Nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động

  • 07:36 | Thứ Năm, 03/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 2,94% (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê).
Nhiều lao động sau khi đào tạo đã được doanh nghiệp may Tiến Thuận Ninh Thuận bố trí việc làm ổn định. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Nhiều lao động sau khi đào tạo đã được doanh nghiệp may Tiến Thuận Ninh Thuận bố trí việc làm ổn định. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 2-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2019, ước thực hiện năm 2019 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, giai đoạn 2020-2022 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; cho ý kiến về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019, chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh năm 2020 và đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 (bao gồm dự kiến phê chuẩn các điều ước quốc tế) thuộc lĩnh vực Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
 
Trình bày báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2019; Kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022 lĩnh vực Lao động-Người có công và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, toàn ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra trên tất cả các lĩnh vực được giao, triển khai đồng bộ, các nhiệm vụ, giải pháp, kết hợp giải quyết các vấn đề trước mắt với chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trung và dài hạn.
 
Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, trục lợi chính sách (như lĩnh vực người có công, bảo hiểm xã hội...).
 
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 2,94% (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê). Ước cuối năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
 
Tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật tính đến hết Quý II/2019 ước đạt 59,8% lực lượng lao động. Ước năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61-62%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Ước cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo giảm xuống còn khoảng 3,73%-4,23%, giảm khoảng 1-1,5% so với cuối năm 2018 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm trên 4%).
 
Thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Trong 9 tháng, cả nước giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, đạt 75,5% kế hoạch năm, bằng 99,5% cùng kỳ năm 2018; ước cả năm tạo việc làm cho trên 1,6 triệu người, đạt 101,3% kế hoạch.
 
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 9/2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội gần 14,5 triệu người, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 490 nghìn người.
 
Công tác chăm sóc người có công với cách mạng đạt hiệu quả cao; tiếp tục thực hiện công tác xác nhận người có công và giải quyết hồ sơ tồn đọng; quản lý, vận hành, khai thác Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Ước đến cuối năm, 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
 
Các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thời kỳ 2011-2020. Tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, cả nước còn 1.304.001 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,23%, giảm 1,47% so với cuối năm 2017. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế như: Giáo dục nghề nghiệp còn chậm đổi mới, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội còn bất cập; đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn, nhất là đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo; tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích vẫn còn xảy ra, trong đó có một số vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội...
 
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương đánh giá cao kết quả trên nhiều lĩnh vực mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đạt được trong thời gian qua.
 
Theo đại biểu, những lần tiếp xúc cử tri tại địa phương, người dân rất đồng tình với những chính sách của Bộ liên quan đến người lao động. Tuy nhiên, một trong những vấn đề người dân quan tâm, đó là vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường cần được quan tâm nhiều hơn.
 
Ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng, người dân nghèo phải vay mượn cho con ăn học nhưng tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường còn khá cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể để giải quyết vấn đề việc làm cho lao động ở các địa phương, nâng cao đời sống cho nhân dân, hạn chế tệ nạn xã hội...
 
Bên cạnh đó, đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, ở nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng, một số đối tượng lợi dụng nhu cầu việc làm của người dân, lừa dối, đưa người đi lao động nước ngoài để trục lợi, gây bức xúc cho xã hội.
 
Nạn trốn đóng bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp diễn và có dấu hiệu tăng cao, cần ngành Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tìm nguyên nhân và có phương án xử lý triệt để.
 
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, những năm gần đây, Bộ có nhiều cách làm đổi mới, đáp ứng nhu cầu của đông đảo cử tri trên toàn quốc nhưng vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp khắc phục.
 
Việc hỗ trợ và giải quyết việc làm của các cơ quan chức năng hiện nay vẫn theo hướng truyền thống, chưa thực sự khoa học và bền vững. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần rà soát, xây dựng hệ thống thông tin giới thiệu về việc làm rộng rãi và khoa học, đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động nói chung và sinh viên mới ra trường nói riêng.
 
Theo các đại biểu, vấn đề bảo vệ chăm sóc trẻ em và bạo lực gia đình cũng là vấn đề đáng lưu tâm nhưng hiện nay, trách nhiệm của các địa phương còn hạn chế. Thời gian tới, cần phải tăng cường sự can thiệp của chính quyền cơ sở về tình trạng này, tạo niềm tin trong nhân dân.
 
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề được người dân và dư luận quan tâm cần cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết như: tồn đọng hồ sơ người có công; công tác quản người nghiện ma tuý; trốn đóng bảo hiểm; vấn nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; vấn đề bình đẳng giới.../.
 
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)