.

Chốn về

.
08:01, Thứ Bảy, 02/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - “Từ ngày vào đây, em đã xem nơi này là nhà. Tết đến, mấy anh em đợi nhau về để ăn Tết cùng các mẹ, các dì và anh chị em ở làng. Nghỉ hè, chúng em bận làm thêm nên mong Tết lắm, ai cũng háo hức chờ Tết để được về nhà!”. Đó là lời tâm sự đầy xúc động của Hoàng Sông Cầu, cậu bé bị bỏ rơi vào đêm mùa đông 22 năm trước, một trong những đứa trẻ đầu tiên được Làng trẻ em SOS Đồng Hới nuôi dưỡng, nay đã tốt nghiệp đại học và đi làm.

Một đêm mùa đông 22 năm trước, bố mẹ nuôi của Cầu sống nơi quán nhỏ bên cầu Kênh Kịa, thị xã Ba Đồn, nhặt được cậu bé bị bỏ rơi trong giá rét. Có lẽ, bởi duyên gặp gỡ của họ tại cây cầu nên bố mẹ nuôi đặt tên em là Hoàng Sông Cầu. Đêm bố mẹ nhặt được em cũng được sử dụng làm ngày sinh nhật của em, 25-12-1996.

Ngày ấy, gia đình bố mẹ nuôi vốn dĩ đã đông con, nhận thêm Cầu làm con, cuộc sống vô cùng chật vật nhưng tình cảm vẫn đong đầy. Năm Cầu mười tuổi, khi Làng trẻ em SOS khai trương, Cầu được bố mẹ gửi vào làng với kỳ vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn cho con.

“Đó là 8 giờ sáng ngày 12-6-2006, làng tổ chức chương trình văn nghệ rất vui để chào đón em và các bạn khác về với làng. Em sống ở ngôi nhà mang tên Hoa Vạn Thọ cùng các mẹ, các dì và nhiều anh chị em khác. Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, xa lạ, nhưng ngay từ ngày ấy, Làng trẻ em SOS đã thực sự trở thành ngôi nhà thân thương của em và các bạn!”, Cầu chia sẻ.

Hoàng Sông Cầu (đang tỉa cây) cùng các bạn Phượng, Hằng, Quý tại Làng trẻ em SOS.
Hoàng Sông Cầu (đang tỉa cây) cùng các bạn Phượng, Hằng, Quý tại Làng trẻ em SOS.

Cùng được đón về làng trong ngày hôm ấy với Cầu là Nguyễn Thị Lệ Hằng, sinh năm 1997. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), ba mẹ bị bệnh tật, không có khả năng nuôi dưỡng các con, từ nhỏ, Hằng và anh trai đã phải sống nhờ ở nhà các dì, cậu.

Ngôi nhà Hoa Hướng Dương của Làng trẻ em SOS đã đón Hằng về, em trở thành một thành viên thân thương trong gia đình mới. Sau 12 năm sống ở làng, giờ Hằng đã là cô sinh viên năm thứ ba khoa báo chí, Trường đại học Khoa học Huế. Sau những ngày đi học, trở về nhà đón Tết, Hằng tíu tít bên mẹ và các em, loay hoay dọn dẹp, sắp xếp cửa nhà, trông em… như những ngày thơ bé.

Cũng như Cầu và Hằng, Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1998, Ngư Thuỷ Bắc, huyện Lệ Thuỷ), Phan Văn Quý (sinh năm 2000, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) cùng về làng vào ngày 15-8-2007. Phượng chưa từng biết mặt bố, mẹ thường xuyên ốm đau bệnh tật không thể đủ khả năng nuôi Phượng và chị gái. Quý lần lượt mồ côi cả bố và mẹ, hai anh em được Làng trẻ em SOS đón về sinh sống trong những ngôi nhà xinh xắn mang tên các loài hoa với sự chăm bẵm của các mẹ, các dì.

Năm 2019, Hoàng Sông Cầu, cậu bé bị bỏ rơi bên cầu Kênh Kịa năm xưa đã tốt nghiệp đại học ngành Quản trị nhân lực, Trường đại học Lao động xã hội cơ sở 2 thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi ra trường, Cầu đã có việc làm đúng lĩnh vực mình đã học tại một doanh nghiệp. Lệ Hằng vẫn chăm chỉ học tập với giấc mơ trở thành nhà báo. Phượng sau khi tốt nghiệp Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp thì theo học ngành Công nghiệp thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh. Quý bước chân vào năm thứ nhất Trường cao đẳng kỹ thuật ô tô tại Đà Nẵng.

Sau hơn 10 năm được Làng trẻ em SOS đón về, những cô bé, cậu bé năm xưa như Cầu, Hằng, Phượng, Quý…và rất nhiều trẻ em bất hạnh khác, đã trưởng thành, bay xa với những ước mơ của mình. Nhưng trong trái tim các em, những ngôi nhà mang tên các loài hoa với tình yêu thương, sự chăm lo của các mẹ, các dì, sự gắn bó của những anh chị em không cùng máu thịt, luôn luôn là chốn về thân thương.

Cầu và Phượng kể: “Chúng em rất mong Tết, bởi ai ở gần thì nghỉ hè mới có thể về, chứ ở xa như chúng em mỗi lần về rất khó khăn, chưa kể vào dịp hè thường tranh thủ làm thêm hoặc tham gia các hoạt động của trường nên không có điều kiện về. Gần Tết là mấy anh chị em lại chờ nhau để cùng về nhà cho vui!”.

Cũng như những mùa xuân trước, các em thường về thẳng làng, giúp các mẹ, các dì sửa soạn đón Tết. “Tết năm nay có hai chị lập gia đình, mọi người cùng đi dự đám cưới nên ai nấy đều rất vui!”, Phượng hào hứng kể.

Khi tôi hỏi về những kỷ niệm trong thời gian sống ở làng, tất cả đều ồ lên tranh nhau kể, từ chuyện mỗi buổi sáng tất cả đồng loạt bật dậy tập thể dục khi nghe tiếng kẻng đến chuyện thi thoảng lại “nhặt” được một em bé và mang về nuôi, trở thành một thành viên mới trong những ngôi nhà mang tên các loài hoa.

Hằng mắt ngân ngấn nước nói, thật ra cả tuổi thơ của các em ở đây, sống cùng mọi người nên khi thời gian qua đi, tất cả đều trở thành những kỷ niệm đẹp. Cầu bảo, khi đi học xa, em nhớ mọi người ở làng rất nhiều, lúc đó mới biết được, nơi này thân thuộc với mình biết bao nhiêu, kể cả những lời nhắc nhở, những quy định nghiêm khắc của các mẹ, các dì, giờ cũng rất nhớ và mong được về nhà!

Gần mười lăm năm đi vào hoạt động, Làng trẻ em SOS Đồng Hới đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp cho những mảnh đời bất hạnh. Những thế hệ đầu được làng đón về nay đã trưởng thành và bay xa, nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, các em lại trở về nhà trong vòng tay thân thương của mọi người.

Cầu bảo, những năm trước em về sớm giúp mọi người chuẩn bị đón Tết, em cũng đón giao thừa ở làng, hôm sau mới về Ba Đồn thăm gia đình. Nhưng năm nay là năm đầu tiên em đi làm nên chiều 30 Tết em sẽ xin phép các mẹ, các dì ở làng để về quê chúc Tết mẹ, sau đó sẽ trở lại làng!

Ngày cuối năm, ngắm những cô bé, cậu bé chăm sóc vườn hoa, làm mứt, gói bánh chưng, đọc sách bên hiên nhà hay trò chuyện cùng em nhỏ, trông yên bình như một bức tranh. Để có được bức tranh ấm áp ấy, những cô chú, mẹ, dì của ngôi làng ấy đã không ngừng nỗ lực, chia sẻ, đồng hành và yêu thương những đứa trẻ bất hạnh. Tình yêu thương và trách nhiệm ấy đã biến ngôi làng thành chốn về tin cậy và ấm cúng, để mỗi mùa xuân, những người con thân thương lại mong mỏi ngày về!

Ngọc Mai
 

,