.

Nhân rộng mô hình thu gom và xử lý rác thải ở Ba Tâm

.
07:26, Thứ Sáu, 26/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ một khu dân cư (KDC) có thực trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, thôn Ba Tâm (xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa) nay đã có diện mạo nông thôn mới khang trang với các tuyến đường, nơi công cộng thông thoáng, sạch, đẹp, ý thức tự giác bảo vệ môi trường của mỗi người dân nơi đây đã có chuyển biến rõ nét.

Thôn Ba Tâm có dân cư sinh sống chủ yếu dọc hai bên bờ sông Gianh. Trên địa bàn thôn có đường Xuyên Á đi qua, địa hình bị chia cắt thành 4 khu vực bởi sông Gianh. Toàn thôn có 211 hộ, với 839 khẩu; trong đó, hộ nghèo chiếm 20,8%.

Những năm trước đây, do nhận thức về lĩnh vực môi trường còn nhiều hạn chế nên phần lớn bà con chăn nuôi theo hướng chuồng trại đều xả thải thẳng xuống sông, suối, ao, hồ và xả rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất nông nghiệp rất bừa bãi trên địa bàn thôn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Giải pháp nào để giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường ở KDC luôn là vấn đề nan giải đối với cấp ủy, chi bộ, lãnh đạo thôn Ba Tâm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thuận Hóa cho biết: “Nhận thấy thực trạng ô nhiễm môi trường không chỉ xảy ra ở thôn Ba Tâm mà còn ở nhiều thôn trên địa bàn xã, Ủy ban MTTQVN xã Thuận Hóa đã tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã ra nghị quyết, đồng thời đề xuất với lãnh đạo UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện mô hình điểm thu gom, xử lý rác thải tại KDC Ba Tâm.

Để triển khai mô hình, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN xã đã tổ chức cho cán bộ chủ chốt của xã và thôn Ba Tâm đi tham quan, học tập mô hình KDC kiểu mẫu tại thôn Nam Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí và vận động nhân dân thôn Ba Tâm đóng góp thêm 12 triệu đồng để tổ chức cho 110 người đại diện 110 hộ gia đình trong thôn đi thực tế tại thôn Nam Trà”.

Định kỳ mỗi tháng 2 lần, nhân dân xã Thuận Hóa ra quân tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh.
Định kỳ mỗi tháng 2 lần, nhân dân xã Thuận Hóa ra quân tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh.

Sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại thôn Nam Trà về, tháng 11-2017, thôn Ba Tâm đã tổ chức lễ ra quân tổng vệ sinh môi trường ở KDC. Trong thời gian 3 ngày, thôn đã huy động trên 350 ngày công, 3 máy xúc và 5 chiếc ô tô để vận chuyển toàn bộ rác thải trên các trục đường và các hộ gia đình đi xử lý; đồng thời, mở rộng hành lang các tuyến đường, khơi thông cống rãnh, vận động nhân dân di dời toàn bộ các công trình chuồng trại, vệ sinh gần trục đường và gần nhà ở ra xa nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tổng kinh phí cho đợt ra quân là 30 triệu đồng, được huy động từ đóng góp của nhân dân và các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn thôn.

Sau lễ ra quân thu gom, làm sạch rác thải trên địa bàn, thôn Ba Tâm đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự làm sạch, giữ vệ sinh từ trong nhà, ra vườn và trước ngõ. Ban vận động, các thành viên nhóm nòng cốt và các tổ tự quản thôn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở từng hộ gia đình. Nhờ đó, đã tạo được ý thức, thói quen làm vệ sinh và để rác đúng nơi quy định của mỗi người dân trong thôn.

Ông Trần Xuân Vịnh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Ba Tâm chia sẻ thêm: “Học hỏi mô hình tuyên truyền trực quan tại thôn Nam Trà, nhân dân thôn Ba Tâm đã đóng góp 3,2 triệu đồng để lắp đặt 25 biển panô, áp phích trên các trục đường để tuyên truyền về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự và văn hóa…

Các tổ chức, đoàn thể trong KDC đều đảm nhận các đoạn đường tự quản và có gắn biển, duy trì mỗi tháng 2 lần tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thôn đã huy động nhân dân đóng góp 18 triệu đồng để xây dựng công trình đường điện thắp sáng đường quê với chiều dài 2,5km.

Ban vận động, nhóm nòng cốt, các tổ tự quản thôn đã duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt mỗi tháng một lần để đánh giá công tác chỉ đạo thực hiện vệ sinh môi trường nhằm rút kinh nghiệm, củng cố, duy trì và ngày càng phát triển mô hình. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ, các tổ chức, đoàn thể cuối năm, xếp loại khu dân cư và gia đình văn hóa”.

Xác định việc nhân dân tự thu gom và xử lý rác thải bằng cách xử lý đốt tại các lò hoặc tự chôn lấp có hiệu quả không triệt để và không mang tính bền vững, thôn đã lấy ý kiến của nhân dân và được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao về giải pháp hợp đồng với Ban quản lý Môi trường đô thị huyện Tuyên Hóa để thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Từ đó đến nay, 100% hộ gia đình trong thôn đã tự nguyện đóng góp từ 15-20.000 đồng/tháng để chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở KDC. Trên địa bàn thôn còn được bố trí 30 thùng đựng rác thải đều khắp nhằm nâng cao ý thức đổ rác đúng nơi quy định cua người dân. 

“Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình điểm tại KDC Ba Tâm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã. Đến nay, 5/5 thôn trong toàn xã đã triển khai các bước thực hiện mô hình như thôn Ba Tâm và đi vào hoạt động nền nếp. Đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng ở các KDC đều thông thoáng, sạch, đẹp, khang trang.

Đặc biệt, nhân dân toàn xã đã tự nguyện đóng góp 10 triệu đồng/tháng để chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải”, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thuận Hóa Lê Hồng Phương cho hay.

Hiền Chi

,