.

Việc làm cho phụ nữ nông thôn: Nhiều thách thức

.
08:37, Thứ Năm, 30/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Những năm qua, các cấp, ngành đã dành sự quan tâm tới lao động nữ, giúp chị em nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Nhưng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
 
Gắn giải quyết việc làm với đào tạo nghề
 
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Trung, ở thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng mất sớm, một mình chị làm lụng đủ nghề cũng không đủ nuôi con cái ăn học.
 
Năm 2015, biết được thông tin Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tổ chức dạy nghề làm nón lá cho đối tượng phụ nữ nghèo, cận nghèo, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
 
“Từ khi học được nghề làm nón lá, gia đình tôi cũng đỡ khó khăn hơn. Ngoài thời gian làm việc đồng áng, nuôi lợn, gà, tôi còn tranh thủ đan nón để kiếm thêm thu nhập. Bình quân mỗi tháng tôi kiếm thêm được từ 1-1,5 triệu đồng.”, chị Trung chia sẻ.
 
Không chỉ có chị Nguyễn Thị Trung mà rất nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tuyên Hóa được các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ đào tạo nghề, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Năm 2018, Hội LHPN huyện Tuyên Hóa phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện tổ chức 3 lớp dạy nghề làm chổi đót cho 92 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Rất nhiều chị em phụ nữ xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) thoát nghèo nhờ nghề đan lát.
Rất nhiều chị em phụ nữ xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) thoát nghèo nhờ nghề đan lát.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, Trưởng ban Kinh tế, Hội LHPN tỉnh cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc học nghề, việc làm đối với người lao động, đồng thời thấy được những chính sách ưu đãi của các đề án dành cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
 
Do đó, đã thu hút nhiều chị em tham gia các lớp đào tạo nghề, góp phần nâng cao năng lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em”.
 
Theo số liệu thống kê của Hội LHPN tỉnh, năm 2018, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp đào tạo cho 2.347 phụ nữ các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp thông qua các lớp như: làm chổi đót, chế biến món ăn, thêu trên nón, trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi lợn, gà hữu cơ, nghiệp vụ nhà hàng...
 
Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều chị em đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất, không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.
 
“Trước khi mở các lớp đào tạo nghề, các cấp Hội Phụ nữ đã tiến hành khảo sát, định hướng xây dựng ngành nghề đào tạo theo thực tế và nhu cầu của người học, tình hình phát triển ngành nghề của địa phương. Các cơ sở dạy nghề đã tư vấn nghề cho học viên khi đăng ký tham gia học nghề, tư vấn nghề kết hợp với tư vấn việc làm nhằm hỗ trợ tích cực để học viên có việc làm sau đào tạo.
 
Do kết hợp hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm với đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn nên sau các khóa đào tạo rất nhiều học viên đã tìm kiếm được việc làm, ổn định đời sống”, chị Hà cho hay.
 
Còn đó những khó khăn
 
Có thể nói, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn thời gian qua đã được các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện, tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận lao động nữ chưa xác định được nghề để học và làm, không xác định học để có nghề và làm nghề đã học; sự nhận biết về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm ở một bộ phận còn chưa đầy đủ. Vì vậy, số lượng chị em tham gia chưa nhiều, còn thờ ơ với việc học nghề. Một số chị em sau khi học nghề còn lúng túng, chưa biết lựa chọn hay áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
 
Chị Đinh Thị Ái Ninh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuyên Hóa cho biết: "Trên địa bàn huyện, số lượng phụ nữ nông thôn chưa có việc làm ổn định chiếm khoảng 28,5%.
 
Đa số chị em chủ yếu làm nông nghiệp và một số việc lao động chân tay khác. Khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ huyện Tuyên Hóa là thiếu kinh phí. Chị em có nhu cầu được đào tạo nghề thì nhiều nhưng kinh phí hỗ trợ đào tạo còn hạn hẹp nên số lượng lớp mở ra hàng năm còn ít.
 
Mặt khác, vấn đề tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho chị em sau học nghề còn nhiều khó khăn. Thu nhập thấp, sản phẩm bán không được dẫn đến tình trạng chị em phải bỏ nghề đã học để làm việc khác".
 
Nói về cái khó trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn trên địa bàn huyện Lệ Thủy, chị Lê Thị Trà Giang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lệ Thủy tâm sự: “Đa số hội viên phụ nữ tham gia học nghề đều đã có tuổi nên học nghề xong không phát huy được hết khả năng, không mạnh dạn tiếp xúc với cái mới, cái khó.
 
Các lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn trên địa bàn chủ yếu là tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Trong khi nhu cầu được đào tạo nghề mới của chị em phụ nữ là rất nhiều”.
 
Để công tác dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra thì bên cạnh việc dạy nghề, đào tạo lao động có tay nghề, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giải quyết việc làm, tạo “đầu ra” để lao động nữ có cơ hội phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định.
 
Cùng với đó, mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp thế mạnh riêng của lao động nữ; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc…
 
Lan Chi
 
,