.

Minh Hóa: Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

.
08:18, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở huyện Minh Hóa đã thường xuyên cảnh báo, có nhiều biện pháp phòng tránh nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn diễn ra, gây nên những cái chết thương tâm. Những vụ đuối nước xảy ra dồn dập trong thời gian ngắn gần đây một lần nữa dấy lên hồi chuông về nhu cầu bức thiết trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em.
 
Những vụ đuối nước đau lòng
 
Người dân huyện Minh Hóa chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước cái chết thương tâm vì đuối nước cùng một lúc của 2 em nhỏ là Hồ Thị A. T (9 tuổi) và Hồ Thị K.Y (7 tuổi) cùng trú bản La Trọng (xã Trọng Hóa) vào ngày 23-5-2019, thì chưa đầy 1 tuần sau lại nhận được hung tin 3 em học sinh nữ ở xã Tân Hóa bị đuối nước tử vong trong lúc đi bắt cua.
 
Thông tin từ chính quyền xã Tân Hóa cho biết, chiều 28-5-2019, 3 em học sinh gồm: Đinh Thị Hồng T. (SN 2006, học sinh lớp 7), Trần Thị H. và Trương Thị H. (cùng SN 2009, học sinh lớp 4) cùng trú ở thôn 5, xã Tân Hóa rủ nhau đi bắt cua đá.

Thấy trời đã tối mà các em vẫn chưa về nên gia đình nhờ người cùng đi tìm. Đến 4 giờ sáng 29-5, mọi người mới phát hiện thi thể các em ở khe Hói Bụt, một nhánh của sông Rào Nan, trên địa bàn thôn 5, xã Tân Hóa.

Theo người dân địa phương, con sông Rào Nan đoạn từ xã Trung Hóa chảy qua xã Minh Hóa về xã Tân Hóa chỉ khoảng 20km nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND các xã, trên đoạn sông này, từ năm 2014 đến nay đã có gần 20 trường hợp bị đuối nước thương tâm, trong đó nạn nhân phần lớn là trẻ em. Cũng mới đây, ngày 11-4-2019, con sông Rào Nan đã cướp đi sinh mạng của cháu Cao Bảo L. (SN 2009) tại thôn 1 Kim Bảng, xã Minh Hóa…

Tổ chức dạy bơi cho trẻ để phòng, tránh tai nạn đuối nước.
Tổ chức dạy bơi cho trẻ để phòng, tránh tai nạn đuối nước.
Trẻ thiếu kỹ năng, sân chơi và thiếu sự giám sát…
 
Từ những tai nạn thương tâm nói trên, có thể nhận thấy, tai nạn đuối nước ở trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện Minh Hóa là do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là trẻ em không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước. Ngoài ra, do địa bàn của huyện Minh Hóa nhiều sông, hồ, khe, suối; trẻ em thường đi tắm hoặc đi bắt cua, cá mà thiếu sự giám sát của người lớn.
 
Những ngày mùa hè này, đến những con sông, khe suối trên địa bàn huyện Minh Hóa như: sông Rào Nan, sông Gianh, đặc biệt là ở các xã Dân Hóa và Trọng Hóa…, không khó để chứng kiến hình ảnh những tốp trẻ em tự do vui đùa, ngụp lặn dưới sông mà tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của người lớn đâu cả.
 
Tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Trong khi ở TP. Đồng Hới và các huyện đồng bằng, khi mùa hè đến có khá nhiều lớp học năng khiếu, thể thao... được tổ chức, cũng như có nhiều khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí; thì ở huyện miền núi Minh Hóa, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em rất thiệt thòi khi thiếu sân chơi. Những sân chơi từ việc đầu tư xã hội hóa gần như không có. Chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở các xã, xóm, thôn bản không có sự đổi mới.
 
Thậm chí rất nhiều nơi không thể tổ chức được sân chơi cho trẻ dịp hè khi lực lượng đoàn viên ở địa phương đi làm ăn xa... Vậy nên, câu chuyện trẻ em ở Minh Hóa biến những ao hồ, khe suối thành “bể bơi”,  sân chơi trong những ngày hè là điều dễ hiểu. Và chỉ một phút lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là thủy thần sẽ cướp đi sinh mạng của các em ngay.
 
Trước thực trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra liên tục, trong những năm qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở Minh Hóa đã coi trọng công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em và xem đây là vấn đề cấp bách, cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo tai nạn đuối nước, việc tổ chức dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước đã được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở huyện Minh Hóa thực hiện.
 
Ông Cao Hữu Cường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Minh Hóa cho biết, năm 2018, huyện đã đầu tư và bàn giao cho trung tâm quản một bể bơi tổng hợp trị giá hơn 3 tỷ đồng. “Năm qua, chúng tôi đã tổ chức tuyển sinh và dạy bơi cho hàng trăm trẻ em trên địa bàn. Hiện, chúng tôi vẫn đang tổ chức dạy bơi tại đây và chuẩn bị phối hợp với Công ty Oxalis mở lớp dạy bơi miễn phí cho các em học sinh ở xã Tân Hóa”, ông Cường chia sẻ.
 
Tuy nhiên vẫn phải nói rằng, việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em vẫn chưa phổ quát, mới chỉ tổ chức ở trung tâm thị trấn Quy Đạt và chưa thường xuyên liên tục... Vậy nên, số trẻ trên địa bàn huyện biết bơi và có kỹ năng an toàn dưới nước chưa nhiều.
 
Trước đó, dự án Swim for life thuộc tổ chức Golden West Quảng Bình phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Minh Hóa tổ chức truyền thông kiến thức phòng, chống tai nạn đuối nước tại 5 trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh.
 
Tại buổi truyền thông, các tuyên truyền viên đã nêu ra những nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em; đồng thời, hướng dẫn các cách xử lý và sơ cứu khi gặp tai nạn đuối nước, một số biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em… từ đó vận dụng vào thực tế để bảo đảm an toàn cho bản thân hoặc trợ giúp những trường hợp đuối nước và tai nạn thương tích...
 
Hiện đang là cao điểm những ngày nghỉ hè của trẻ em, địa bàn huyện Minh Hóa với chằng chịt ao hồ, khe suối nên nguy cơ xảy ra các vụ đuối nước là rất cao. Do đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình, nhắc nhở các em không đi tắm sông, suối khi không có sự giám sát của người lớn.
 
Chính quyền các địa phương cần khảo sát các nơi nguy hiểm để cắm biển cảnh báo người dân. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa việc trang bị cho trẻ những kỹ năng mềm, kỹ năng sống, những bước sơ cứu cần thiết khi gặp sự cố… để không còn xảy ra những vụ đuối nước thương tâm như vừa qua.
 

Các bước sơ cứu khi xảy ra đuối nước ở trẻ

Một, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
 
Hai, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
 
Ba, nếu trẻ bất tỉnh hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực của trẻ, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…
 
Bốn, lau khô người, thay quần áo và ủ ấm trẻ
 
Năm, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi, người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ.

Phan Phương

 

,