.

Ký ức hào hùng của một thầy thuốc

.
09:43, Thứ Tư, 20/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Một ngày đầu xuân, như lời hẹn trước, tôi được gặp ông Mai Xuân Tấn (ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh). Trong ngôi nhà nhỏ khang trang nép mình bên dòng Nhật Lệ, bên chén rượu nồng ấm mời khách đầu năm, vị thầy thuốc gần 70 năm tuổi Đảng có dịp trải lòng về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tình yêu đã theo ông, nâng bước suốt chặng đường dài...
 
Những năm tháng không quên
 
Ông Mai Xuân Tấn, sinh năm 1930, quê thôn An Châu, xã Bình Thơi, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bước qua tuổi 90, ông Tấn vẫn còn khá minh mẫn. Trong từng câu chuyện kể, có lúc ông trầm ngâm với những chi tiết bị lãng quên, nhưng cơ duyên gắn bó, sinh tử trên mảnh đất Quảng Bình từ những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất cho đến nay thì ông không thể nào quên.
 
Ông chậm rãi lật giở ký ức: "Tôi mồ côi từ nhỏ. Lớn lên chứng kiến cảnh điêu tàn của chiến tranh, tôi bắt đầu giác ngộ rồi sớm tham gia cách mạng, hoạt động trong các tổ chức đoàn thể, du kích địa phương.

Năm 1949, vừa học nghề cứu thương, y tá, tôi vừa tham gia phục vụ trong chiến trường Quân khu 5. Sau mỗi lần cứu chữa được người bệnh, tôi càng say mê nghề, rồi tiếp tục học hỏi, tiếp tục cứu chữa người bệnh".

Ông Mai Xuân Tấn (bên trái)-đại diện các thế hệ cán bộ Bệnh viện B Lệ Ninh nhận hoa chúc mừng trong buổi lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập do Ban liên lạc Bệnh viện B Lệ Ninh tổ chức (năm 2015).
Ông Mai Xuân Tấn (bên trái)-đại diện các thế hệ cán bộ Bệnh viện B Lệ Ninh nhận hoa chúc mừng trong buổi lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập do Ban liên lạc Bệnh viện B Lệ Ninh tổ chức (năm 2015).

Năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, ông Tấn nhận được lệnh tập kết ra Bắc. Thời gian này, vừa công tác, ông vừa được đào tạo tại Trường Y sỹ Hà Nội.

Năm 1963, trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam, đến tuyến lửa Quảng Bình, vì lý do sức khỏe, ông Tấn được cấp trên quyết định cho ở lại và bố trí làm việc tại bệnh viện ở tỉnh Quảng Bình.

Khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc trên diện rộng, để kịp thời phục vụ sức khỏe cho nhân dân và thương bệnh binh, ông Tấn được phân công, điều động làm việc tại Bệnh viện B Lệ Ninh (tiền thân Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh với vai trò phụ trách khoa Ngoại, Bí thư Chi bộ bệnh viện)
 
Lúc bấy giờ, địch ngày càng đánh phá ác liệt, bệnh viện phải di chuyển nhiều địa điểm, vừa khẩn trương xây dựng, vừa tiếp nhận người bệnh, thương, bệnh binh đến cấp cứu điều trị trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả về cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật.
 
Với vai trò trưởng khoa, trực tiếp mổ, cứu người bệnh, bản thân ông được cử phục vụ cơ động ở các địa bàn trọng điểm: phụ trách Y viện khu vực Võ, Gia, Duy, Hàm (năm 1966-1971), Bệnh xá trưởng Công trường 12/9 thuộc công trình xây dựng 71 Quảng Bình (năm 1971-1972), Trạm phà Long Đại, Bệnh xá trưởng Đội TNXP 285P31...
 
Là một trong những thầy thuốc chủ lực có mặt đầu tiên khi Bệnh viện B Lệ Ninh mới thành lập (năm 1965), ông Tấn có nhiều đóng góp trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của bệnh viện.
 
Từ những năm chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến sau này, cán bộ, nhân viên và lực lượng tự vệ bệnh viện đã lập nên nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen... Bản thân ông Tấn được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp; đặc biệt, ông được Chính phủ trao tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang.
 
Ông Tấn giở từng trang trong cuốn lý lịch (được ông viết lại vào năm 1976) đã úa màu, những dòng chữ nắn nót, nét bút mực rõ ràng hiện ra, từng lời sắt son: "Sớm được Đảng giáo dục, đoàn thể giúp đỡ, bản thân phấn đấu liên tục.
 
Suốt 27 năm theo Đảng, phục vụ cách mạng, với vai trò của người đảng viên, tôi đem hết khả năng, năng lực cống hiến vào sự nghiệp cách mạng. Hai mươi bảy năm liên tục, vượt mọi khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, quên mình vì bệnh nhân, không một chút lãng quên trách nhiệm...".
 
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
 
"Đã nhiều lần, trong suy nghĩ, tôi dự định khi giải phóng miền Nam sẽ trở vào quê hương Quảng Ngãi sinh sống, nhưng cũng không biết bao lần, tình người, tình đất Quảng Bình đã níu giữ bước chân tôi"-ông Tấn cười hiền từ. 
 
Ngồi cạnh bên ông Tấn suốt buổi chuyện trò là người vợ hiền thảo, bà Nguyễn Thị Huê, sinh năm 1943-người con gái Huế dịu dàng hết đỗi thương yêu chồng con. Năm 1966, hai ông bà gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt.
 
Khi bà Huê chăm sóc bố bị bệnh nặng, được ông Tấn là người trực tiếp điều trị qua cơn nguy kịch. Ngưỡng mộ tài năng, đức độ của người thầy thuốc, bố bà Huê đã tạo mọi điều kiện cho hai người đến với nhau, nên vợ thành chồng chỉ sau một thời gian ngắn. Bà Huê lúc đó là nhân viên cửa hàng thương nghiệp ở Hiền Ninh, sau là cửa hàng trưởng, chủ yếu phục vụ bộ đội, dân công trên địa bàn.
Đi qua tháng năm, ông Tấn bà Huê đã
Đi qua tháng năm, ông Tấn bà Huê đã "đầu bạc, răng long" bên nhau.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn chính, ông Tấn, bà Huê và các đồng nghiệp của hai ông bà luôn sẵn sàng khi được huy động đào đất, lấp đường để phục vụ thông xe vào chiến trường với khẩu hiệu: “Xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc công”, cùng chia lửa với quân dân Quảng Bình đánh thắng giặc Mỹ, góp phần vào thắng lợi mùa xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc.
 
Đi qua tháng năm, ông bà đã có 5 người con, 2 trai, 3 gái, nay đã trưởng thành, yên bề gia thất. Tuy đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, bà Huê vẫn chưa thôi ngưỡng mộ ông-người bạn đời mà bà hết lòng thương yêu.
 
Bà Huê tâm sự, có lần ông Tấn kể rằng, ông và đồng nghiệp cứu chữa một bệnh nhân đặc biệt. Đó là một người dân đi làm đồng bị trúng bom Mỹ, cả bộ ruột bị văng ra ngoài, người ta lấy áo gói lại rồi mang đến trong tình trạng kiệt sức.
 
“Lúc đó, nước lũ đang lên, trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, bàn mổ được anh chị em bệnh viện kê lên cao, tôi cùng các cán bộ trực tiếp mổ cấp cứu, dưới chân nước lụt dâng lên... Sau đó, điều kỳ diệu là bệnh nhân được cứu sống"- ông Tấn  nhớ lại.
 
Giờ đây, ông bà có cuộc sống điền viên giản dị, hạnh phúc cùng các con cháu. Nhớ lại một thời tuổi trẻ được cống hiến, phục vụ nhân dân, cứu thương cho bộ đội trong điều kiện "trên bom dưới đạn", "vào sinh ra tử", ông Tấn thường hát cho cháu, con và những ai đến thăm ông bài hát do ông sáng tác để cùng anh chị em đồng nghiệp cất lên lúc còn làm nhiệm vụ có tựa đề: "Lời ca kêu gọi lòng yêu nước".
 
Bài hát rất dài, trong đó có đoạn: "Hỡi những người con yêu nước ơi!/ Sóng cách cách mạng ồn ồn sôi nổi/ Lòng mẹ đây xiết nỗi mừng vui/ Cha con dù sớm vắng đi rồi, chắc cũng có lời như mẹ.../ Kìa anh em vô sản kết đoàn, con cũng phải hò khoan mà bắt nhịp...".
 
                                      Hương Trà
,