.

Lệ Thủy: Sẵn sàng ứng phó với "giặc lửa"

.
08:30, Thứ Tư, 10/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Mùa khô năm nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy nắng nóng gay gắt hơn các năm trước, nên nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn. Trước tình hình trên, các lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên toàn huyện đang căng mình phòng chống “giặc lửa”.

Theo số liệu kiểm kê, huyện Lệ Thủy có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 120.488 ha, trong đó, hơn 100.797 ha do các đơn vị, cộng đồng và người dân quản lý. Đây là địa bàn có địa hình hết sức phức tạp, nhiều khe suối và các dãy núi đá vôi chia cắt.

Vào mùa khô, Lệ Thủy thường xuất hiện gió Lào, lượng mưa thấp nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Năm 2018, huyện đã triển khai hiệu quả công tác PCCCR nên không xảy ra vụ cháy rừng nào, chỉ có vài điểm phát lửa nhỏ nhưng đã được phát hiện và nhanh chóng dập tắt.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong tháng 5 và những ngày tháng 6 vừa qua, những đợt nắng nóng gay gắt kết hợp với gió Lào khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Lệ Thủy đang tuyên truyền cho người dân vùng biển về công tác PCCCR
Lực lượng Kiểm lâm huyện Lệ Thủy đang tuyên truyền cho người dân vùng biển về công tác PCCCR.

Trên địa bàn có 3 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao gồm: vùng Quốc lộ 1A và các xã ven biển; vùng phía trước gồm các xã Mỹ Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy và Thái Thủy; vùng Quốc lộ 9C và đường 15 gồm các xã Kim Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy, Sơn Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chủ rừng và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR.

Đồng thời, huyện kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác BVR và PCCCR cấp huyện. UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và Ban quản lý rừng phòng hộ thành lập BCH các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR cấp cơ sở nhằm thực hiện công tác tuyên truyền, sẵn sàng đối phó khi có “giặc lửa”.

Với phương châm "phòng là chính", UBND huyện đã chỉ đạo các cơ sở, chủ rừng đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú. Đồng thời, huyện triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong phòng chống cháy rừng, như: tu sửa các công trình phòng cháy, dọn thực bì và các vật liệu dễ cháy ra khỏi rừng; dự báo, cảnh báo thường xuyên về nguy cơ cháy rừng, quản lý nguồn lửa ở những khu vực dễ xảy ra cháy, nhất là trong những ngày nắng nóng vừa qua. Hiện các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng…đã bố trí lực lượng, phương tiện túc trực tại những nơi có nguy cơ cháy rừng xảy ra để sẵn sàng đối phó.

Xã Cam Thủy có trên 672 ha diện tích rừng và đất rừng. Rừng ở đây chủ yếu là phi lao, tràm nằm ở giữa các khu dân cư. Tuy không có giá trị kinh tế cao, nhưng rừng ở Cam Thủy có giá trị rất lớn trong việc ngăn chặn tình trạng cát bay, giữ nguồn nước ngầm. Hàng ngày, lượng người qua lại khu vực rừng rất lớn.

Do đó, việc kiểm soát người ra vào rừng gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, rừng trên địa bàn xã đều có cây thấp, phân cành sớm, thực bì và cỏ rười kết hợp với cành khô lá rụng tạo thành lớp vật liệu cháy rất dày nên không thể áp dụng biện pháp vệ sinh rừng bằng phương pháp đốt trước. Các hồ nước, khe suối trong rừng vào mùa khô cũng cạn kiệt nên rất dễ xảy ra cháy.

Ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết: “Để đối phó với “giặc lửa”, xã đã thành lập ban chỉ đạo PCCCR cấp xã và các tổ cấp thôn với sự tham gia của nhiều lực lượng.

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, lực lượng PCCCR cùng các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát rừng thường xuyên, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, xã sẽ huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn sử dụng các phương tiện sẵn có để chữa cháy”.

Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ), khi xảy ra cháy rừng, huyện Lệ Thủy sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Với phương châm này, Trưởng ban chỉ đạo cấp xã, chủ rừng chịu trách nhiệm huy động lực lượng và trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy, báo cáo lên cấp trên để có biện pháp ứng cứu. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng sẽ huy động dân quân cơ động, công an xã, tổ, đội xung kích PCCCR.

Các lực lượng này sẽ sử dụng các thiết bị sẵn có, như: cuốc, xẻng, rựa, xe cơ giới, can đựng nước để chữa cháy trước tiên. Công tác hậu cần, như: lương thực, thuốc men, nước uống phục vụ cho công tác chữa cháy cũng đã được các địa phương trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ nhằm phục vụ cho công tác chữa cháy rừng. 

Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy cho biết: “Hiện chúng tôi đang triển khai lực lượng đồng đều trên toàn huyện, trong đó, tập trung vào những khu vực xung yếu có thể xảy ra cháy rừng. Hàng ngày, các lực lượng đều trực trên chốt để canh lửa, tuyên truyền, nhắc nhở người dân phải hết sức cẩn thận việc sử dụng lửa khi vào rừng.

Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành và quần chúng nhân dân để sẵn sàng đối phó khi xảy ra cháy rừng. Chúng tôi luôn xác định rõ tầm quan trọng của công tác PCCCR nên tuyệt đối không chủ quan lơ là, nhất là trong mùa khô này nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra”.

Xuân Vương

,