.

Mẹ già hành khất kiếm tiền cứu con

.
15:01, Thứ Năm, 25/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Năm 2010, trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 100 năm nhấn chìm xã Hưng Trạch (Bố Trạch) cùng những khu dân cư sinh sống ven dòng sông Son. Tài sản, tính mạng nhân dân ngập trong lũ, nhiều gia đình bị kẹt chơi vơi giữa dòng lũ dữ. Dù nhà bị ngập sâu nhưng chàng trai Phạm Văn Thuận vẫn không quản hiểm nguy, hy sinh tài sản riêng cùng với 2 thanh niên khác cứu hộ thành công 8 giáo viên, học sinh mắc kẹt tại Trường tiểu học Hưng Trạch. Số phận “người hùng” Phạm Văn Thuận năm xưa bây giờ như thế nào?
 
Nước mắt người mẹ già
 
Mấy tháng nay, ở các quán cà phê trên địa bàn TP. Đồng Hới xuất hiện một người phụ nữ khắc khổ, già nua gia nhập đội quân “hành khất” cầm trên tay mấy tờ giấy A4 photo lại nội dung bài báo viết về con trai mình là Phạm Văn Thuận để đi xin tiền.
 
Phạm Văn Thuận chính là chàng trai cùng với 2 thanh niên khác ở cùng thôn Khương Hà 4 không quản hiểm nguy vượt dòng lũ dữ cứu sống 8 giáo viên và học sinh Trường tiểu học Hưng Trạch. Riêng bản thân Thuận trực tiếp đưa 4 người đến nơi an toàn.
Bài báo viết về số phận “người hùng” Phạm Văn Thuận được bà Vinh photo có xác nhận của chính quyền xã Hưng Trạch trở thành “bảo bối” để bà “hành khất” kiếm tiền thuốc thang cho con trai.
Bài báo viết về số phận “người hùng” Phạm Văn Thuận được bà Vinh photo có xác nhận của chính quyền xã Hưng Trạch trở thành “bảo bối” để bà “hành khất” kiếm tiền thuốc thang cho con trai.

Bà Ngô Thị Vinh, mẹ Thuận kể về gia cảnh hiện tại của người con trai độc nhất: “Tôi lấy chồng năm 17 tuổi, ở với ông ấy đúng 3 năm. Ngày con gái đầu tròn tuổi thì nhận hung tin ông ấy bị hổ vồ, tha mất xác khi đang đi rừng. Sau khi chồng mất, tôi mới biết mình mang thai Thuận 2 tháng.

Tuổi thơ Thuận kém may mắn so với bạn bè. Mồ côi cha khi chưa lọt lòng, nhà nghèo, phải bỏ học từ sớm, Thuận trở thành lao động chính trong gia đình. Năm 12 tuổi, nó không may bị ngã trên đường đi học về. Cú ngã mạnh khiến thằng bé bị dập lá lách, phải vào viện phẫu thuật để giữ lại mạng sống. Bác sỹ buộc phải cắt hết lá lách bị dập nát nên mọi người mới gọi nó là Thuận “lách". 

Năm 2012, Thuận lại gặp tai nạn khi bốc xếp gỗ thuê. Ôtô chất đầy gỗ bị lật bất ngờ đè lên 3 thanh niên đang làm việc khiến 2 người chết. Thuận may mắn thoát nạn nhưng bị gãy chân và xương vai. Năm 2016, trong khi xúc cát thuê, Thuận gặp mưa. Khi đang trú mưa bên bờ sông thì bị một đống cát lớn đổ ập lên người, không ai đến trợ giúp. Thuận tự cứu lấy mình, thoát khỏi đống cát nhưng lưng và hai chân bị tê liệt, mất dần cảm giác”.
 
Bà Vinh đưa con trai vào bệnh viện chữa trị, bác sỹ kết luận một đốt xương sống của Thuận bị gãy vỡ chèn ép tủy dẫn đến liệt hai chân hoàn toàn. Gia đình quá khó khăn, không có tiền chi trả viện phí và phẫu thuật nên bà Vinh đưa Thuận về nhà tự mình chăm sóc. Kể từ đó, “người hùng” Phạm Văn Thuận trở thành phế nhân, nằm bán thân bất toại. Mọi gánh nặng cơm áo, gạo tiền, chăm sóc, vệ sinh cá nhân… đều một tay mẹ già gánh vác.
 
Sau khi một số tờ báo viết về hoàn cảnh bi đát của Phạm Văn Thuận, thông qua mạng xã hội, những cá nhân hảo tâm gần xa quyên góp ủng hộ hai mẹ con bà Vinh hơn 80 triệu đồng. Ba năm trôi qua, lo ăn uống, thuốc thang cho Thuận mà số tiền đó đã cạn hết. Thương con, bước vào đường túng quẫn, bà Vinh đành cắn răng, photo bài báo viết về Thuận ra giấy A4, xin xác nhận của UBND xã Hưng Trạch rồi cầm trên tay… đi ăn xin.
 
Bà Ngô Thị Vinh chia sẻ trong nước mắt: “Chế độ tàn tật của Thuận được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng 540 nghìn đồng, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Thuốc điều trị cho con hơn 500 nghìn đồng/tháng kiếm đâu ra. Cứ mỗi lần hết thuốc, tui xuống đường Hồ Chí Minh xin nhờ xe buýt về TP. Đồng Hới lân lê khắp các hàng quán xin tiền. Xin đủ 500 nghìn đồng, tui ghé nhà thuốc Hùng Dục mua thuốc cho con rồi chờ xin xe buýt ngược lên nhà. Nhà chỉ hai mẹ con, bỏ Thuận đi lâu không đứt”.
 
Nghiệt ngã số phận con
 
Hơn ba năm nằm liệt giường, Phạm Văn Thuận trở thành đứa bé như ngày nào còn trong lòng mẹ. Thời gian bán thân bất toại làm cơ thể Thuận teo tóp đi, hai chân khô héo dần. Thuận bảo, bác sỹ kết luận đốt xương sống bị vỡ, tủy sống bị chèn, sống đến ngày hôm nay đã là kỳ tích.
 
Theo thời gian, hai chân Thuận bị hoại tử. Thương mẹ già nên phải ráng sống… Nằm lâu ngày, lưng lở loét cả ra, nơi đốt sống vỡ, tự nhiên hình thành một cái lỗ, đau đớn vô cùng.
 
“Năm xưa, liều mình trong lũ dữ cứu sống 4 mạng người, không suy nghĩ chi nhiều vì là trách nhiệm đối với xã hội. Bây giờ, mình nằm một chỗ, cảm giác hụt hẫng vô cùng. Thương mẹ già mà chẳng biết phải làm sao”-nhắc đến mẹ, nước mắt Thuận lặng lẽ trào ra.
Bà Vinh đang xin tiền tại một quán cà phê trên địa bàn TP. Đồng Hới.
Bà Vinh đang xin tiền tại một quán cà phê trên địa bàn TP. Đồng Hới.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch bùi ngùi khi nhắc đến câu chuyện bi đát của hai mẹ con bà Ngô Thị Vinh: “Chính quyền xã cũng cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ, cưu mang Phạm Văn Thuận, nhưng lực bất tòng tâm vì bệnh tình Thuận ngày càng trầm trọng. Gia cảnh bà Vinh thuộc hộ đặc biệt khó khăn trong xã.

Giá như thời điểm Thuận mới bị tai nạn có đủ tiền thuốc thang, phẫu thuật thì bây giờ “người hùng” Phạm Văn Thuận không lâm vào tình cảnh bi đát như bây giờ. Mong lắm các tấm lòng hảo tâm xa gần chung tay cứu lấy Thuận thêm một lần nữa”.

Mọi sự giúp đỡ mẹ con bà Vinh xin liên hệ theo địa chỉ: Bà Ngô Thị Vinh, thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Số điện thoại liên lạc: 0985.021.340.
Hồ An
,