Bố Trạch: Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết

  • 08:45 | Thứ Ba, 06/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, huyện Bố Trạch đã chủ động xây dựng phương án triển khai ứng phó với các tình huống xấu xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tài sản, tính mạng của người dân trên địa bàn.

Bố Trạch là địa phương có diện tích rộng, dân số đông, địa hình phân bố không đồng đều và được xác định là một trong những trong khu vực thường xuyên gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra.

Đặc biệt, khi có bão mạnh, các khu vực ven biển, đồng bằng, khu vực trống trải ít được che khuất đều bị ảnh hưởng nặng; các vùng dân cư trên địa bàn khi bão lụt xảy ra thường bị chia cắt, cô lập, khó tiếp cận.

Công trình kè sông Son (thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch) chưa hoàn thành do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng.
Công trình kè sông Son (thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch) chưa hoàn thành do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng.

Năm 2018, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng trong tháng 6,7 cùng với thời tiết ít mưa nên đa số các hồ đập trên địa bàn không đạt dung tích thiết kế, gây thiếu nước sản xuất. Tổng diện tích chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả và không đủ nước tưới năm 2018 là 100 ha.

Cùng với đó, lốc xoáy xảy ra trên địa bàn xã Bắc Trạch và xã Sơn Trạch làm 1 người chết, 1 người bị thương và nhiều ngôi nhà bị tốc mái cùng một số diện tích lúa sắp thu hoạch bị gãy đổ.

Năm 2019 được xem là năm có mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay. Nắng nóng xuất hiện sớm khiến cho đa số các hồ đập trên địa bàn thiếu nước, sản xuất vụ hè-thu trở nên càng khó khăn hơn với tổng diện tích chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả và không đủ nước tưới trong năm nay lên đến 200 ha. Bên cạnh đó, lốc xoáy xảy ra trên địa bàn xã Xuân Trạch làm thiệt hại tài sản ước tính trên 4,7 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để chủ động phòng tránh thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất của nhân dân, ngay trước mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Bố Trạch đã xây dựng phương án PCTT và TKCN nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai của chính quyền và cộng đồng dân cư theo phương châm “chủ động phòng tránh-ứng phó kịp thời-khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó lấy phòng là chính.

Đến thời điểm này, cùng với việc kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN, xây dựng các phương án phòng chống bão lụt, Bố Trạch đặc biệt chú trọng chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư cho công tác phòng, chống, như: xe ô tô các loại, ca nô, xuồng cao tốc các loại, phao tròn, phao bè, áo phao, nhà bạt các loại và một số trang thiết bị khác.

Ngoài ra, huyện còn sẵn sàng huy động thêm từ các xã, thị trấn, các doanh nghiệp trên địa bàn và trong dân một cơ số thuyền máy, thuyền cô le, phao cứu sinh, tàu trên 90 CV... để ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra".

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nguyễn Trọng Tuyển cho biết thêm, trên cơ sở xác định vùng bị ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ và các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ ống; vùng bị ngập lụt..., Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã đưa ra giả thiết các tình huống để xây dựng phương án ứng phó cụ thể.

Trong đó, đối với phương án đối phó khi có bão khẩn cấp, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tổ chức trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ứng phó tại chỗ với lực lượng chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí cán bộ trực tiếp đến các địa bàn xung yếu cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo công tác ứng phó, đồng thời triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống bão và tìm kiếm cứu nạn, hộ đê, cứu hộ của các xã, thị trấn.

Bố Trạch cũng xây dựng phương án phối hợp với lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, lực lượng chi viện, hỗ trợ từ cấp trên và huy động lực lượng tại chỗ tổ chức đưa nhân dân ở các khu vực xung yếu sơ tán và quản lý chặt chẽ nhân dân tạm cư trong suốt quá trình tránh bão. Các đơn vị tiếp nhận sơ tán thành lập các ban tiếp nhận để sắp xếp, bố trí nơi ăn, ở và chăm sóc sức khỏe cho người sơ tán và phải được hoàn thành trước 12 tiếng so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn.

Đối với UBND 4 xã miền biển Nhân Trạch, Đức Trạch, Thanh Trạch và Hải Trạch, huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Lý Hòa, Hải đội II để kiểm soát chặt chẽ, nắm chắc tình hình tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển, kiểm soát không cho tàu thuyền ra khơi; tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, bãi bồi ven biển khi có bão đổ bộ.

Các xã, thị trấn kiên quyết không để dân ở lại các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản và trên các tàu thuyền tại nơi neo đậu. Nếu có trường hợp không chấp hành thì chỉ đạo áp dụng biện pháp cưỡng chế “nhân đạo”.

Bố Trạch tập trung tu sửa các công trình điện trước mùa mưa bão.
Bố Trạch tập trung tu sửa các công trình điện trước mùa mưa bão.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Vũ, bên cạnh một số công trình kè, đập phòng chống bão lũ chưa hoàn thành do còn thiếu kinh phí đầu tư xây dựng, vẫn còn có tình trạng cấp ủy, chính quyền một số địa phương trên địa bàn thiếu kiên quyết trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, nhất là việc di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm và thực hiện việc chốt chặn tại một số điểm có nguy cơ mất an toàn cao. Một số người dân trong huyện vẫn còn có biểu hiện chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai...

Vì vậy, huyện tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai của chính quyền và cộng đồng dân cư; trong đó, xác định, công tác phòng, chống thiên tai phải dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở và các phương án phòng ngừa là chính.

Huyện cũng chú trọng công tác dự báo kịp thời, chính xác, cụ thể và thông tin đầy đủ đến các cơ quan chức năng và người dân, tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành và ứng phó phù hợp; đồng thời, ưu tiên trang bị các thiết bị tiện dụng để phát huy hiệu quả, như: điện thoại, loa cầm tay, xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở và giao nhiệm vụ cụ thể trong việc truyền tin cảnh báo thiên tai ở thôn, xã.

Đặc biệt, công tác thông tin truyền thông trong phòng chống thiên tai cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời để người dân nắm bắt được diễn biến thiên tai; các cấp chính quyền từ đó có phương án ứng phó nhanh chóng, phù hợp với các tình huống, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn địa bàn huyện.

Hương Trà