Chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em - Bài 2: Bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ

  • 07:47 | Thứ Năm, 24/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định được những hậu quả nghiêm trọng và diễn biến phức tạp của tình trạng xâm hại trẻ em, những năm qua, cơ quan chức năng và các ban, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống với nhiều giải pháp khác nhau. Thực tế cho thấy, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành chức năng đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Những giải pháp này kết hợp với vai trò của gia đình, xã hội sẽ góp phần bảo đảm môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ phát triển.
 

>> Chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em - Bài 1:  Những hồi chuông cảnh báo

 
Những hiệu quả tích cực
 
Từ tháng 1-2015 đến tháng 6-2019, cơ quan công an đã khởi tố 32 vụ/29 bị can, trong đó đã chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp 28 vụ/28 bị can để tuy tố theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đã có 17 vụ với 29 đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính các hành vi xâm hại trẻ em. Việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị tội phạm xâm hại trẻ em được thực hiện đúng quy định.
 
Cùng với vai trò của cơ quan công an, các ngành, địa phương cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, ngành Tư pháp đã thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại. Bằng việc cử các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư có kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em, ngành đã góp phần giảm tổn thương cho trẻ và cùng với các ngành chức năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các vụ việc.
 
Công tác phòng, chống việc lạm dụng nhận con nuôi, quản lý nhà nước về giám định tư pháp đối với trẻ em bị xâm hại được triển khai tích cực, góp phần phục vụ công tác điều tra, tuy tố, xét xử các vụ án hình sự đạt hiệu quả cao. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và cá nhân với chức năng, nhiệm vụ của mình, đã chú trọng thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em bằng các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hòa giải, tố tụng… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em.
 
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng bước đầu, nhận thức của người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các diễn đàn, cán bộ, hội viên, nhân dân, các bậc phụ huynh đã cùng chia sẻ, trao đổi các kiến thức về xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục, xâm hại bạo lực nói riêng và thảo luận về cách thức phòng, chống, nâng cao kỹ năng cho trẻ trong ứng phó với các tình huống xâm hại. 
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Công an tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Công an tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại một số địa phương, trẻ mẫu giáo, tiểu học cũng đã được tiếp xúc, trang bị với các kiến thức phòng, chống xâm hại. Các bậc phụ huynh cũng đã nhiệt tình đồng hành cùng con thay vì xem đây chỉ là những chương trình ngoại khóa mang tính hình thức.
 
Chị Trần Thị Kim Oanh, một phụ huynh Trường tiểu học Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) cho biết, hàng ngày, chị luôn chia sẻ cùng con những kiến thức phòng, chống xâm hại bằng cách chuyện trò hoặc ghi âm các chương trình phát thanh rồi mở cho con nghe. “Tôi hiểu không chỉ trẻ em gái mới đối diện với nguy cơ xâm hại nói chung, xâm hại tình dục nói riêng, mà trẻ em trai cũng thế. Do đó, tôi luôn quan tâm tới việc trang bị cho con mình những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân. Theo cá nhân tôi, để phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì trong mỗi gia đình, bố mẹ phải luôn cập nhật kiến thức, quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng con vì môi trường gia đình là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến này!”, chị Oanh cho biết thêm.
 
Giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em
 
Từ những nguyên nhân nêu trên, có thể thấy rằng, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em là giải pháp rất quan trọng nhằm giảm thiểu, đẩy lùi các vụ xâm hại trẻ em. Ngay từ môi trường gia đình, các bậc phụ huynh phải trang bị đầy đủ kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em, tuyệt đối không tạo ra những cơ hội để các đối tượng xâm hại có thể lợi dụng như để trẻ ở một mình, gửi trẻ nhờ trông hộ hay thiếu quan tâm, chia sẻ cùng con. Không chỉ trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ con em, các bậc phụ huynh và người lớn trong gia đình cũng cần tìm hiểu, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em cho mình, tránh để bản thân trở thành đối tượng xâm hại trẻ em bằng việc đánh đập, bạo hành tinh thần con trẻ với lý do khá phổ biến của các bậc cha mẹ là “thương cho roi cho vọt”.
 
Tại các trường học, trẻ cần được trang bị các kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực nói riêng. Việc nắm vững kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ giúp người dân bảo vệ con em mình mà thức đầy đủ về quyền của mình để có thể đấu tranh trong những trường hợp con em bị xâm hại. 
 
Cùng với giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em, cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em, không để lọt tội phạm. Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số vụ việc xâm hại tình dục, các hành vi dâm ô đã bị cộng đồng xã hội lên án mạnh mẽ và cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, không chỉ góp phần bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại mà có tác dụng to lớn trong việc răn đe các đối tượng.
 
Phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức bởi những thương tổn và sự nhạy cảm đối với nạn nhân trong các vụ việc này. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp từ gia đình, nhà trường, sự chung tay phối hợp của các ban, ngành liên quan và toàn xã hội với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, xử lý các vụ việc, đồng hành cùng nạn nhân trong suốt quá trình… là vô cùng quan trọng và cần thiết để bảo đảm một môi trường an toàn cho sự phát triển của trẻ.
 
Ngọc Mai