.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Bám sát nhu cầu thực tiễn

.
09:31, Thứ Hai, 25/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, bằng nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KCXTTM), Sở Công thương, đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Trung tâm chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm.

Trước đây, hầu hết công nhân vào làm việc tại các đơn vị sản xuất đều là lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc tay nghề chưa thông thạo. Mỗi khi tuyển dụng công nhân, các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để tự đào tạo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm KCXTTM phối hợp với các địa phương rà soát, xác định nhu cầu lao động thực tế của các doanh nghiệp. Sau khi xác định được nhu cầu, Trung tâm KCXTTM đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động ngay tại địa phương.

Công ty CP May Domex-Đại Thành (xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) thu hút khoảng 420 lao động tại địa phương với mức lương trung bình từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm may chủ yếu của Công ty là áo sơ mi, quần âu, quần soóc...

Ông Trần Đình Thiên, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Công ty CP May Domex-Đại Thành chia sẻ: “Công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân là vấn đề Công ty chúng tôi đặc biệt quan tâm, bởi nó là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm của Công ty.

Vừa qua, Trung tâm KCXTTM phối hợp với Công ty đào tạo nguồn lao động là việc làm phù hợp và có ý nghĩa, giúp Công ty có được đội ngũ công nhân có tay nghề cao, giảm tối đa chi phí đào tạo lao động đầu vào và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”.

Các lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.
Các lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.

Năm 2018, Trung tâm KCXTTM tập trung hỗ trợ đào tạo nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ từ song, mây; đào tạo nghề may công nghiệp nhằm phục vụ trực tiếp việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Với số tiền hỗ trợ khoảng 630 triệu đồng, từ nguồn khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho hơn 400 lao động.

Riêng với các xí nghiệp may, Trung tâm đã mở 10 lớp học. Mỗi lớp học có 35 người tham gia, các học viên đều ở độ tuổi lao động, thời gian học 3 tháng. Tại lớp học, các học viên đã được nắm bắt những kiến thức cơ bản về máy may công nghiệp, thao tác thành thạo trên các loại máy may thông dụng, được truyền đạt các kỹ thuật may công nghiệp cũng như vận hành và xử lý các sự cố nhỏ trong quá trình lao động.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm KCXTTM cùng sự nỗ lực của các học viên, sau khi kết thúc khoá đào tạo, tất cả các học viên đều đủ điều kiện được cấp chứng chỉ nghề và được nhận vào làm việc tại các công ty may trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đào tạo mới và nâng cao tay nghề, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho nguồn lao động nông thôn tại địa phương; đồng thời, phần nào giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết các vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…”.

Để tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp, dự kiến, trong năm 2019, Trung tâm KCXTTM sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động làm việc tại các xí nghiệp may và hàng thủ công mỹ nghệ, với 4 lớp từ nguồn vốn khuyến công địa phương và 10 lớp từ nguồn vốn khuyến công quốc gia.

Cát Nhiên
 

,