Chủ động ứng phó với mưa lũ

  • 14:11 | Thứ Hai, 02/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trên biển Đông hiện đang có 2 áp thấp nhiệt đới cùng một lúc, trong đó 1 áp thấp nhiệt đới gần bờ biển nước ta và 1 áp thấp nhiệt đới ở giữa biển Đông. 
 
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng ngày 2-9, các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nhận định diễn biến thời tiết có thể gây ngập lụt, sạt lở đất, mặc dù đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 nhưng các địa phương đã tích cực chỉ đạo người dân thực hiện các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuyên Hóa cho biết: Do đặc điểm địa bàn Tuyên Hóa có nhiều khu vực dân cư thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề thiên tai, lũ lụt gây ra, đặc biệt là các xã thuộc hạ lưu sông Gianh và hai bên bờ các con suối như: Văn Hóa, Châu Hóa, Thạch Hóa, Phong Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa, Ngư Hóa, Cao Quảng... nên Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động thống kê và quản lý số thuyền của các hộ dân; thực hiện việc ký hợp đồng, cam kết huy động ứng cứu kịp thời người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra. Các địa phương có đê, đập và các công trình thủy lợi chủ động thành lập các đội hộ đê với số lượng từ 50-200 người có sức khỏe tốt để ứng cứu kịp thời khi gặp sự cố mưa lũ. 
Lệ Thủy là địa phương thường phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ hàng năm.
Lệ Thủy là địa phương thường phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ hàng năm.
Thống kê từ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh lúc 12 giờ ngày 2-9 cho biết, vẫn còn 111 tàu thuyền của ngư dân với 940 lao động đang hoạt động trên biển. Các chủ phương tiện đều đã nắm được tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới và đang trên đường vào bờ hoặc đánh bắt ở những vùng biển có thể cơ động tránh trú khi có thời tiết xấu.
 
Cũng trong sáng 2-9, nhiều người dân thành phố Đồng Hới và các địa phương khác trong tỉnh qua theo dõi các bản tin dự báo thời tiết đã chủ động mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ có thể xảy ra và kéo dài trong những ngày tới.  
Người dân chủ động mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ kéo dài.
Người dân chủ động mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ kéo dài.
Bên cạnh việc tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang mừng Quốc khánh 2-9 và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác, huyện Lệ Thủy cũng đã chủ động triển khai các phương án cụ thể ứng phó với mưa lũ. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với những vùng ven sông, ven núi đang có nguy cơ sạt lở, vùng bị lũ quét, vùng thường xuyên bị ngập sâu, vùng hạ lưu các hồ chứa, các công trình ngăn nước và vùng ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường, chính quyền địa phương đã có phương án cụ thể để sơ tán người và tài sản khi mưa lũ xảy ra; đồng thời tập trung tu sửa, chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lực lượng ứng cứu người và tài sản trong mọi tình huống. Trên cơ sở đặc thù của địa phương, huyện Lệ Thủy nhận định một số vùng xung yếu thường bị lũ lụt chia cắt như: thôn Bình Minh (Dương Thủy), thôn Vinh Quang (Sơn Thủy), An Lạc (Lộc Thủy); vùng có nguy cơ bị sạt lở, giao thông đi lại bị chia cắt thuộc 3 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy; vùng bị ảnh hưởng bởi triều cường thuộc 3 xã miền biển Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc, vùng hạ lưu các hồ chứa An Mã, Cẩm Ly và các hộ dân sống dọc theo 2 bờ sông Kiến Giang. Vì thế, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương này cần có phương án cụ thể để di dời dân đến nơi an toàn.  
 
Sáng ngày 2-9, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã có Công điện số 37 gửi ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương, các sở, ngành, các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên toàn tỉnh thực hiện các phương án cụ thể để ứng phó với mưa lũ.
Nguyễn Hoàng