Nâng cao vai trò của truyền thông trong công tác dân số

  • 07:11 | Thứ Ba, 13/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong công tác dân số góp phần không nhỏ trong việc ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới hiện nay.
 
Thời gian qua, công tác truyền thông về DS-KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh luôn được chú trọng, với các hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn về quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số cho gần 1.800 đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, gia đình đông con, gia đình trẻ sinh con một bề, gia đình khó khăn, các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên và nam, nữ đến tuổi kết hôn... tại 28 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
 
Đồng thời, ở các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức được 94 buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề thu hút 3.675 lượt người tham dự. Ở các xã, phường, thị trấn đã thực hiện 488 buổi truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông lồng ghép và cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thu hút 63.843 lượt đối tượng tham gia.
 
Ngoài ra, đối với các mô hình, đề án, chương trình đang được triển khai, công tác truyền thông, giáo dục dân số tiếp tục được nâng cao về chất lượng. Trong đó có 22 buổi tư vấn, tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho vị thành niên, thanh niên thu hút 1.146 đối tượng tham gia; truyền thông lồng ghép, tư vấn và vận động tại các địa bàn khu dân cư về thực trạng, nguyên nhân và những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, thu hút 4.182 người tham gia; tổ chức được 20 buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho người cao tuổi tại các CLB “Tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” thu hút 930 người tham gia…
Truyền thông trực tiếp luôn được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác dân số.
Truyền thông trực tiếp luôn được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác dân số.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã thường xuyên phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia đình-Xã hội... thực hiện nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục về những vấn đề nổi cộm, bất cập, các tấm gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực DS-KHHGĐ tại các địa phương. Nhiều thông tin thiết thực đã được chuyển tải đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và giàu sức thuyết phục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác dân số trong tình hình mới.
 
Anh Hoàng Trung Thông, Trưởng phòng DS-KHHGĐ huyện Minh Hóa cho biết: Thời gian qua, công tác truyền thông ở huyện Minh Hóa được triển khai đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên cán bộ dân số luôn chú trọng loại hình truyền thông trực tiếp tại nhà, qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các CLB, lồng ghép qua các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Nhờ vậy mà công tác dân số trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dân số ngày càng tăng lên, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngày càng giảm, nhận thức của người dân về công tác dân số trong tình hình mới ngày càng được nâng cao… Đặc biệt, hiện nay, hầu hết các bản, làng, thôn xóm đều đã có mạng lưới điện nên các phương tiện truyền thông đại chúng như: tivi, internet, đài phát thanh, loa phát thanh… của xã, phường đều được phủ sóng nên việc nắm bắt các thông tin DS-KHHGĐ được dễ dàng hơn.
 
Còn theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng DS-KKHGĐ huyện Bố Trạch thì truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác dân số. Nhờ truyền thông mà nhận thức, hành vi của người dân dần thay đổi, do đó chất lượng dân số đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Truyền thông đã đến với từng nhà, từng thôn, xóm theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", từ sự thay đổi nhận thức đến tự giác thực hiện và hành động. Sự chủ động và linh hoạt của truyền thông còn thể hiện ở chỗ vừa chủ động nội dung, chương trình truyền thông đều đặn, vừa phối hợp chặt chẽ với các chương trình, dự án... Chính vì vậy, hiệu quả của truyền thông tác động rõ rệt đến kết quả hoạt động của các chương trình, đề án và hoạt động thường xuyên của công tác dân số.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác truyền thông vẫn còn một số hạn chế, như: truyền thông vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ở một số địa phương, tập quán và tư tưởng lạc hậu vẫn chi phối đời sống và hành động của người dân; kinh phí hỗ trợ cho công tác truyền thông còn hạn chế nên hoạt động truyền thông chưa có chiều sâu, chưa được thường xuyên…
 
Trong thời gian tới, công tác truyền thông cần được duy trì, nâng cao chất lượng hơn nữa, đặc biệt, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở ở huyện, xã nhằm đưa thông tin tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
 
T. Hoa