụ việc học. Kể từ đây, cuộc sống của Duy như bước sang một trang mới khi được sống trong vòng tay yêu thương, tận tình chăm sóc của những người lính BP.
 
Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn BP Ra Mai cho biết: “Nuôi dạy Duy ở đồn quả thật không phải là việc dễ dàng, bởi cháu còn quá nhỏ. Những ngày đầu mới về, Duy rất nhút nhát, luôn tỏ ra e dè với các chú bộ đội. Hiểu được tâm lý của cháu, các chiến sỹ trong đồn thay nhau trò chuyện, chơi đùa cùng Duy nên dần dần, cháu cũng mở lòng và cởi mở hơn”.
 
Ở Đồn BP Ra Mai, Duy đã có một gia đình thực sự đúng nghĩa. Các cán bộ, chiến sỹ chăm lo cho em hết sức chu đáo, từ bữa ăn, giấc ngủ. Các anh không chỉ hướng dẫn Duy từng kỹ năng sinh hoạt, từ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, gấp chăn gọn gàng sau mỗi sáng thức dậy mà còn dạy em lễ nghi, phép tắc, tác phong trong quân đội. Duy được bố trí phòng ngủ và góc học tập riêng với đầy đủ các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Dẫn chúng tôi vào tham quan góc học tập của mình, Hồ Duy thổ lộ: “Ở đây, cháu được ăn no, mặc ấm và được học nhiều điều hay. Hàng tuần, các chú đều đưa cháu về thăm mẹ, thăm nhà. Với cháu, đây như gia đình thứ hai”.
 
Nâng bước em đến trường
 
Trung tá Hà cho biết, trường Duy học chỉ cách đồn hơn 100m, nhưng vì mới chuyển đến nên Duy chưa quen lớp, quen bạn. Cán bộ, chiến sỹ phải thay nhau đưa đón Duy đến trường vừa để động viên, tạo sự gần gũi và cũng là dịp để gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm hỏi han, nắm bắt tình hình học tập của Duy.
 
Ngoài thời gian học tập tại lớp, cứ đúng 8 giờ tối, các chiến sỹ BP lại thay nhau hỗ trợ, hướng dẫn Duy học bài. Duy được các chiến sỹ chỉ dạy từng cách đọc, cách viết. “Khoảng thời gian ở đồn chưa phải là dài nhưng Duy đã có những thay đổi rõ rệt. Duy ngoan ngoãn, hòa đồng và lễ phép hơn. Đặc biệt, em rất chăm chỉ học tập và tiếp thu bài nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một đứa trẻ rụt rè, chỉ gì học đó, Duy đã biết đọc, biết viết, làm nhiều bài tập khó”, thiếu tá Trịnh Anh Tuấn, Chính trị viên phó, Đồn BP Ra Mai bày tỏ.
 
Nói về chặng đường dài phía trước của Duy, trung tá Hà tâm sự: “Chúng tôi nhận nuôi Duy, không phải để cho Duy cái ăn, cái mặc mà xa hơn là muốn cháu được tiếp tục học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Đơn vị sẽ nuôi dưỡng Duy cho đến lúc Duy theo học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và đồn sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để Duy hoàn thành các bậc học. Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc cháu, đơn vị luôn kết nối với gia đình, nhà trường để bảo đảm cháu được chăm sóc tốt nhất, không ngừng tiến bộ trong học tập”.
Con nuôi đồn BP là mô hình có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc.
Con nuôi đồn BP là mô hình có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc.
Bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ra mai, chị Vinh xúc động tâm sự: “Nhìn con khỏe mạnh, chăm ngoan, miềng biết ơn cán bộ nhiều lắm, nhờ cán bộ BP mà con miềng có tương lai, được học tập nên người”.
 
Rời Đồn BP Ra Mai, chúng tôi cứ ấn tượng mãi hình ảnh Duy ngồi cuộn tròn trong lòng của thiếu tá Trịnh Anh Tuấn khi tiếp chuyện. Chúng tôi cảm nhận được ánh mắt ấm áp, sáng lên niềm hạnh phúc của Duy. Chúng tôi tin rằng, Duy đang thực sự được sống trong một gia đình và em sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.
 
Từ năm 2018 đến nay, các đồn BP trong toàn tỉnh đã nhận nuôi 23 em học sinh tại đơn vị. Đối tượng nhận con nuôi là học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Thượng tá Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh chia sẻ: “Con nuôi đồn BP là một mô hình có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc chia sẻ khó khăn với người dân nghèo nơi biên giới, động viên, tiếp sức các em học sinh tiếp tục đến trường, mô hình còn góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sỹ BP với đồng bào các dân tộc trên biên giới, cùng vun đắp, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”.
Lan Chi