.

Mái ấm của những mảnh đời kém may mắn

.
09:58, Thứ Ba, 15/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) hiện đang nuôi dưỡng 55 đối tượng, trong đó, 18 người cao tuổi neo đơn, 28 cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng bị khuyết tật đặc biệt nặng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, trung tâm đã thực sự trở thành mái nhà chung của những mảnh đời kém may mắn, góp phần kết nối yêu thương và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm BTXH, thời gian qua, trung tâm đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng người cao tuổi, người có công với cách mạng neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi...  

Với đặc thù nhiều đối tượng và lứa tuổi khác nhau cùng sinh sống trong một môi trường, trung tâm xây dựng hình thức quản lý, chăm sóc và giáo dục phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đối với các cháu học sinh, ngoài thời gian học ở trường, các cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ đã kèm cặp cho các cháu có học lực yếu và các cháu chuẩn bị bước vào năm học mới.

Nhờ vậy, kết quả học tập, rèn luyện năm học 2017-2018 của các cháu đạt khá, giỏi chiếm gần 87%, không có học sinh yếu kém. Với người khuyết tật có bệnh lý thần kinh và người cao tuổi không còn minh mẫn, trung tâm bố trí cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng, kết hợp với nhân viên thường trực bảo vệ quản lý, theo dõi thường xuyên để hạn chế tình trạng người bệnh bỏ đi lang thang ngoài cộng đồng.

Đoàn Khối các cơ quan tỉnh thực hiện bữa cơm “kết nối yêu thương” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội trong dịp đầu xuân 2019.
Đoàn Khối các cơ quan tỉnh thực hiện bữa cơm “kết nối yêu thương” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội trong dịp đầu xuân 2019.

Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện tốt việc phục hồi chức năng, duy trì theo dõi bệnh lý cho những người bị hạn chế vận động và các bệnh mãn tính... Qua đó, phòng, chống các bệnh thông thường, phục hồi sức khỏe và kịp thời phát hiện các đối tượng bệnh nặng, đưa đi khám và điều trị bệnh tại các đơn vị y tế tuyến trên.

Chị Phan Thị Hoa, là cấp dưỡng gắn bó với trung tâm trên 20 năm chia sẻ, nơi đây đã trở thành mái nhà thứ hai của chị, vì vậy, chị luôn tâm niệm và cố gắng chăm sóc thật tốt cho các đối tượng, để họ vơi bớt những thiệt thòi, thiếu thốn so với những người bình thường khác. Với trách nhiệm của mình, chị thường xuyên cải thiện, thay đổi món ăn phù hợp, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng…

Chị Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, do nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, lại chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc ở đây vô cùng vất vả. Một ngày, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải làm rất nhiều việc, từ dọn phòng, chăm sóc, vệ sinh cá nhân đến điều trị bệnh, phục hồi chức năng, kèm cặp các cháu học bài...

Nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên phải phục vụ 24/24. Nếu không vì tâm, đức, vì tình thương thì họ không thể gắn bó lâu dài với công việc. Làm việc ở đây chỉ những người biết cảm thông, yêu thương, xem đối tượng như người thân trong gia đình thì mới “bám trụ” được với nghề.

Công tác chăm sóc đời sống tinh thần cho đối tượng cũng được đơn vị quan tâm với việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ, tết… hay các dịp biểu dương, khen thưởng đối với các cháu có thành tích học tập tốt, các cụ thực hiện tốt các nội quy của trung tâm.

Ngoài ra, trung tâm thường tổ chức các buổi giao lưu với các đoàn từ thiện nhằm tăng cường sự đoàn kết, giúp các đối tượng vơi đi mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng và sống vui, sống khỏe.

Chính từ sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc đến sự nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên, đến nay, công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng tại Trung tâm BTXH được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng.

Vào sống tại đây hơn 20 năm, cụ ông Nguyễn Văn Thanh, 83 tuổi, quê ở Vạn Ninh (Quảng Ninh) xem trung tâm là ngôi nhà thân thuộc của mình. Không con cháu, không gia đình, bị tàn tật do tai biến, cụ xem những người bạn già, những cán bộ, nhân viên của trung tâm là người thân của mình. Khi được hỏi về cuộc sống ở đây, cụ cho biết, điều kiện sinh hoạt tại trung tâm ngày càng được cải thiện và phù hợp với những người như cụ.

Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mặc dù không được quây quần bên gia đình, nhưng các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, các cháu nhỏ tại trung tâm vẫn được đón một cái Tết đầm ấm, tràn đầy yêu thương trong sự quan tâm, chăm sóc của tập thể cán bộ, nhân viên cùng những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước.

Ông Nguyễn Thanh Chương cho biết, năm nào cũng vậy, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành trong tỉnh, các tổ chức, những tấm lòng hảo tâm, trung tâm đã chủ động chuẩn bị mọi thứ để các đối tượng có một cái Tết đủ đầy, đầm ấm, vui tươi.

Riêng năm 2018, trung tâm đã tiếp đón trên 40 lượt tổ chức, cá nhân đến thăm, tặng quà và tổ chức các hoạt động giao lưu nên đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng ngày được cải thiện, nâng lên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Chương cũng nhấn mạnh, hầu hết các đối tượng BTXH ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt éo le, bệnh tật, khuyết tật đặc biệt nặng. Trong khi đó, hiện, chế độ trợ cấp tiền ăn, tiền sinh hoạt phí cho đối tượng theo quy định (trẻ em từ 0 đến dưới 4 tuổi là 1.350.000 đồng/người/tháng và 4 tuổi trở lên là 1.100.000 đồng/người/tháng) chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí của tỉnh.

Chính vì vậy, công tác quản lý, chăm sóc các đối tượng thực sự đang gặp rất nhiều khó khăn, rất cần cộng đồng, xã hội quan tâm ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, để họ có điều kiện sống và sinh hoạt tốt hơn.

Thùy Lâm
 

,