Hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ: Cần sự quan tâm, vào cuộc cả hệ thống chính trị

  • 08:43 | Thứ Tư, 30/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương đã triển khai, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân những nội dung kế hoạch, chương trình, chiến lược, đề án… về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ (BĐG-VSTB) phụ nữ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Theo ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), thực hiện chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh đã dành sự quan tâm và triển khai lồng ghép việc thực hiện BĐG trên các lĩnh vực vào các đề án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Đặc biệt, Ban VSTB phụ nữ các cấp đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, kịp thời tham mưu, đề xuất và có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để cán bộ, hội viên phụ nữ được học tập, tiến bộ, trưởng thành và phát triển. Nhờ đó, hoạt động BĐG-VSTB của phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BĐG-VSTB phụ nữ được triển khai rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, như: tập huấn, hội thảo chuyên đề vai trò của cán bộ nữ, phổ biến pháp luật, các văn bản, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình… Từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động về giới và BĐG cho mọi người dân ở cộng đồng, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động nói chung và các nhà quản lý, hoạch định chính sách nói riêng.
Ban VSTB phụ nữ các ngành, địa phương cần quan tâm kiểm tra tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ.
Ban VSTB phụ nữ các ngành, địa phương cần quan tâm kiểm tra tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ.
Tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, việc tổ chức quán triệt, triển khai kế hoạch công tác BĐG-VSTB phụ nữ được nghiêm túc thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chung của ngành, địa phương và mang lại những chuyển biến tích cực. Tiêu biểu, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Sở Văn hóa-Thể thao...
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN đã tổ chức thực hiện lồng ghép nội dung của BĐG vào các hoạt động của hội. Cụ thể, triển khai phát hành 2.000 cuốn thông tin BĐG đến các chi hội làm tài liệu tuyên truyền; tập huấn cho 88 nữ doanh nghiệp, hợp tác xã về tiếp cận tài chính kinh doanh, lập kế hoạch, xây dựng ý tưởng kinh doanh; tổ chức 187 cuộc tuyên truyền, đối thoại, nói chuyện chuyên đề và 97 cuộc tọa đàm, giao lưu, các hoạt động về nguồn; 28 cuộc thi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa... thu hút gần 16.300 lượt hội viên tham gia.
 
Cấp ủy các cơ quan, đơn vị cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc bồi dưỡng, xây dựng, phát triển, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Do vậy, số lượng cán bộ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo từng bước được nâng lên, bảo đảm tốt hơn sự bình đẳng của phụ nữ trên lĩnh vực chính trị. Hiện, toàn tỉnh có 24 nữ là trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương cấp tỉnh; 5 nữ là phó chủ tịch HĐND, UBND và 192 nữ là trưởng, phó phòng, đoàn thể cấp huyện; 56 nữ là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã.
 
Đáng chú ý, các đơn vị, địa phương đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị nhằm hướng tới đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025.
 
Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ luôn được các cấp quan tâm thực hiện tốt, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng, bố trí, giải quyết việc làm theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 166 cán bộ nữ được cử đi học cao cấp, cử nhân lý luận chính trị (chiếm 28,7%).
 
Bên cạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ gắn với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Thông qua đó, phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách cơ bản và bình đẳng để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
 
Trong 5 năm (2015-2019), toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 1.184 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế và xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ làm kinh tế trang trại, sản xuất kinh doanh giỏi; có 2.165 hộ phụ nữ nghèo được Hội Phụ nữ các cấp giúp vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh (đầu năm 2019, tỉnh ta còn 6,98% hộ nghèo). 
Xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) triển khai hỗ trợ phụ nữ thành lập HTX kinh doanh sản xuất dịch vụ nông nghiệp.
Xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) triển khai hỗ trợ phụ nữ thành lập HTX kinh doanh sản xuất dịch vụ nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, công tác BĐG-VSTB phụ nữ vẫn còn những tồn tại, thách thức, đòi hỏi sự quan tâm đúng mức và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Theo ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc LĐ-TB-XH, thời gian tới, Ban VSTB phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này. Trong đó, công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về BĐG-VSTB phụ nữ là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị tổ chức hiệu quả “Tháng hành động BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (từ ngày 15-11 đến 15-12 hàng năm) với hình thức, nội dung phù hợp, nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng, góp phần xóa bỏ định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Cấp ủy các cơ quan, đơn vị cần lãnh đạo tốt công tác rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ để đề xuất đưa vào quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nữ cán bộ phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, tình hình thực tế của đơn vị; đồng thời, xác định BĐG-VSTB phụ nữ là một nội dung trong nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy. Ban VSTB phụ nữ các ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, kế hoạch về BĐG-VSTB phụ nữ với những nội dung, như: tình hình triển khai chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến BĐG-VSTB phụ nữ; công tác cán bộ nữ và việc quy hoạch, tạo nguồn, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ nữ; tình trạng bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái; chế độ, chính sách đối với lao động nữ…
 
Trong giai đoạn hiện nay, các chính sách thúc đẩy BĐG cũng cần được lồng ghép trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình nhằm phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần đoàn kết và từng bước nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ.
 
Thùy Lâm