Huyện Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động

  • 10:20 | Thứ Năm, 17/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tư vấn, đào tạo để nâng cao trình độ tay nghề giúp cho người lao động tự tin tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Tuy nhiên, hiện công tác XKLĐ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế cần các giải pháp đồng bộ, hợp lý và hiệu quả…
 
XKLĐ "cứu cánh" cho hộ nghèo…
 
Xã Hải Ninh (Quảng Ninh) là một xã vùng biển có nhiều người tham gia XKLĐ sau sự cố môi trường biển. Theo chị Hoàng Thị Thủy, cán bộ phụ trách Văn hóa-Xã hội của xã Hải Ninh, sau sự cố môi trường biển, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có người đi nước ngoài. XKLĐ thực sự là “cứu cánh” cho ngư dân về giải quyết việc làm và thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.
 
Theo thống kê của xã Hải Ninh, năm 2016, toàn xã có 35 người XKLĐ và đỉnh điểm năm 2017 có 132 người XKLĐ; riêng trong 9 tháng năm 2019, có 67 người XKLĐ. Thị trường XKLĐ chủ yếu Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
 
Anh Nguyễn Văn Mậu (31 tuổi), thôn Tân Định, xã Hải Ninh gắn bó nhiều năm với biển khơi, nhưng sau sự cố môi trường biển, con tàu nhỏ phải nằm bờ, cuộc sống gia đình anh rơi vào túng quẫn. Năm 2017, trên cơ sở hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, anh Mậu đã được đào đạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tham gia XKLĐ ở Hàn Quốc. Hiện nay, công việc đánh bắt cá trên các tàu lớn đã cho thu nhập ổn định nên anh thường xuyên gửi về cho gia đình từ 20-25 triệu đồng/tháng.
 
Tương tự, ngư dân Nguyễn La Cương (27 tuổi), ở thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh cũng chọn con đường XKLĐ sang Hàn Quốc làm việc vào đầu năm 2018, sau sự cố môi trường biển. Hiện nay, mỗi tháng, anh gửi về trung bình từ 15-30 triệu đồng.
Sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân Hải Ninh có mong muốn tham gia XKLĐ.
Sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân Hải Ninh có mong muốn tham gia XKLĐ.
Không chỉ xã vùng biển, XKLĐ hiện cũng đang được xem là hướng đi đúng đắn của người dân xã Vĩnh Ninh. Theo ông Hà Văn Chút, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh, toàn xã hiện có trên 380 lao động XKLĐ tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Nga, Đức… Riêng thôn Lệ Kỳ III có khoảng 250 hộ thì có trên 80% số hộ có người XKLĐ. Ban đầu, họ chỉ làm người giúp việc, phụ xây dựng, làm công nhân trong các công ty. Đến nay, người dân XKLĐ đã mở rộng công việc sang nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Đây được xem là “cánh cửa” để người dân địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên làm giàu.
 
Chị Hà Thị Vân và anh Trần Xuân Đính ở thôn Lệ Kỳ III chia sẻ, năm 2010, chị Vân XKLĐ sang Nga nhằm giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo. Sau hơn 2 năm lao động ở xứ người, kinh tế đã ổn định, anh chị lần lượt đầu tư cho hai con trai tham gia XKLĐ tại Nga và Nhật Bản. Hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, hai con trai đã có thu nhập từ 20-25 triệu đồng/người/tháng. Từ nguồn ngoại tệ gửi về, gia đình mở rộng ngành nghề dịch vụ nông nghiệp phục vụ bà con trong xã, xây ngôi nhà mới khang trang…
 
Trong 4 năm trở lại đây, bình quân toàn huyện Quảng Ninh có số lượng người tham gia XKLĐ trên 300 người/năm. Kết quả từ công tác này đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện. Cụ thể, năm 2016, Quảng Ninh có tỷ lệ hộ nghèo gần ngang bằng với mức bình quân của tỉnh (theo phương pháp tiếp cận đa chiều) với 11,77%, đến năm 2018 còn 9,45% và hiện giảm còn 6,25%.
 
Vẫn chưa tương xứng với tiềm năng
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng trên thực tế, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
 
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân về giảm nghèo, giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa quyết liệt và chưa sâu, nên một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển nhìn chung vẫn còn khó khăn nên đầu tư cho XKLĐ vẫn còn nhiều vướng mắc. Chất lượng nguồn lao động, nhất là trình độ ngoại ngữ, tay nghề của người lao động (NLĐ) chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Mặt khác, một số lao động vẫn có tâm lý ngại xa gia đình và băn khoăn sau khi XKLĐ trở về địa phương sẽ không còn đất sản xuất và cũng không có việc làm ổn định, đặc biệt là hệ lụy cuộc sống gia đình sau nhiều năm xa quê…
 
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, để nâng cao chất lượng XKLĐ, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho lao động đi xuất khẩu.
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được triển khai quyết liệt thông qua các hình thức phong phú, như: hội nghị tư vấn, phiên giao dịch việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, trên hệ thống truyền thanh, phát tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền XKLĐ trong các buổi sinh hoạt của các đoàn thể…
 
Huyện sẽ huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc trên cơ sở phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên, nòng cốt là Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn.
 
Ông Nguyễn Công Triều, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Quảng Ninh cho rằng, làm tốt công tác điều tra thu thập thông tin cung-cầu lao động theo sự hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH, trong đó, tập trung rà soát nhu cầu lao động đi làm việc ở nước ngoài, chú trọng đến đối tượng lao động trong độ tuổi, có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật, bộ đội xuất ngũ, lao động trong diện hộ nghèo, cận nghèo… cũng là một trong những giải pháp thiết thực.
 
Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, địa phương tiếp tục lựa chọn, giới thiệu công ty XKLĐ có uy tín, có tư cách pháp nhân về tuyển XKLĐ, thị trường thu nhập cao, ổn định, đa dạng hơn để NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện, năng lực. Qua đó, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho NLĐ, đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương…
 
Thùy Lâm