Nghị lực làm giàu của hai anh em khuyết tật

  • 08:42 | Thứ Tư, 11/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với những thanh niên khỏe mạnh bình thường, để có thể đạt được thành công trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng là một thử thách không hề nhỏ. Đối với hai anh em sinh đôi khuyết tật Dương Hữu Tám và Dương Hữu Chín (SN 1989) ở thôn Tân Thái, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) để làm điều đó càng khó khăn gấp bội, nhưng nghị lực phi thường đã giúp họ "gặt quả ngọt". 
 
Sinh ra, lớn lên khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng, sau một lần bị tai nạn giao thông, hai anh em sinh đôi Dương Hữu Tám và Dương Hữu Chín đều bị chấn thương sọ não, mặc dù đã chạy chữa khắp nơi, nhưng di chứng để lại vẫn hết sức nặng nề, nhất là về thị giác. Từ hai chàng trai khỏe mạnh, Tám và Chín trở thành người khuyết tật, được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
 
Mặc cảm với bản thân vì thua thiệt so với bạn bè và trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều lúc hai anh em nghĩ đến chuyện buông xuôi. Thế rồi, được sự động viên, giúp đỡ của mọi người, Tám và Chín dần lấy lại được tinh thần, cố gắng vươn lên, vượt qua số phận để sống có ích cho xã hội.
 
“Lúc đầu, bi quan lắm, không còn nghĩ được gì nữa, nhưng rồi hai anh em tự động viên nhau phải gắng sống để bố mẹ vui, không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình”, anh Dương Hữu Chín tâm sự. 
 
Với quyết tâm đó, khi biết được chủ trương của xã Tân Thủy triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế trong phong trào xây dựng nông thôn mới, sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi, hai anh em đặc biệt quan tâm đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Họ đã tự tìm tòi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu ngoại này và thuyết phục gia đình cho triển khai mô hình.  
Anh Dương Hữu Chín đang kiểm tra dế nuôi.
Anh Dương Hữu Chín đang kiểm tra dế nuôi.
Nhìn thành quả trước mắt của hai cậu con trai, ông Dương Hữu Minh, bố của Tám và Chín tự hào: “Ban đầu, khi nghe hai anh em trình bày, chúng tôi vừa mừng vừa lo, phần vì hai con đều khuyết tật, kinh nghiệm trong chăn nuôi chưa có, phần vì trong xã chưa có ai triển khai thực hiện mô hình này. Nhưng vì hai con quyết tâm nên chúng tôi ủng hộ. Giờ thì đã có quả ngọt rồi”.
 
Để thực hiện mô hình, Tám và Chín tìm đến trang trại nuôi bồ câu Pháp ở Hà Tĩnh học hỏi kinh nghiệm. Cảm thông với hoàn cảnh của hai thanh niên khuyết tật từ Lệ Thủy, chủ trang trại đã hướng dẫn nhiệt tình và hứa hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các anh. Sau khi đã lận lưng được ít kiến thức, hai anh em trở về quê để hiện thực hóa giấc mơ. Cuối năm 2017, với số vốn 100 triệu đồng có được từ sự hỗ trợ của gia đình và người thân, các anh tiến hành xây dựng khu chuồng nuôi trên diện tích 60m2, mua sắm, lắp đặt hệ thống nhà lồng để thả giống chim bồ câu.
 
Thời gian đầu, hai anh em chỉ nuôi 50 cặp để thử nghiệm. Trời không phụ công người, sự nỗ lực của hai anh em đã được đền đáp. Đàn chim bồ câu của hai anh lớn nhanh từng ngày, ít bị dịch bệnh, sinh sản nhanh, số lượng tăng lên nhanh chóng.
 
Theo các anh, kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp không quá phức tạp, chuồng nuôi được chia thành nhiều ô, với kích thước khác nhau, mỗi ô nuôi từ 4-5 con. Bồ câu Pháp rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cám ngô và lúa trộn đều, ăn 2 lần/ngày. Với các cặp đang nuôi chim non thì cho ăn thêm mỗi ngày 1 lần. Ngoài ra, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống phải sạch sẽ và bổ sung thuốc bổ, tiêm thêm thuốc phòng bệnh đúng định kỳ. Đặc biệt, giống bồ câu này có khả năng sinh sản rất đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 10-15 ngày, chim mái sinh sản lứa tiếp theo; trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8-10 lứa/năm. Thời gian chim ấp trứng tầm khoảng hơn nửa tháng thì nở, chim con được chim bố, mẹ chăm sóc tại chuồng. Nếu chăm sóc tốt thì sau 1 tháng, khi đạt đủ cân nặng thì có thể xuất chuồng bán thương phẩm.
 
Theo đó, hai anh chỉ đầu tư vốn mua giống ban đầu, sau khi chim mẹ bắt đầu sinh sản là có thể tự cung ứng lứa giống mới, vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa có nguồn giống bảo đảm. Hiện nay, khu chuồng bồ câu của hai anh em đã có trên 400 cặp chim bố mẹ. Trung bình mỗi tháng, hai anh xuất bán từ 100-120 cặp chim các loại. Với giá từ 200-300 nghìn đồng/cặp chim giống, 70-90 đồng/cặp chim thương phẩm (chim non, nặng từ 0,5kg), bình quân mỗi tháng hai anh em thu lãi hơn 60 triệu đồng.
 
Chưa dừng lại ở đó, sau khi được nhiều người gợi ý về mô hình nuôi dế thương phẩm, anh Tám và anh Chín lại bàn nhau học hỏi cách nuôi dế. Tháng 9-2018, hai anh mạnh dạn đầu tư thêm 80 triệu đồng để xây dựng khu chuồng nuôi dế rộng 110m2, với 15 ô nuôi. Hiện nay, đàn dế đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một mùa dế bội thu ngay từ lứa nuôi đầu tiên. Tầm một tháng nữa dế mới đến kỳ thu hoạch nhưng đã có các thương lái ở miền Nam liên hệ đặt mua với số lượng lớn, nên hai anh em cũng hết sức phấn khởi và yên tâm đầu ra cho sản phẩm. “Hai anh em nhà này giỏi lắm, chúng nó bị khuyết tật về thị giác nhưng không khuyết tật về ý chí. Đúng là con người ta hơn nhau ở cái nghị lực”, ông Dương Hữu Thới, hàng xóm của hai anh chia sẻ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy hồ hởi cho biết: “Đây là mô hình kinh tế của hai thanh niên khuyết tật, xã sẽ quan tâm động viên, giúp đỡ để mô hình của các anh ngày càng phát triển hơn. Chúng tôi sẽ thường xuyên tuyên truyền và phát động nhân rộng những mô hình kinh tế tương tự trong toàn xã, nhất là đoàn viên, thanh niên, để một ngày không xa, trên địa bàn xã không chỉ có một, mà là có hàng chục mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như vậy”.
 
Có thể nói, thành công bước đầu đã tạo đà cho hai thanh niên khuyết tật Dương Hữu Tám và Dương Hữu Chín có đủ bản lĩnh, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hy vọng rằng, cơ ngơi của các anh sẽ ngày càng rộng lớn hơn, quy mô hơn, xứng đáng với những gì mà hai anh em đã nỗ lực, phấn đấu.
 
Hải Bình