Chuyện quản lý:

Chỉ số PAR INDEX và PCI là gì?

  • 09:58 | Thứ Ba, 13/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có lẽ ít người tường tận các chỉ số, như: PAR INDEX, PCI..., trong cuộc sống cũng như trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Vậy chỉ số PAR INDEX và PCI là gì? Đó là viết tắt của chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Theo đó, chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nướcnhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân.

Về chỉ số PAR INDEX năm 2018, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, thông qua chỉ số này để xác định rõ những ưu, khuyết điểm trong thực hiện cải cách hành chính, từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương trong cả nước điều chỉnh về mục tiêu, nội dung, đồng thời có các giải pháp xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả.

Đại diện các doanh nghiệp tư nhân tham gia tập huấn hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại diện các doanh nghiệp tư nhân tham gia tập huấn hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2018, với chỉ số tổng hợp PAR INDEX là 75,67, xếp hạng 37/63; chỉ số PCI là 61,06, Quảng Bình  xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kết quả đánh giá này cho thấy các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã có nhiều cố gắng để nâng cao chỉ số PAR INDEX và PCI. Tuy nhiên, so với xu thế phát triển hiện nay thì vẫn có các tiêu chí, chỉ số thành phần đạt thấp.

Cụ thể, trong bộ chỉ số PAR INDEX, Quảng Bình có 20/96 tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, 15/96 tiêu chí thành phần không có điểm; đối với chỉ số PCI, Quảng Bình có 3/10 chỉ số tăng điểm nhưng giảm hạng, 4/10 chỉ số vừa giảm điểm vừa giảm hạng.

Trên cơ sở các số liệu này, chúng ta có thể nhận ra trong “guồng máy” đang vận hành vẫn còn tình trạng các ban, ngành, địa phương chưa chủ động điều hành để hoàn thiện và nâng cao các chỉ số, đồng thời vẫn xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân...

Do vậy, để cải thiện chỉ số PAR INDEX, PCI, nhằm “nâng hạng” Quảng Bình trong xếp loại, đánh giá của Bộ Nội vụ và VCCI thời gian tới, thiết nghĩ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh cần phải xem kết quả các chỉ số đánh giá về sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Hơn ai hết, chúng ta phải hiểu rằng, các doanh nghiệp, người dân đang thụ hưởng các dịch vụ hành chính công có quyền và trách nhiệm đánh giá về chất lượng dịch vụ do bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương mang lại.

Có như vậy, mới thúc đẩy quá trình cải cách hành chính nhanh và mạnh hơn nữa khi Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng đang gia nhập sâu vào các “sân chơi” khu vực và thế giới.

Trần Minh Văn