Chuyện quản lý:

Sự im lặng "ngọt ngào" và "quả bóng" trách nhiệm...(!?)

  • 08:43 | Thứ Ba, 06/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - 1. Sau thông tin về một số vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện nọ, các cơ quan chức năng mới rốt ráo vào cuộc, tìm nguyên nhân và xử lý. Thế nhưng, cũng từ đây, cho thấy sự buông lỏng quản lý của các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Khi vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện này được phản ánh là đối với rừng phòng hộ, ngay lập tức thông tin trên trở thành “điểm nóng”, được báo chí và dư luận quan tâm. Và giờ đây, bên cạnh việc xác minh, kiểm tra của cơ quan chức năng, điều khiến dư luận quan tâm đó chính là câu chuyện về trách nhiệm.

Chính vì vậy, khi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương, đơn vị liên quan đều tỏ ra sốt sắng. Họ bắt đầu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Lãnh đạo địa phương thì cho rằng, diện tích rừng này đã được giao cho một đơn vị khác. Lãnh đạo đơn vị kia thì bảo mình chưa tiếp nhận quản lý.

Tương tự, liên quan đến vụ việc một số người dân tự ý làm đường dẫn trái phép và một số cầu dẫn tạm để ra tàu cá (vì tàu không thể cập bờ neo đậu) cũng tại địa phương này, thay vì cùng nhau ngồi lại phối hợp, bàn cách xử lý, thì lãnh đạo các đơn vị liên quan đến vụ việc này lại “nặng lòng” hơn đến câu chuyện trách nhiệm.

Lãnh đạo địa phương thì cho rằng, khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị nọ, nên đơn vị nọ phải xử lý. Còn lãnh đạo đơn vị nọ thì lại đẩy sang địa phương và các đơn vị khác có liên quan.

Điều đáng nói là dường như ai cũng có lý do để “đá” quả bóng trách nhiệm thật nhanh về phía không phải là... mình. Cái cớ cho những vị lãnh đạo này thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đó chính là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Vì lẽ đó nên lúc bình thường thì không ai quản lý, chỉ đến khi sự việc xảy ra không ai dám chịu trách nhiệm.   

2. Báo chí với chức năng nhiệm vụ của mình, luôn phản ánh một cách trung thực, khách quan những sự việc mới phát sinh trong cuộc sống, được dư luận quan tâm, thế nhưng báo chí sẽ khó thực hiện được mục tiêu đó, khi chính những người có trách nhiệm lại “làm ngơ” và né tránh cung cấp thông tin.

Cũng liên quan đến 2 vụ việc nói trên, sau khi đi thực tế hiện trường, thu thập thông tin, chúng tôi đã liên hệ với những cơ quan có trách nhiệm, lãnh đạo huyện này để có thông tin đầy đủ, khách quan về vụ việc. Thế nhưng sau năm lần, bảy lượt liên hệ, chúng tôi chỉ nhận được sự “im lặng” một cách dửng dưng của những người có trách nhiệm.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với cơ quan chuyên môn để có tìm hiểu thông tin về những vấn đề trên, thì lãnh đạo các cơ quan này lại từ chối vì phải có sự đồng ý của lãnh đạo huyện. Lại liên hệ với lãnh đạo huyện, chúng tôi cũng chỉ nhận được sự im lặng.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu, vị lãnh đạo này cố tình “im lặng” như vậy. Trước những sự việc dư luận đang rất quan tâm, thì sự lên tiếng của người đứng đầu thể hiện trách nhiệm với địa phương vì phát ngôn của họ sẽ là thông tin chính thống và đáng tin cậy.

Trong khi tìm hiểu, xác minh các sự việc này, có nhiều ý kiến phản ánh rằng, các thông tin của “báo chí” và dư luận phản ánh là không chính xác, không đúng với bản chất sự việc.

Thế nhưng, để biết sự việc có đúng với những gì thực tế xảy ra và như dư luận quan tâm hay không, thì chính sự "im lặng" của vị lãnh đạo này, đồng nghĩa với việc chính họ đã tự đánh mất cơ hội để sự thật được lên tiếng. Như vậy, trong trường hợp này, sự im lặng của vị lãnh đạo nói trên còn là thái độ chối bỏ trách nhiệm trước dư luận và báo chí.

Dương Công Hợp