Chống rác thải nhựa bằng những việc làm cụ thể

  • 08:46 | Thứ Năm, 08/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Rác thải nhựa với những tác hại nghiêm trọng đã và đang là mối nguy lớn đối với môi trường sinh thái và đời sống con người. Trước thực trạng này, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay triển khai các phong trào, hoạt động nhằm hạn chế và đẩy lùi rác thải nhựa. Tạo lập thói quen "nói không" với rác thải nhựa ở công sở và gia đình bắt đầu từ những việc làm cụ thể là một trong những cách dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ về những thói quen của mình trong cuộc sống để hạn chế, đẩy lùi rác thải nhựa, chị Phạm Thị Mai Hương, cán bộ Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt cho biết: "Chúng tôi đã và đang hưởng ứng việc hạn chế rác thải nhựa bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày tại công sở và gia đình.

Cán bộ, nhân viên được Trung tâm tặng những món quà nhỏ nhưng rất có ý nghĩa, như: bình đựng nước, túi đựng thực phẩm, đựng rác có nguồn gốc sinh học, dễ phân hủy. Với đặc thù công việc của chúng tôi, hàng ngày, nhiều cán bộ nhân viên phải đi vào rừng, khi đi mọi người không quên mang theo các vật dụng nói trên để bảo đảm không thải ra bất kỳ rác thải nhựa nào.

Rác thải ở văn phòng cũng được tiến hành phân loại, trong các hội nghị, Trung tâm không dùng nước đóng chai. Không chỉ hạn chế rác thải nhựa, Trung tâm đồng thời hạn chế việc in ấn và nếu in ấn thì lựa chọn loại giấy phù hợp, bởi quá trình sản xuất các loại giấy trắng cần đến rất nhiều hóa chất tẩy trắng, ảnh hưởng đến môi trường..." Những việc làm này nếu được thực hiện thường xuyên, tạo thành thói quen sẽ hạn chế được rất nhiều rác thải nhựa mỗi ngày.

Các em học sinh câu lạc bộ Tote-Life tuyên truyền đẩy lùi rác thải nhựa.
Các em học sinh câu lạc bộ Tote-Life tuyên truyền đẩy lùi rác thải nhựa.

“Tất cả những việc nhằm hạn chế rác thải nhựa ở Trung tâm, tôi đều áp dụng khi về nhà. Vì vậy, các thành viên trong gia đình tôi cũng đã hình thành được thói quen tốt này. Trong những dịp đi chơi, nhà tôi đều mang theo bình nước, hộp thủy tinh, túi vải… để đựng đồ ăn thức uống. Tôi nghĩ, nếu mỗi người làm một việc, dù nhỏ, để chống rác thải nhựa, thì hiệu quả mang lại sẽ không nhỏ!”, chị Hương cho biết thêm.

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ Tổ chức hợp tác kỹ thuật Việt-Đức GIZ chia sẻ, bên cạnh việc sử dụng túi vải, mang theo các loại bình nước, hộp đựng thức ăn khi đi mua sắm, bước vào năm học mới 2019-2020, chị đã cùng các con bọc sách vở bằng các loại giấy báo, giấy in hoa thay vì bọc bằng ni lông như nhiều năm trước đây.

“Các con tôi đều cảm thấy thú vị với việc làm này và chia sẻ với bạn bè để hạn chế túi ni lông. Tôi hy vọng các thầy cô giáo, các trường học sẽ có những hoạt động thiết thực để cùng chung tay đẩy lùi rác thải nhựa”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Đinh Quý Nhân khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục-Đào tạo, UBND tỉnh, bước vào năm học mới 2019-2020, Sở đã xây dựng kế hoạch chống rác thải nhựa, trong đó bao gồm việc không thả bóng bay trong lễ khai giảng và chấm dứt việc sử dụng ni lông để bọc sách vở.

Các em học sinh có thể bao bọc sách vở bằng các loại báo, giấy hoặc chỉ cần dán nhãn lên bìa sách vở mà không cần bao bọc. Trong các hội nghị cũng sẽ không sử dụng nước suối đóng chai, các trường học sẽ hướng dẫn học sinh phân loại rác thải để có thể tái sử dụng rác thải nhựa một cách hiệu quả! Các phòng Giáo dụ-Đào tạo, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn phải xây dựng kế hoạch cụ thể, nghiêm túc triển khai các nội dung này.

Tại thành phố Đồng Hới, Hội LHPN thành phố đã triển khai nhiều hoạt động chống rác thải nhựa, như: dùng túi nội trợ, làn nhựa, các loại vật dụng thân thiện (lá chuối, lá môn, hộp thủy tinh…) để đựng thực phẩm khi đi chợ. Hội cũng liên kết với các nhóm học sinh để triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại và cách thức để hạn chế, tiến tới đẩy lùi rác thải nhựa. Những hoạt động này đã được hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng, bước đầu mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Cùng với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các em học sinh-thế hệ tương lai cũng đã nhập cuộc với nhiều hoạt động thiết thực, như: tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, đề xuất các giải pháp để hạn chế rác thải nhựa và sử dụng các vật liệu thay thế.

Cán bộ, viên chức nhiều cơ quan, đơn vị cũng tổ chức các nhóm tham gia làm vệ sinh môi trường ở bãi biển, tuyên truyền tại các nhà hàng, quán ăn nhằm hạn chế việc sử dụng hộp nhựa, hộp xốp sử dụng một lần… Tất cả những việc làm này đã và đang tạo hiệu ứng tích cực trong công cuộc chống rác thải nhựa.

 Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại thư số 161/LĐCP ngày 25-4-2019 và Công văn số 5539 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 10-10-2018, ngày 30-7-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1260/KH-UBND về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về tác hại của chất thải nhựa đối với kinh tế-xã hội, môi trường và sức khoẻ con người, từ đó làm thay đổi nhận thức và hành vi.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Việc tuyên truyền, triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện bền bỉ, thiết thực, sáng tạo, tiết kiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình triển khai, cần phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình sáng tạo… để nhân rộng trong toàn tỉnh. Cùng với việc hạn chế, đầy lùi rác thải nhựa, cần nghiên cứu để có các giải pháp lựa chọn, thay thế các loại vật dụng nhựa bằng các chất liệu thân thiện với môi trường.

Cán bộ, đảng viên phải là người tích cực đi đầu trong việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong các hoạt động ở công sở cũng như đời sống gia đình và ở khu dân cư bằng những việc làm cụ thể, tránh tình trạng “hô khẩu hiệu”. Mỗi một người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và các vật liệu bằng nhựa để cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Ngọc Mai