.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội:

Xã Trường Xuân (Quảng Ninh): Chuyển biến tích cực trong xóa đói, giảm nghèo

.
08:36, Thứ Hai, 25/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và người dân xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh) đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tăng mức thu nhập để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN). Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 33,81% (năm 2017) xuống còn 20,6% (năm 2018).

Xã Trường Xuân có 850 hộ dân với gần 2.800 nhân khẩu, sinh sống tại 9 thôn, bản, trong đó, đồng bào dân tộc Vân Kiều 222 hộ (chiếm trên 26% dân số toàn xã), chủ yếu tập trung ở các bản, gồm: Khe Ngang, Khe Dây, Hang Chuồn, Lâm Ninh, Nà Lâm… Năm 2017, xã Trường Xuân thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn khu vực III với 4 thôn, bản được đưa ra khỏi danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Theo ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, có được kết quả này, trước hết, địa phương đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực.

Cùng với đó, địa phương tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động hỗ trợ người dân XĐGN, hỗ trợ bà con vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây chính là đòn bẩy giúp người dân vươn tới một cuộc sống mới.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị…

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của địa phương đang có những đổi thay mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực. Rõ nét nhất, người dân đã tham gia nhận quản lý, sử dụng và khai thác trên 1.000ha rừng kinh tế. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 15 mô hình trang trại tổng hợp vườn-rừng, vườn-ao-rừng, trong đó, một số mô hình kinh tế của người dân cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Mô hình trồng cây cà gai leo tại xã Trường Xuân.
Mô hình trồng cây cà gai leo tại xã Trường Xuân.

Bên cạnh đó, xã cũng đã khuyến khích người dân sản xuất theo mô hình tổ hợp tác để tăng hiệu quả kinh tế. Với chủ trương này, xã Trường Xuân đã thành lập được 30 tổ hợp tác thu hút trên 450 thành viên. Một số tổ hợp tác hoạt động mang lại hiệu quả cao, đó là 2 tổ nuôi ong, 6 tổ nuôi bò, 1 tổ trồng keo và 3 tổ nuôi gà.

Ngoài những giống vật nuôi truyền thống, hiện nay, người dân nơi đây mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất mới, như: nuôi hươu sao lấy nhung, nuôi ong lấy mật, trồng nấm linh chi, nấm sò... Chị Hồ Thị Thảo, ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân chia sẻ, là một trong những hộ nghèo của xã, gia đình chị đã được hỗ trợ về cây, con giống phát triển kinh tế.

Từ sự hỗ trợ ban đầu này, gia đình chị có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất mô hình nuôi lợn, nuôi bò. Đầu năm 2017, gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã và đang nỗ lực vươn lên để không tái nghèo…

Trong hai năm trở lại đây, xã Trường Xuân quan tâm thực hiện giải pháp giảm nghèo bền vững bằng hình thức xuất khẩu lao động. Có thể xem đây là hình thức hỗ trợ người dân có thể thoát nghèo bằng chính nghị lực của mình. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 70 người đi xuất khẩu lao động ở các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… cho thu nhập bình quân từ 17-20 triệu đồng/người/tháng. Với hướng đi này, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sau khi xuất khẩu lao động đã có cuộc sống no ấm.

Anh Hồ Tường, bản Khe Ngang, xã Trường Xuân vui vẻ cho hay, gia đình anh thuộc hộ nghèo, nhưng nhờ sự khuyến khích, động viên của chính quyền địa phương, gia đình đã tìm hiểu và cho con trai đăng ký xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Đến thời điểm này (sau gần 2 năm), con trai của anh đã gửi tiền về để hoàn trả các khoản vay, góp phần cải thiện kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo bền vững.

Cùng với việc giúp người dân thoát nghèo bằng phát huy nội lực tại địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền xã Trường Xuân còn quan tâm tới việc khai thác hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và lồng ghép nhiều nguồn lực để chủ động triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, riêng tổng dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt gần 20 tỷ đồng, cho 426 hộ vay, trong đó hộ nghèo vay gần 9 tỷ đồng.

Nhiều hộ dân nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng mô hình kinh tế và thoát nghèo thành công. Tiêu biểu, như: mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình chị Hồ Thị Thảo, đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Khe Ngang; mô hình nuôi ong lấy mật của chị Võ Thị Hòe, ở thôn Quyết Thắng; mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Hữu Thọ ở thôn Rào Đá…

Mặc dù là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Quảng Ninh, nhưng bằng những cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, xã Trường Xuân đã và đang tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác XĐGN, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế của các hộ dân và tiến gần hơn với đích nông thôn mới.

Năm 2018, với sự hỗ trợ từ các chương trình dự án của Trung ương, của tỉnh, Trường Xuân đã triển khai xây mới và sửa chữa 19 căn nhà cho các đối tượng người có công, hộ nghèo. Đặc biệt, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 33,81%, nhưng đến cuối năm 2018 đã giảm xuống còn 20,6%, (giảm 13,21%).

Đánh giá nỗ lực trong công tác giảm nghèo của xã miền núi Trường Xuân, ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, không chỉ tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, người dân xã Trường Xuân đã chủ động phát huy nội lực, xây dựng khối đại đoàn kết, nhất trí cao trong cộng đồng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân địa phương nhờ đó ngày càng đổi thay, tạo tiền đề quan trọng để xã miền núi này từng bước tiến kịp với các địa phương khác…

Thùy Lâm

 

,