Xuất khẩu lao động ở huyện Minh Hóa: Con đường còn lắm gian nan

  • 08:40 | Thứ Ba, 17/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Năm 2019, toàn huyện Minh Hóa có 1.860 lao động được giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo. Tuy nhiên, trong số lao động có việc làm đó, chỉ có 69 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài. So với các địa phương khác trong tỉnh, người dân Minh Hóa chưa thật sự tự tin chọn cho mình hướng thoát nghèo nhanh và bền vững này.

Mất lòng tin vì “quả đắng”

Mười năm trước (giai đoạn 2009-2010), trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ hỗ trợ cho 61 huyện nghèo trong cả nước giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Minh Hóa chủ trương khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ năng lực về lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ tham gia tuyển dụng lao động tại địa bàn.

Nắm bắt “cơ hội vàng” này, Công ty XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa, chi nhánh Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Thanh Hóa) nhanh chân có mặt tại huyện Minh Hóa tiến hành tuyển dụng lao động đi làm việc nước ngoài có thời hạn.

<img alt="Một hộ gia đình tại bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) vướng nghèo do bị " quả="" đắng="" "="" xklĐ="" từ="" công="" ty="" thanh="" hóa.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201912/original/images657932_819.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201912/original/images657932_819.jpg" style="width: 734px; height: 437px;">
Một hộ gia đình tại bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) vướng nghèo do bị "quả đắng" XKLĐ từ Công ty Thanh Hóa.

Bằng hình thức ưu tiên cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Thượng Hóa, Tân Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn. Công ty Thanh Hóa đã lập hồ sơ, tạo điều kiện cho trên 100 lao động tham gia vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Minh Hóa, mức vay bình quân khoảng 25 triệu đồng/người.

Sau khi vay ngân hàng và nộp tiền cho Công ty Thanh Hóa, nhiều lao động vì bất đồng về mức lương ghi trong hợp đồng không đúng như cam kết khi tuyển dụng nên không chịu xuất cảnh. Một số lao động xuất cảnh sang Malaysia thì gặp phải nhiều rào cản về ngôn ngữ, công việc không phù hợp, không đúng như trong hợp đồng, vi phạm luật lao động… nên bị trục xuất về nước.

Với mong muốn thoát nghèo từ XKLĐ, người dân lại tiếp tục nghèo hơn, nợ ngân hàng dầm dề, tìm đến Công ty Thanh Hóa thì… công ty "không cánh mà bay". Người lao động Minh Hóa đành ngậm ngùi ôm “quả đắng” và mất lòng tin vào việc đi lao động có thời hạn tại nước ngoài.

Đại diện Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa cho biết: “Đến nay, vẫn còn hàng chục người dân được Công ty Thanh Hóa tuyển dụng và vay vốn tại ngân hàng không có khả năng thanh toán nợ. Tổng số dư nợ lên đến hàng trăm triệu đồng”.

“Vùng trũng” trong XKLĐ

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Văn Lĩnh cho biết: “Sau sự việc đáng tiếc do Công ty Thanh Hóa gây ra khiến nhiều hộ gia đình ở các xã miền núi của huyện lao đao vì ôm nợ thì thị trường XKLĐ tại Minh Hóa hầu như trầm lắng.

Tuy nhiên, về khách quan cũng nên nhìn nhận rằng, mặc dù lực lượng lao động của huyện đông, trẻ, có sức khỏe nhưng thiếu sự tự tin; chủ yếu là lao động phổ thông; lao động qua đào tạo, có tay nghề ít.

Từ đó, người lao động Minh Hóa chọn giải pháp an toàn là di cư vào các tỉnh thành miền Nam làm công nhân. Một số ít nếu đi XKLĐ thì chọn các thị trường, như: Đài Loan, Malaysia…, chi phí thấp, thủ tục xuất cảnh nhanh, chấp nhận lao động chân tay với mức lương thấp. Lao động sang các nước đòi hỏi trình độ tay nghề, kỹ thuật cao qua đào tạo, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, cực kỳ ít”.

“Vùng trũng” trong XKLĐ ở huyện Minh Hóa được minh chứng qua số lượng người đi lao động ở nước ngoài có thời hạn hàng năm rất ít ỏi: năm 2018 chỉ được 50 người; đến hết tháng 11-2019 có 60 người (chỉ tiêu đề ra 80 lao động); năm 2020 phấn đấu từ 120 đến 150 lao động.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Lao động và Thương binh xã hội (LĐ-TBXH) huyện Minh Hóa chia sẻ: “UBND huyện chủ trương không chạy theo số lượng mà lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp đủ năng lực, uy tín trong lĩnh vực XKLĐ đến tuyển dụng lao động đi nước ngoài trên địa bàn. Lao động khi đã xuất khẩu được đều có thu nhập ổn định, không bị trả về nước.

Sắp tới, huyện sẽ định hướng để lao động có tay nghề, đã qua đào tạo sang các nước Nhật, Hàn Quốc. Chỉ bằng cách làm này mới lấy lại lòng tin trong nhân dân, giúp người dân tự tin lựa chọn hướng thoát nghèo nhanh, bền vững là XKLĐ”.

Thị trường Nhật Bản, một hướng đi mới

Ông Đinh Văn Lĩnh cho biết thêm: “Mới đây, UBND huyện đã chấp thuận cho Trung tâm tư vấn, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực quốc tế Hajko thuộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Bình được phép tham gia tư vấn, đào tạo và tuyển dụng lao động đi nước ngoài tại huyện Minh Hóa, trong đó, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, một thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài rất khó tính nhưng đầy tiềm năng, thu nhập ổn định ở mức cao.

Định hướng nghề nghiệp cho lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản ở Trung tâm Hajko thuộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Bình.
Định hướng nghề nghiệp cho lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản ở Trung tâm Hajko thuộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Bình.

Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Trung tâm Hajko được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép theo giấy phép số 1101/LĐTBXH-GP, ngày 8-4-2019. Bên cạnh đó, căn cứ vào Quyết định 27/2019/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25-10-2019 về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020, đối tượng theo diện này sẽ được vay 100% vốn ưu đãi tại hệ thống Ngân hàng CSXH. Như vậy, lao động trên địa bàn huyện Minh Hóa có cơ hội lớn tham gia XKLĐ vào thị trường Nhật Bản”.

Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Bình cho hay: “Với mục tiêu lấy chất lượng làm đầu, hàng năm, Công ty chỉ tuyển từ 150 đến 200 lao động, học sinh tham gia lao động, học tập tại Nhật Bản. Mục đích Công ty mở rộng địa bàn tuyển dụng lên huyện miền núi Minh Hóa là góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Người lao động trong độ tuổi tại Minh Hóa chiếm số lượng lớn trong cơ cấu dân số, tuy nhiên, nhiều năm qua, XKLĐ đi nước ngoài của huyện gặp nhiều hạn chế, chủ yếu là lao động phổ thông sang các nước, như: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia…

Với lợi thế của mình là tuyển lao động sang học tập, lao động tại Nhật Bản, Công ty sẽ chú trọng yếu tố đầu vào, ưu tiên nguồn lao động có tay nghề và học sinh tốt nghiệp THPT”.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa UBND huyện Minh Hóa và Trung tâm Hajko, trong năm 2020, đơn vị cố gắng tuyển dụng và xuất khẩu thành công từ 30 đến 50 lao động huyện Minh Hóa sang thị trường Nhật Bản, có việc làm ổn định, có thu nhập gửi về, từ đó, tạo lập niềm tin trong nhân dân, để người dân tin tưởng giải pháp thoát nghèo bền vững này.

Thanh Long