.

Những tấm gương "sống xanh"

.
10:07, Chủ Nhật, 02/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thuận Đức được xem là xã “vùng sâu vùng xa” của thành phố Đồng Hới với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng giữa bộn bề khó khăn chung ấy, về Thuận Đức hôm nay, chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh và việc làm đầy ý nghĩa của người dân nơi đây nhằm hướng tới mục tiêu “sống xanh”.
 
Như bao chợ quê khác, chợ Thuận Đức họp sớm, tan sớm với sản phẩm mua bán chủ yếu là của bà con quanh vùng. Nhưng chợ Thuận Đức có một nét đặc biệt riêng, đó là sự xuất hiện khá phổ biến của những chiếc làn nhựa và túi nội trợ.
 
Một hình ảnh rất quen thuộc là các mẹ, các chị nếu đi xe đạp thì bỏ làn nhựa trong giỏ xe, đi bộ thì tung tẩy xách làn. Trong làn nhựa hoặc túi nội trợ là các loại lá chuối, lá dong, lá môn hoặc lá vả. Thức ăn được gói trong các loại lá và để gọn gàng trong làn hoặc giỏ.
 
Có mặt tại quầy thịt lợn, chúng tôi gặp chị Trần Thị Xuyến (SN 1985) đang dắt theo con nhỏ cùng đi chợ. Chị Xuyến mang làn và một xấp lá chuối để đựng đồ ăn. Các món đồ tươi sống như thịt, cá được chị gói gọn gàng trong lá chuối, tiếp theo là các loại rau củ. Chị Xuyến cho biết, chị là công nhân Công ty May 10, thường vào cuối tuần chị mới có thời gian đi chợ. 
Bà Lê Thị Hới chuẩn bị lá dong trước khi đi chợ.
Bà Lê Thị Hới chuẩn bị lá dong trước khi đi chợ.
Khoảng ba, bốn tháng nay, mẹ chồng chị là bà Trần Thị Huy, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Thuận Ninh, tuyên truyền cho cả nhà về tác hại của túi nilon và rác thải nhựa. Sau khi sắm làn nhựa, mọi người có sáng kiến dùng các loại lá cây trong vườn nhà để đựng đồ ăn thay vì túi nilon như trước.
 
“Tôi cũng nghe về tác hại của ô nhiễm môi trường và các cách thức bảo vệ môi trường. Tôi thấy không dùng túi nilon là một cách đơn giản, dễ thực hiện mà ai cũng có thể làm. Từ đó, các thành viên gia đình tôi mỗi khi đi chợ đều cùng nhau thực hiện!”, chị Xuyến chia sẻ.
 
Nhắc đến những tấm gương “sống xanh”, nhiều người dân xã Thuận Đức đều biết bà Lê Thị Hới (sinh năm 1952). Bà Hới chia sẻ, nhiều năm trước, từ những kiến thức được xem qua tivi, gia đình bà đã hạn chế việc sử dụng túi nilon. Trong hai năm gần đây, bà đã tuyệt đối không dùng túi nilon. “Sức khoẻ tôi không bảo đảm nên ít khi đi chợ mà chủ yếu mua thức ăn ở các quầy hàng gần nhà. Trước khi đi, tôi mang theo lá dong, lá chuối để đựng đồ ăn.
 
Tôi cũng để sẵn thùng rác gần nhà để nhắc nhở mọi người, nhất là các cháu nhỏ tự giác thu gom rác thải cho vào thùng. Đa số các cháu đều nghe lời nhưng cũng có cháu không làm theo, tôi vẫn kiên trì nhắc nhở. Ông nhà tôi thỉnh thoảng đi đâu đó lỡ mang về chiếc túi nilon thì tôi giặt sạch, xếp lại gọn gàng để dùng lại hoặc gửi ra cho Chi hội Phụ nữ tiểu thương để chị em sử dụng. Hạn chế túi nilon vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ, vừa tiết kiệm chi phí vì đỡ tiền mua túi nên tôi nghĩ tất cả mọi người đều nên làm!”, bà Hới cho biết.
 
Cũng như bà Hới, bà Hoàng Thị Sửu (SN 1949), người có gần 30 năm là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tiểu thương, vẫn miệt mài tuyên truyền, động viên người dân địa phương nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng hạn chế rác thải nhựa. Làn nhựa và túi nội trợ là vật dụng theo bà đi khắp nơi.

Bà Sửu cho biết: “Đi chợ mua đồ ăn thì tôi dùng làn nhựa và các loại lá, mua các vật dụng khác thì dùng túi nội trợ. Mỗi ngày tính ra cũng tiết kiệm được hàng chục chiếc túi. Nay tôi già rồi, dù đã nghỉ việc của chi hội, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng làm tốt việc của mình và tuyên truyền cho chị em hội viên cùng thực hiện".

Nhiều chị em phụ nữ ở Thuận Đức dùng lá chuối, lá dong gói thực phẩm khi đi chợ.
Nhiều chị em phụ nữ ở Thuận Đức dùng lá chuối, lá dong gói thực phẩm khi đi chợ.

Tiếp nối sự nhiệt tình của bà Hới, chị Đặng Thị Hoa (SN 1961) được bầu là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tiểu thương. Chị Hoa cũng chính là đầu mối thu gom túi nilon đã qua sử dụng để phát lại cho các chị trong chi hội tại chợ Thuận Đức.

“Túi nilon đã sử dụng đều được chị em giặt sạch và mang ra chợ nộp cho tôi. Chị em tiểu thương cần túi sẽ đến chỗ tôi nhận. Vì không thể triệt để nói không với túi nilon nên tôi nghĩ đây cũng là một cách để hạn chế. Mỗi ngày bán hàng ở đây, thấy chị em dùng làn nhựa, lá cây để gói đồ ăn, tôi rất vui và tự nhủ mình sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa!”, chị Hoa chia sẻ.

Còn nhiều nữa những cái tên của hội viên phụ nữ xã Thuận Đức đang tích cực “sống xanh” như: chị Hường (thôn Thuận Phong), chị Hương (thôn Thuận Phước), bà Thoa (thôn Thuận Ninh)…
 
Giữa sự “tấn công” ồ ạt và chiếm ưu thế lớn của các loại túi nilon, mà hậu quả là rác thải nhựa ngày càng phổ biến, người dân xã Thuận Đức, đặc biệt là các hội viên phụ nữ xã đã nêu gương sáng khi thực hiện phong trào "Nói không với bao nilon và rác thải nhựa".
 
Chị Bùi Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Đức cho biết: "Để gây dựng được phong trào “sống xanh”, sau khi được sự hỗ trợ của Hội LHPN thành phố và CLB Tote-Life của các em học sinh trong công tác tuyên truyền, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho các chị em cốt cán và triển khai sâu rộng trong các chi hội.
 
Tiếp đó, mỗi chi hội lựa chọn các hội viên nòng cốt để thực hiện. Bản thân tôi cũng thực hiện triệt để việc hạn chế rác thải nhựa và túi nilon bằng cách mang làn nhựa hoặc túi vải đi chợ cùng các loại lá cây gói thức ăn.
 
Thoạt đầu, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên, thậm chí cười không tin, nhưng dần dà, mọi người cũng hiểu và hưởng ứng. Nay thì người dân xã tôi đã quen với hình ảnh này. Có những chi hội đã xây dựng được đội nòng cốt như Chi hội Phụ nữ Thuận Phong với 13 thành viên, họ là những người gần như tuyệt đối không dùng túi nilon. Chúng tôi sẽ cố gắng vận động chị em theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để cùng nhau bảo vệ môi trường!”.
 
"Nói không với rác thải nhựa và túi nilon" là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội LHPN thành phố Đồng Hới. Trao đổi về những kết quả của Hội LHPN xã Thuận Đức, chị Mai Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN thành phố khẳng định: "Đây là một trong những chi hội vận dụng và thực hiện hiệu quả, sáng tạo hoạt động bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình này để cùng chung tay bảo vệ môi trường!".
 
Ngọc Mai
,