Nỗi lo sông "nuốt" mất nhà!

  • 14:52 | Thứ Sáu, 27/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng đang đe dọa cuộc sống của nhiều người dân sống ven biển, ven sông. Nhiều điểm sạt lở đã ăn sâu vào nhà dân, cuốn trôi hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp...

Sống chung với... nỗi lo!

Sau trận lũ lớn đầu tháng 9, hễ cứ thấy trời mưa to là gia đình ông Mai Tân, ở thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa lại nơm nớp lo sợ sông "nuốt" mất nhà. Lũ rút, cuốn theo gần trăm mét đất bờ, ngôi nhà của ông Tân cùng nhiều hộ dân khác trong thôn nằm chênh vênh ngay mép sông Gianh.

Sau trận lũ, ngôi nhà của ông Mai Tân, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa nằm chênh vênh bên mép sông Gianh.
Sau trận lũ, ngôi nhà của ông Mai Tân, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa nằm chênh vênh bên mép sông Gianh.

Ông Tân cho biết, trước đây ngôi nhà của ông cách bờ sông gần 30m, mỗi năm sạt lở lại lấn dần vài mét. Đến mùa mưa lũ năm nay thì xói lở càng mạnh, sát vào chân móng nhà của ông. Cả mái hiên cũng sập xuống trôi theo dòng nước lũ.

"Suốt ngày chúng tôi sống trong nỗi lo nhà sập xuống sông bất cứ lúc nào, nhưng chẳng biết chuyển đi đâu. Tích góp cả đời mới cất được ngôi nhà kiên cố. Thời gian tới, lũ về, không biết rồi có giữ được căn nhà nữa hay không?", ông Tân ngậm ngùi chia sẻ.

Thôn Đức Phú 1 còn có 7 hộ khác cũng đang đối mặt với nguy cơ sông "nuốt" mất nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng xói lở vẫn diễn ra nghiêm trọng như mấy năm gần đây thì cả thôn phải dâng nhà cho "hà bá".

Dọc sông Gianh, kéo dài từ khu vực thượng nguồn về đến vùng hạ lưu xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân rất hoang mang. Trong đó, một số điểm sạt lở nặng, như: thôn Long Châu, xã Phù Hóa; thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch); thôn Công Hòa, xã Quảng Trung và thôn Cồn Két, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn)...

Ở xã miền núi Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, sạt lở đã "nuốt" trọn gần 5 ha đất sản xuất hoa màu của người dân. Ông Mai Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết, toàn xã có rất nhiều điểm sạt lở ở bờ sông Rào Nan và mức độ ngày càng nghiệm trọng. Đặc biệt là sau trận lũ lịch sử năm 2016, nước lũ về mạnh đã cuốn trôi hệ thống cây tre ngăn sạt hai bên bờ.

Xã vốn đã ít đất sản xuất nông nghiệp, tình trạng sạt lở kéo dài khiến diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp, gây khó khăn không nhỏ cho đời sống của người dân trong vùng. Hiện xã đang đề xuất phương án xây dựng kè mỏ hàn để uốn dòng, chống sạt lở hai bên bờ sông Rào Nan. Phương án này cho thấy hiệu quả ở nhiều nơi và cũng tiết kiệm chi phí rất nhiều so với việc xây kè chắn hai bên bờ, ông Tuyên cho hay.

Khó về nguồn lực đầu tư

Tại huyện Bố Trạch, hàng nghìn hộ dân cũng đang nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, toàn huyện có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trong đó, chủ yếu các điểm sạt lở nằm trên tuyến sông Son ở các xã Xuân Trạch, Sơn Trạch, Phúc Trạch. Khi có lũ lớn, huyện đều có kế hoạch di dời những hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, tuy nhiên, về lâu dài phải đầu tư xây kè kiên cố thì mới bảo đảm an toàn để người dân yên tâm sinh hoạt và sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 19 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách. Trong đó, có một điểm sạt lở ở khu vực biển ở xã Quảng Phú; còn lại chủ yếu tập trung ở các hệ thống sông lớn trên địa bàn tỉnh, như: sông Gianh, sông Son, sông Rào Nan...

<img alt="Chỉ trong mấy năm gần đây, sạt lở đã " nuốt="" "="" gần="" 5="" ha="" đất="" sản="" xuất="" ở="" xã="" cao="" quảng,="" huyện="" tuyên="" hóa.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201909/original/images653082_0402.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201909/original/images653082_0402.jpg" style="width: 734px; height: 484px;">
Chỉ trong mấy năm gần đây, sạt lở đã "nuốt" gần 5 ha đất sản xuất ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa.

Hàng năm, tỉnh cũng như các địa phương đều ưu tiên bố trí các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp những tuyến đê, kè bị hư hại nặng. Những điểm sạt lở chưa có kè đều được gia cố bằng đất, đá nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Khó khăn lớn nhất là kinh phí hàng nằm đều thấp hơn so với kế hoạch xây dựng. Chỉ tính riêng 19 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, phải xử lý cấp bách, tổng số kinh phí đã hơn 400 tỷ đồng.

Đối với các khu vực sạt lở gây nguy hiểm cao cho tính mạng người dân, toàn tỉnh có 20 dự án di dời dân khẩn cấp, tuy nhiên, chỉ có 5 trong số đó đã có trong quy hoạch ổn định dân cư theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và được hỗ trợ kinh phí. Những dự án còn lại rất khó để triển khai và hoàn thành sớm, bởi nguồn vốn đầu tư lớn trong khi điều kiện của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, ông Long cho biết thêm.

Mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đang đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sống dọc ven sông, ven biển. Theo nhiều người dân, ngoài nguyên nhân do mưa lũ, tình trạng khai thác cát tràn lan trên hệ thống các sông cũng là một trong những lý do làm gia tăng mức độ sạt lở như hiện nay, đặc biệt là trên sông Gianh. Bởi vậy, thời gian tới, các cấp chính quyền và địa phương cần mạnh tay hơn nữa, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.

X.Phú