Lệ Thủy: Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

  • 08:44 | Thứ Sáu, 02/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, phong trào khởi nghiệp của thanh niên huyện Lệ Thủy phát triển khá sôi nổi. Với sức trẻ và khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng hành cùng các bạn trẻ, Huyện đoàn, Hội LHTN huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
 
Hiện, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 37 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, hoạt động hiệu quả với thu nhập ổn định từ 50 đến 500 triệu đồng/năm/mô hình. Mặc dù có nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công nhưng con số này vẫn còn ít so với tiềm năng của huyện.
 
Bởi trước đây, nhiều thanh niên trong huyện khởi nghiệp theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Có những mô hình thành công nhưng sản phẩm không thể tiêu thụ do thiếu kiến thức, thông tin về thị trường, mối liên kết nên bị thương lái ép giá dẫn đến thất bại.
 
Để kết nối, quy tụ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, Huyện ủy, UBND huyện, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo Huyện đoàn và Hội LHTN Việt Nam huyện Lệ Thủy thành lập CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Lệ Thủy, là thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam huyện Lệ Thủy với sự tham gia của 70 thành viên.
 
Anh Hoàng Minh Tú, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Lệ Thủy tâm sự: “Mục đích lớn nhất của CLB là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tuyên truyền, thông tin rộng rãi về chương trình khởi nghiệp”.
 
Từ khi thành lập đến nay, CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Lệ Thủy đã trở thành “bà đỡ” cho các thành viên trong việc chia sẻ kinh nghiêm, liên kết sản xuất, thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm...
 
Anh Mai Ngọc Thành, thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy) đang thành công với mô hình khởi nghiệp từ nuôi chim trĩ. Trước đây, những sản phẩm từ chim trĩ của anh rất khó tiêu thụ. Nhưng từ khi tham gia vào CLB, sản phẩm của anh được các thành viên chia sẻ trên facebook, website, trực tiếp hỗ trợ thị trường nên được nhiều nhà hàng, khách sạn biết và đến tận trang trại để mua.
 
Anh Thành chia sẻ: “Từ khi tham gia CLB, sản phẩm từ chim trĩ của tôi được các thương lái đến tận nhà mua. Nhờ đó, việc sản suất cũng ngày càng thuận lợi, lãi ngày càng tăng cao”.
Mô hình khởi nghiệp từ trồng rau, quả sạch của anh Ngô Trí Quang, xã Ngư Thủy Bắc.
Mô hình khởi nghiệp từ trồng rau, quả sạch của anh Ngô Trí Quang, xã Ngư Thủy Bắc.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Ngô Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc đã mạnh dạn đầu tư 750 triệu đồng xây dựng nhà màng trên diện tích 2.000m2 cùng với hệ thống tưới nước tự động để gối vụ dưa lưới, cà chua với các loại rau sạch khác.
 
Anh Quang cho biết: “Trồng dưa lưới trong nhà màng giúp dưa cách ly với côn trùng gây bệnh, tránh được tác động của thời tiết đến cây trồng, nên cây dưa phát triển tốt, mang lại năng suất cao, chất lượng bảo đảm”.
 
Tuy thành công ở góc độ sản xuất nhưng anh Quang cũng từng gặp khá nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Trước khó khăn đó, anh đã được CLB và các thành viên liên kết tìm đầu ra, đồng thời không để các thương lái ép giá.
 
Cũng qua hình thức truyền thông và sự linh động của Ban chủ nhiệm CLB trong việc tìm thị trường, đến nay, sản phẩm dưa lưới và cà chua của anh đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch trong tỉnh và thành phố Hà Nội, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng/vụ.
 
Năm 2016, anh Võ Văn Sang, ở thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy đã mạnh dạn vay ngân hàng 150 triệu đồng để khởi nghiệp với mô hình nuôi cá chình nước ngọt. Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, anh Sang vào trung tâm giống cá chình ở tỉnh Khánh Hòa để học hỏi kinh nghiệm và mua cá giống về nuôi.
 
Anh Sang chia sẻ: “Cá chình nước ngọt khá dễ nuôi, lớn nhanh và ít dịch bệnh, thức ăn cho cá cũng có thể kiếm được tại địa phương”. Với mô hình này, anh thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng. Ngoài nuôi cá chình, anh Sang còn đầu tư nuôi cá lóc đầu vuông, nuôi bò, trồng 4 sào lúa, 5ha rừng, mỗi năm anh đã thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
 
“Từ khi tham gia CLB Thanh niên khởi nghiệp của huyện, sản phẩm của tôi được thông tin, chia sẻ mạnh mẽ nên nhiều thương lái đã đến tận trang trại để mua và hiện tại vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.”, anh Sang cho biết.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Lệ Thủy cho biết: “Thời gian tới, Hội LHTN Việt Nam huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách, huy động các nguồn lực, tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên Lệ Thủy khởi nghiệp” giai đoạn 2019-2025 một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các đối tượng thanh niên.
 
Đồng thời, giúp CLB xây dựng nguồn quỹ để hoạt động hiệu quả hơn”. Hội LHTN Việt Nam huyện giao trách nhiệm cho CLB tiếp tục đoàn kết, quy tụ, tập hợp thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp, cũng như kết nối rộng rãi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thanh niên để CLB thực sự là diễn đàn cho các thanh niên giao lưu, học tập kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh…
 
Xuân Vương