.

Người Nguồn ân nghĩa…

.
08:15, Thứ Hai, 22/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, người Nguồn Minh Hóa không chỉ gửi vào mặt trận những người con ưu tú nhất của quê hương mà còn làm tốt công tác hậu phương, chia ngọt sẻ bùi với bộ đội, thanh niên xung phong trên những cung đường ác liệt đi qua địa bàn. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu đào của các anh hùng liệt sỹ vẫn luôn thắm đỏ, cũng như nghĩa tình của người Nguồn chẳng thể nhạt phai…

Vọng tiếng đâm pồi nuôi quân

Minh Hóa là nơi cư trú của nhiều tộc người anh em, như: người Rục, Mày, Khùa, Sách, nhưng đông nhất là người Nguồn. Người Nguồn là một nhóm người có lẽ chỉ có ở Minh Hóa, Quảng Bình. Bởi lẽ, họ có văn hóa riêng, có tiếng nói riêng nhưng không có chữ viết và cho đến nay vẫn là danh xưng tự nhận, chưa được xem là một dân tộc riêng biệt…

Những bậc cao niên ở Minh Hóa kể rằng, ngày xưa người Nguồn nghèo lắm. Nghèo nên khác với người miền xuôi, thức ăn hàng ngày mà họ dùng không phải là cơm mà là pồi. Chất liệu chính của pồi là bột ngô và củ sắn được nạo nhuyễn rồi đem hong. Những lúc mất mùa, những năm bom đạn phá hết nương rẫy thì pồi chỉ là thứ bột hỗn hợp giữa củ sắn, củ mài trên rừng…

Đói khổ là thế, nhưng trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, người Nguồn vẫn chia từng nắm pồi cho bộ đội, chia từng thìa bột ngô cho thương binh chữa bệnh. Đêm đêm, tiếng “thùm... thụp” đâm (giã) pồi vang vọng khắp các bản làng, để đến sáng mai ra, từng nắm pồi nóng hổi, thơm bùi được các mẹ, các chị gói gém cẩn thận, trao cho bộ đội trước giờ hành quân vào chiến trường…

Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, người Nguồn Minh Hóa bây giờ không còn dùng pồi để ăn hàng ngày. Bữa ăn bây giờ là cơm trắng nhưng trong nhiều bản làng, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe tiếng “thùm... thụp” đâm pồi của thiếu nữ người Nguồn. Món pồi bây giờ người Nguồn Minh Hóa chỉ dùng trong những dịp tết, lễ hội... như để nhớ một thời đói khổ nhưng ân nghĩa, hào hùng…

Đi khắp các bản làng, thôn, xóm ở Minh Hóa mới biết mảnh đất này đã gắn liền với nhiều chứng tích của những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, đặc biệt là những di tích trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Đó là đèo Đá Đẽo, là ngầm Rin, là ngã ba Khe Ve, là Khe Thui, là đồi Chạ Quang, là Bãi Dinh…; nơi một thời “cả nước” đã đi qua để vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày ấy, chiến tranh ác liệt, tất cả mọi thứ đều ưu tiên cho chiến trường. Nhiều người Nguồn ở Minh Hóa không chỉ chia sẻ lương thực, nấu pồi cho bộ đội, họ còn biết lấy cây rừng làm thuốc cứu thương cho bộ đội trong điều kiện thiếu thốn thuốc men…

Các nghĩa trang liệt sỹ và nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên địa bàn huyện Minh Hóa thường xuyên được vệ sinh, tôn tạo sạch đẹp.
Các nghĩa trang liệt sỹ và nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên địa bàn huyện Minh Hóa thường xuyên được vệ sinh, tôn tạo sạch đẹp.

Nằm lặng lẽ dưới tán cây già ở thôn Yên Hòa, xã Hóa Tiến (Minh Hóa) là căn nhà của mẹ Đinh Thị Điền, một người mẹ người Nguồn năm nay đã gần 100 tuổi. Căn nhà này từng là nơi dừng chân của nhiều đoàn quân trên đường vào Nam, là nơi nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nhiều thương bệnh binh trên các trận địa ác liệt của của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngày ấy, mẹ Điền nghèo lắm nhưng mẹ vẫn chia từng nắm pồi, củ sắn cho bô đội. Mẹ nhớ lại: “Hồi trước nhà tui có đến ba cái bếp, lúc nào cũng đỏ lửa để nấu cơm, đâm pồi cho bộ đội ăn. Bom đạn ngày đêm không dứt nên bộ đội bị thương, bị rắn cắn về nằm la liệt trước sân.

Tui phải vô rừng lấy thuốc nam về chữa cho họ, vừa lành là họ lại đi. Tui không nhớ đã có bao nhiêu chú bộ đội đã ở lại nhà tui trước lúc vô chiến trường. Có chú bị thương còn quay về được nhưng có chú thì hy sinh mãi mãi không còn trở về được nữa. Thương vô cùng!”…

Tháng 7 nghĩa tình

Đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đã có hàng nghìn người con ưu tú của người Nguồn Minh Hóa anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường. Toàn huyện Minh Hóa hiện có 9.011 đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, trong đó có 549 liệt sỹ; 803 thương binh, bệnh binh; 26 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay có 3 mẹ còn sống); 1 Anh hùng LLVT, 1 Anh hùng Lao động trong kháng chiến…

Tháng 7 lại về, tháng cao điểm của những hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” mà thế hệ trẻ Minh Hóa hôm nay hướng đến những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Tháng 7, tháng của những tấm lòng, những nghĩa tình sâu nặng để bù đắp nỗi đau chiến tranh trên mảnh đất Minh Hóa còn nhiều khó khăn nhưng luôn anh dũng, nghĩa tình.

Những ngày tháng 7 này, tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Minh Hóa và các bia di tích lịch sử trên địa bàn, có rất nhiều người đến viếng thăm, đặt hương hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ. Nhiều nhất vẫn là những chiếc áo xanh trẻ trung. Các bạn đoàn viên, thanh niên cùng nhau dọn dẹp mộ phần các liệt sỹ, vệ sinh khu vực nghĩa trang, khu di tích lịch sử.

Anh Đinh Kiên Cường, Bí thư Huyện đoàn Minh Hóa cho biết, hàng năm, cứ dịp tháng 7, đoàn viên thanh niên trong toàn huyện tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đặc biệt, vào tối 27-7, khoảng 500 đoàn viên, thanh niên trong toàn huyện sẽ đồng loạt tổ chức thắp nến tri ân ở tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn huyện.

“Thắp nến tri ân là một trong các hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của tuổi trẻ Minh Hóa đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những ngọn nến lung linh sẽ bừng sáng trong đêm, tượng trưng cho lòng biết ơn của thế hệ hôm nay gửi đến bậc cha anh đã ngã xuống vì đất nước.

Qua đó, chúng tôi muốn nâng cao trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong phong trào toàn dân chăm sóc người có công, góp phần cùng các cấp, ngành chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khẳng định trách nhiệm của tuổi trẻ Minh Hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”, anh Cường chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa cho biết, những năm qua, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, Đảng bộ và chính quyền huyện Minh Hóa đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đề ra nhiều biện pháp để làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đối với gia đình chính sách, người có công đã trở thành nét đẹp văn hóa của cán bộ và nhân dân, các tổ chức đoàn thể, xã hội trên địa bàn. Huyện Minh Hóa đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, đồng thời làm tốt phong trào xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" để tạo ra nhiều nguồn lực giúp huyện chăm lo cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

“Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, như: chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng do Huyện đoàn đảm nhiệm, hay phong trào giúp gia đình liệt sỹ và thương bệnh binh vay vốn sản xuất của Hội Cựu chiến binh huyện… không chỉ giúp các gia đình chính sách, người có công với cách mạng vươn lên xóa đói giảm nghèo có cuộc sống no đủ mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay”, bà Hà cho biết thêm.

Phan Phương

,