.

Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh: Còn lắm khó khăn

.
10:47, Thứ Sáu, 12/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trên cơ sở Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020” của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh vào đầu năm 2013, nhưng phải đến giữa năm 2017 mới chính thức đi vào hoạt động. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm vẫn nỗ lực chăm sóc người bệnh ổn định sức khỏe để giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng...
 
Theo khảo sát và thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), toàn tỉnh có hơn 3.200 đối tượng bị tâm thần có nhu cầu được chăm sóc và phục hồi chức năng, trong đó, đối tượng tâm thần nặng khoảng trên 1.400 người.
 
Song do tỉnh ta không có cơ sở điều trị nên mỗi năm phải gửi ở tỉnh Thừa Thiên-Huế khoảng 100 bệnh nhân. Từ đó xảy ra tình trạng quá tải và tỉnh bạn đã đề nghị tỉnh Quảng Bình tiếp nhận về lại các đối tượng.
 
Trước nhu cầu này, tỉnh đã quyết định đầu tư dự án Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần (thuộc Sở LĐ-TB-XH) nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trên và thiết thực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Trung tâm có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng, lao động sản xuất cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống; tham mưu giúp Sở LĐ-TB-XH thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần trong tỉnh theo quy định của pháp luật.

Nhiều đơn vị, nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn với các đối tượng tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Nhiều đơn vị, nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn với các đối tượng tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần.

Đóng trên địa bàn tổ dân phố 14, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới), Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần có diện tích trên 5ha và quy mô tiếp nhận từ 150-300 người bệnh.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc trung tâm cho biết, đầu tháng 6 năm 2017, sau hơn 27 năm tái lập tỉnh, trung tâm tổ chức thực hiện đợt tiếp nhận 19 bệnh nhân tâm thần đầu tiên là người Quảng Bình đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế về chăm sóc và phục hồi chức năng. Trong đó, một số bệnh nhân là con của nạn nhân chất độc hóa học và đang hưởng chế độ chất độc hóa học.

“Có thể nói, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần không phải là việc ai cũng làm được. Thậm chí, công việc của cán bộ, y sỹ, điều dưỡng còn chứa đựng nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”.
 
Bởi vậy, chỉ có những con người chịu khó và nhẫn nại, coi những bệnh nhân nơi đây như người thân của mình, đặc biệt, phải đặt chữ tâm lên hàng đầu mới làm tốt công việc này. Chưa kể, đối với một đơn vị “non trẻ” với nhiều bộn bề, khó khăn như trung tâm thì đội ngũ cán bộ, nhân viên phải biết chia sẻ, nỗ lực mới hoàn thành nhiệm vụ được giao…”, ông Dũng cho biết thêm.
 
Với người bình thường, việc chăm sóc, quản lý đã khó, với bệnh nhân tâm thần, việc chăm sóc, quản lý còn khó khăn, vất vả gấp nhiều lần. Đặc thù của hầu hết người bệnh tâm thần là không còn khả năng tự phục vụ được bản thân trong các sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, một số bệnh nhân lại lên cơn kích động đập phá, kêu la, có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và ảnh hưởng tới cả người chăm sóc. 
Trung tâm đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng cho các đối tượng thông qua các hoạt động thể thao, giải trí.
Trung tâm đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng cho các đối tượng thông qua các hoạt động thể thao, giải trí.
Do vậy, người chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi phải hiểu, quan sát thật kỹ, gần gũi với người bệnh để hiểu rõ tâm tính cũng như tâm lý của từng người để đưa ra phương án điều trị hiệu quả cho đối tượng.
 
Nhằm giúp các đối tượng được ổn định bệnh lý, bên cạnh duy trì uống thuốc đều đặn theo đúng phác đồ điều trị, trung tâm đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng thông qua giải pháp, như: lao động trị liệu, thể thao, giải trí, hướng dẫn các đối tượng tự vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở, bảo đảm môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng.
 
Công tác nuôi dưỡng bệnh nhân cũng được đơn vị chú trọng với mục tiêu VSATTP từ khâu lựa chọn lương thực, thực phẩm đến kỹ thuật chế biến, nấu nướng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo thể trạng và bệnh lý cho các đối tượng. 
 
Nhờ đó, sau 2 năm đi vào hoạt động, công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại trung tâm bước đầu đã đi vào nề nếp và đạt được kết quả khả quan. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 70 đối tượng bệnh nhân tâm thần từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế và ở cộng đồng về chăm sóc, nuôi dưỡng và đã có 2 đối tượng ổn định sức khỏe, trở về tái hòa nhập cộng đồng. 
 
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, kế hoạch trong quý II năm 2019, trung tâm sẽ tiếp tục tiếp nhận khoảng 150-200 đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, mặc dù đảm nhiệm công việc khó khăn, nặng nề nhưng hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh tại trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, còn nhiều thiếu thốn.
 
Hiện tại, trung tâm chỉ có 21 cán bộ, viên chức với đa số là nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội. Để đáp ứng được phần nào nhu cầu, nguyện vọng của các gia đình đối tượng trên địa bàn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương, các sở, ngành liên quan cần quan tâm bổ sung đội ngũ cán bộ, nhân viên để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng.
 
Mặt khác, quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần hầu hết là nuôi từ khi tiếp nhận cho đến lúc chết. Trong khi đó, ở trung tâm chỉ có đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội (Nhà nước bảo đảm kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng với chế độ trợ cấp tiền ăn, tiền sinh hoạt phí theo quy định 1.080.000 đồng/người/tháng và mai táng phí 5.400.000 đồng/người) nên còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc chăm lo chu đáo các đối tượng.
 
Vì vậy, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần rất cần sự chia sẻ của toàn xã hội để giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng…
 
Thùy Lâm
,