Xuất khẩu lao động bất hợp pháp: Rủi ro khôn lường!

  • 08:43 | Thứ Bảy, 02/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xuất khẩu lao động là lựa chọn của nhiều người dân nói chung, người dân ở xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) nói riêng, với mong muốn thoát nghèo và nâng cao thu nhập cho gia đình. Những năm qua, Nhà nước cũng có những chính sách để khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, thay vì chọn con đường xuất khẩu lao động hợp pháp, nhiều người lại tìm cách xuất khẩu lao động trái phép ra nước ngoài mà không lường trước được những hậu quả và rủi ro đang rình rập phía trước.
 
Những năm trở lại đây, ở xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang bề thế, đời sống và thu nhập của người dân trong xã cũng tăng lên đáng kể. Đây là thành quả của phong trào đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Toàn xã hiện có 3.000 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu thì đã có gần 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài với nguồn thu nhập mỗi năm gửi về địa phương hơn 400 tỷ đồng. Đây là một con số khá lớn đối với thu nhập của một xã bãi ngang ven biển.
 
Tuy nhiên, đằng sau phong trào đi xuất khẩu lao động là những câu chuyện dài. Ông Nguyễn Văn Đeng, Trưởng thôn Thanh Gianh (xã Thanh Trạch) chia sẻ, thôn Thanh Gianh có 257 hộ, trong đó có 220 người xuất khẩu lao động thì cứ 100 người có khoảng 40 người đi hợp pháp, còn 60 người đi bất hợp pháp. Theo ông Đeng, có nhiều cách để người ta đi xuất khẩu lao động “chui”, ví dụ như có người đi du lịch, tham quan xong thì trốn ở lại... Ông Đeng khẳng định: “Đi “chui” mà, nói đến rủi ro là phải có rồi, 10 người đi thì khoảng 3-4 người bị rủi ro, nhưng rủi ro nặng hay nhẹ thì không ai tính được!”.
 
Những ngày qua, dư luận trong xã cũng đang xôn xao về việc một gia đình ở thôn Thanh Khê không thể liên lạc được với người thân đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ban đầu, người này sang nước Nga để làm việc, tuy nhiên sau đó tìm cách di chuyển qua nước Pháp rồi nhập cảnh vào nước Anh. Gần 10 ngày nay, gia đình có người thân mất tích này vẫn đang phải sống trong tình cảnh hoang mang, lo lắng. 
Nhờ xuất khẩu lao động, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang bề thế, đời sống và thu nhập của người dân tăng lên đáng kể.
Nhờ xuất khẩu lao động, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang bề thế, đời sống và thu nhập của người dân tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết: Chính quyền địa phương đã nhận được đơn trình báo của 1 hộ gia đình trên địa bàn có người thân mất tích. Hiện, xã đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết để thông tin cho gia đình. “Thời gian qua, ở Thanh Trạch cũng có mấy trường hợp rủi ro khi đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp, chủ yếu là rủi ro về kinh tế, khi nộp tiền để làm các thủ tục, rồi không đạt kết quả như mong muốn.”, ông Lào cho biết thêm.
 
Ngoài những rủi ro trên, thì người dân khi tìm cách xuất khẩu lao động bất hợp pháp sẽ không được pháp luật bảo hộ, luôn phải tìm cách trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ, làm việc với cường độ cao. Đặc biệt, người lao động sẽ không được hưởng bất cứ một quyền lợi nào.
 
Trường hợp ông T.T.V ở thị trấn Hoàn Lão là một ví dụ. Sau hơn 3 năm đi xuất khẩu lao động và cư trú trái phép ở nước Anh, ông bị chính quyền nước sở tại bắt giữ phải chịu án phạt 6 tháng tù và bị trục xuất về nước. Tuy nhiên, ông T.T.V vẫn cảm thấy mình may mắn so với rất nhiều người, bởi cho đến bây giờ, ông vẫn chưa hết ám ảnh về những ngày tháng sống vất vả, khổ sở trên hành trình đi tìm "miền đất hứa".
 
Ông T.T.V chia sẻ: “Giờ nói cho tôi đi Anh, tôi nhất định cũng không dám nữa. Bởi đi “chui”, nếu giữ được mạng sống, qua được đến nơi thì mình chỉ có làm việc chui lủi, nặng nhọc, khổ sở... và rất dễ bị phát hiện, bị bắt. Có những người mới qua làm được mấy ngày bị bắt, ôm cục nợ 600-700 triệu đồng trở về.”
 
Trao đổi với chúng tôi về những rủi ro khi đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp, bà Lê Thị Thủy, Phó Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Bố Trạch phân tích: “Xuất khẩu lao động bất hợp pháp gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của địa phương, ảnh hưởng đến chương trình hợp tác và những lao động đang có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài chính đáng. Đối với bản thân những người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp dễ bị lạm dụng, sát hại, không có tổ chức nào quản lý, bảo vệ. Tuy đi lao động ở nước ngoài qua đường chính ngạch chi phí vừa phải, nhưng thu nhập lại thấp và phải qua các bước khó khăn, như: học tiếng, phỏng vấn, sơ tuyển, nên nhiều lao động không đáp ứng được. Do đó, thông qua người thân, môi giới..., nhiều người chọn đường xuất khẩu lao động “chui”, tuy chi phí cao, biết trước có nhiều rủi ro, nhưng vẫn đi vì có thể thu nhập cao hơn rất nhiều lần, ví dụ như đi Anh”.
 
“Toàn huyện Bố Trạch hiện có 11.640 người đang đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài và mỗi năm có thêm từ 1.000-1.200 lao động mới. Tuy nhiên, ngoài những con số nói trên thì ngay cả các cơ quan chức năng cũng không nắm rõ được số lượng người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài và trên thực tế việc quản lý người lao động đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Những rủi ro khi xuất khẩu lao động bất hợp pháp ở nước ngoài là điều đã thấy rõ, vì vậy, mỗi người dân khi có mong muốn đi xuất khẩu lao động ngoài việc tìm hiểu rõ thị trường, thì cần lựa chọn con đường hợp pháp, được pháp luật bảo hộ để tránh những nguy cơ và rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.”, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện trao đổi thêm.
 
Hương Trà