.

Nắng nóng, hạn hán ở miền Trung kéo dài đến bao giờ?

.
10:43, Chủ Nhật, 28/07/2019 (GMT+7)
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, tình hình nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Trung còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
 
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: “Hiện nay, ở khu vực Trung Bộ do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống thấp nhất lịch sử, mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ. Tập trung chính tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên”.
Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Trung còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng và nhất là tại Quảng Nam đã xuất hiện độ mặn cao nhất kể từ khi có số liệu quan trắc đến nay (năm 2005).
 
“Nguyên nhân chính là do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống thấp nhất lịch sử, mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết. Trong thời gian qua, các đợt mưa ở Trung Bộ thường ngắn và không lớn. Lượng mưa từ tháng 1-6/2019 ở Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng từ 20-90%. Lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 35-60%, một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên),...”, ông Vũ Đức Long cho hay.
 
Ông Vũ Đức Long thông tin: “Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc. Mực nước nhiều hồ chứa thủy điện ở Trung Bộ xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ 15-20m như hồ A Vương (Quảng Nam), hồ Đăk Drinh, hồ Nước Trong (Quảng Ngãi); hồ Cửa Đạt, Hủa Na (Thanh Hóa), Bản Vẽ (Nghệ An), Bình Điền (Thừa Thiên Huế), Ka Năk (Gia Lai). Đặc biệt, một số hồ đã xuống dưới mực nước chết như Trung Sơn (Thanh Hóa), Sông Tranh 2, Sông Bung 4A (Quảng Nam), Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom (Bình Định)”.
 
Theo ông Vũ Đức Long, dự báo, hiện tượng ElNino yếu duy trì từ nay đến khoảng tháng 11-2019 với xác suất khoảng 50-55%, sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ tháng 12-2019.
 
Dưới tác động của El Nino, nhiệt độ trong các tháng tiếp theo của năm 2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,00C. Từ nay đến tháng 8/2019, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, vùng núi phía Tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.Tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ trong tháng 8-9/2019 phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-30%; các tháng khác phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-25%.
 
Lượng mưa tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 40-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.
 
Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tập trung tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc và có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 đầu tháng 82019.
 
Đầu năm 2019, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã nhận định: “Do ảnh hưởng của Elnino, nền nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa thiếu hụt nhiều so với TBNN. Số lượng cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam ít hơn TBNN. Lượng dòng chảy năm ở các sông thuộc Trung Bộ suy giảm, ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN. Do đó trong năm nay thì tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trở nên gay gắt hơn. Bản tin dự báo hạn hán và xâm nhập mặn cho khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ định kỳ phát hành 10 ngày/bản tin. Các thông tin dự báo, cảnh báo hạn hán được gửi tới các cơ quan theo quy định, để kịp thời chỉ đạo ứng phó, phòng chống. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn về tình hình hạn hán phục vụ cộng đồng”./.
 
Theo Nguyễn Ngân/VOV.VN
 
,