Lan tỏa những giá trị nhân văn

  • 08:23 | Thứ Bảy, 16/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã có hàng trăm bài báo, hàng nghìn lượt chia sẻ về những hình ảnh, hành động đẹp, trở thành động lực và cảm hứng cho cộng đồng xã hội trong việc chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp.
 
Hành động đẹp của hai em học sinh Trường THCS Hương Hóa (Tuyên Hóa) được nhiều người chia sẻ.
Hành động đẹp của hai em học sinh Trường THCS Hương Hóa (Tuyên Hóa) được nhiều người chia sẻ.
Từ cuối tháng 10-2019, những hình ảnh đầu tiên của phụ huynh Trường tiểu học số 2 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới) xếp hàng đón con trong trật tự được báo chí và cộng đồng mạng chia sẻ, đã khơi nguồn cho phong trào này tại Quảng Bình.
 
Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng tại khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đã có nhiều trường bắt tay thực hiện phong trào “xếp hàng đón con”, trong đó huyện Bố Trạch là địa phương tích cực hưởng ứng phong trào với gần 20 trường tiểu học và mầm non.
 
Điều đáng nói là không chỉ có các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh chủ động, phối hợp để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng “cổng trường an toàn-thân thiện” mà toàn thể cộng đồng xã hội đều cảm thấy phấn khởi và tự hào khi những hình ảnh đẹp được lan tỏa. Không phát động rầm rộ, không hô khẩu hiệu như một số phong trào khác, “xếp hàng đón con” đã thực sự đi vào cuộc sống với những giá trị thực tiễn, hứa hẹn bền vững bởi sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, giáo viên, học sinh và cộng đồng xã hội.
 
Câu chuyện về cụ bà Lê Thị Hương (xã Phúc Trạch, Bố Trạch) viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo cũng là một trong những sự kiện truyền cảm hứng sống đẹp cho cộng đồng những ngày gần đây. Nếu tình trạng “chạy” hộ nghèo đã diễn ra khá nhức nhối ở một số địa phương, trong đó có những gia đình là họ hàng của cán bộ địa phương, đoàn thể, đã từng khiến cho nhiều người bất bình và ảnh hưởng đến công bằng xã hội, thì việc cụ Hương xin ra khỏi hộ nghèo đã khiến cho mọi người cảm phục và noi gương cụ.
 
Hành động của cụ đã tiếp tục “kích hoạt” tinh thần sống đẹp trong cộng đồng nên chỉ vài ngày sau đó, tại huyện miền núi Minh Hóa đã có 14 hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và cận nghèo. Trong số này có nhiều hộ thuộc tộc người Rục, Sách hiện sinh sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. Đó chính là những tấm gương sáng bởi hành động nhân văn, có trách nhiệm với xã hội và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng.
 
Mới đây nhất, hình ảnh hai em học sinh Trường THCS Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa) với túi tiền nhặt được trên đường đi học, đã đến trụ sở UBND xã nhờ tìm người mất để trả lại khiến cho nhiều người cảm phục. Đó còn là câu chuyện về anh thanh niên tại xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) nhặt được ví của du khách với nhiều tài sản có giá trị đã nộp cho công an xã, đồng thời thông báo rộng rãi trên mạng xã hội để tìm người đánh rơi. Những hành động đẹp đó đã thực sự làm rung động trái tim mọi người, khơi dậy phẩm chất tốt đẹp của mỗi người và tiếp nối cho những việc làm nhân văn, hướng thiện trong cộng đồng.
 
Cổ nhân từng dạy, thay vì than vãn về bóng tối, về sự lộng hành của cái xấu, cái ác, mỗi một người hãy tự mình thắp lên ngọn lửa để đẩy lùi bóng tối. Những hành động đẹp, có trách nhiệm với cuộc sống chính là ngọn lửa, dù bé nhỏ, nhưng sẽ góp phần đẩy lùi bóng tối, đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự tiêu cực, bất công trong xã hội. Và việc rất đơn giản nữa là hãy cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh đẹp, góp phần làm lan tỏa những giá trị nhân văn, cùng nhau hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
Ngọc Mai