.

Lời khẩn cầu của một cựu binh

.
08:51, Thứ Hai, 07/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông Trần Văn Lung (SN 1955, trú tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) từng là một người lính, đã cống hiến tuổi trẻ và một phần máu xương mình cho Tổ quốc. Song giờ đây, nước mắt người cựu chiến binh già này lại phải rơi xuống khi ông đã bị tạm dừng trả trợ cấp thương tật với lý do, hồ sơ thương binh của ông được xác lập trên cơ sở bản sao danh sách quân nhân bị thương và ông không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị…

Theo trình bày của ông Lung, ông nguyên là chiến sỹ của D9 E266, F341 Quân đoàn 4 đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau nhiều năm chiến đấu, công tác trong quân ngũ, năm 1981, ông phục viên trở về địa phương sinh sống.

Năm 2000, do vết thương cũ tái phát ông Lung phải nhập viện, qua một số đồng đội cũ đến thăm, nói chuyện, ông mới biết mình là đối tượng quân nhân bị thương được kê khai hưởng chế độ thuộc trường hợp còn sót (được quy định tại Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA, ngày 25-8-1998 (gọi tắt là Thông tư 16).

Sau khi ra viện, ông đã đến Sư đoàn 341 và được cán bộ chính sách hướng dẫn thủ tục. Ông đã nộp các hồ sơ như: Quyết định phục viên, giấy ra viện, giấy chứng nhận tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giấy chứng nhận tham gia chiến trường K…

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, ông Lung được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ra quyết định số 32/QĐ cấp giấy chứng nhận thương binh số 44265 và trợ cấp thương tật với tỷ lệ 28% kể từ ngày 18-11-2000, trên cơ sở giám định của Hội đồng Y khoa Quân khu 4 số 1677/GĐYK, ngày 17-11-2000, giám định các vết thương thực thể theo công văn đề nghị giám định số 453/CV, ngày 10-9-2000, của Sư đoàn 341.

Sau hơn 15 năm được hưởng chế độ thương binh, ngày 31-8-2016, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có thông báo số 100/TB-SLĐTBXH về việc tạm dừng chi trả trợ cấp thương tật đối với ông Trần Văn Lung. Lý do tạm dừng chi trả là thực hiện theo kết luận thanh tra số 2877/KL-TTr, ngày 3-8-2016, của Bộ LĐTBXH về việc thanh tra xác lập hồ sơ thương binh tại Quân khu 4.

Vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Lung trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình.
Vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Lung trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình.

Với nguyên nhân “hồ sơ thương binh của ông Trần Văn Lung được xác lập trên cơ sở bản sao danh sách quân nhận bị thương được Sư đoàn 341 cấp giấy chứng nhận bị thương số 522/GCNBT, ngày 18-8-2000, nhưng qua kiểm tra, xác minh của đoàn thanh tra tại đơn vị cũ thì ông Lung không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị.

Khi có thông báo của Sở LĐTBXH về việc dừng chi trả trợ cấp thương tật, ông Lung đã có đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và trung ương, đơn vị cũ yêu cầu xem xét sự việc thấu đáo cho ông. Tuy nhiên, qua trả lời giải quyết của các cơ quan chức năng, ông vẫn thấy không thỏa mãn, ấm ức.

Đại tá Trần Văn Bường, Trưởng ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Sư đoàn 341 tại Quảng Bình cho biết: Trước hết, qua nhiều ý kiến nhân chứng của những người bạn chiến đấu cùng đơn vị với đồng chí Lung thì đồng chí Lung trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận giải phóng thị xã Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh), khẳng định đồng chí Lung bị thương ngày 9-4-1975 là hoàn toàn đúng sự thật.

Thực tế hiện nay, trên người đồng chí Lung còn nhiều mảnh đạn trong cơ thể. Khi thực hiện Thông tư số 16, trên cơ sở có sự xác nhận các nhân chứng, vật chứng và các giấy tờ khác còn lại của đồng chí Lung, Sư đoàn 341, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có đủ hồ sơ để ra quyết định về việc chứng nhận và trợ cấp thương binh cho đồng chí Lung. Từ đó, đồng chí Lung mới được ghi vào danh sách bổ sung quân nhân bị thương của đơn vị theo Thông tư số 16…

Đại tá Bường cũng cho rằng, đấu tranh loại trừ những kẻ giả danh thương binh để hưởng lợi chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước một cách bất chính là việc làm cần thiết. Song trong trường hợp đồng chí Lung, chúng tôi xin khẳng định rằng đồng chí Lung trực tiếp chiến đấu, bị thương tại thị xã Xuân Lộc là hoàn toàn đúng sự thật. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết có tình, có lý và khôi phục quyền lợi thương binh cho đồng chí Lung.

Là đơn vị tiếp nhận, thực hiện tư vấn pháp luật trong vụ việc này cho ông Lung, ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng: ông Lung có đủ điều kiện để đơn vị cũ (Sư đoàn 341) xây dựng hồ sơ trên cơ sở quy định của Thông tư số 16. Bản thân ông Lung năm 2000 mới kê khai xin làm hồ sơ xét thương binh thuộc diện đối tượng còn sót của đơn vị chưa được giải quyết chế độ thương binh nên làm gì có danh sách quân nhân bị thương bản gốc.

Hơn nữa, tại thời điểm Sư đoàn 341 thực hiện Thông tư số 16 để tiến hành quy trình lập hồ sơ cho các đối tượng là quân nhân bị thương trong chiến trường còn bỏ sót tức là trong điều kiện Trung đoàn 266 (đơn vị cũcủa ông Lung) chưa có đăng ký tên ông Lung bị thương lưu trong sổ gốc của đơn vị.

Mặt khác, đáng ra tên ông Lung phải được đưa vào một bản danh sách những người thực hiện theo Thông tư số 16 thì những người làm chính sách lại chèn tên ông vào trong danh sách quân nhân bị thương tại đơn vị cũ, vì vậy mới để xảy ra những sai sót đáng tiếc trên…, ông Thìn nói.

Trước đó, Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Bố Trạch cũng có công văn gửi các cơ quan có liên quan, cho rằng: mặc dù còn có một số sai lệch nhưng việc cắt chế độ thương binh hoàn toàn của ông Trần Văn Lung là rất thiệt thòi, chưa thỏa đáng và có phần oan ức.

Đặc biệt là đối với những chiến sỹ đã chấp nhận hy sinh xương máu để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho hội viên hội cựu chiến binh Trần Văn Lung.

Ngọc Hải


 
 

,