.

Công điện về việc phòng chống rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển

.
16:29, Thứ Ba, 01/01/2019 (GMT+7)

Ngày 29-12-2018, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 10/CĐ-UBND điện Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã về việc phòng chống rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển. Nội dung công điện như sau:

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời gian tới, một đợt không khí lạnh có cường độ rất mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, trong đó có tỉnh Quảng Bình, có thể xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, không thả rông gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại. Cử các đoàn công tác về cơ sở hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cho gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi và cây trồng, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, vùng khó khăn. Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ hỗ trợ kịp thời cho người dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét, chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng có hiệu quả, nhất là đối với con giống, cây giống.

- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với kinh nghiệm địa phương; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có các biện pháp chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng kịp thời và không được chủ quan.

- Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để kịp thời phục vụ công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng.

- Chỉ đạo UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi, thủy sản, cây trồng bị thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ; Thống kê báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả phòng chống rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng trên địa bàn và chính sách hỗ trợ của địa phương. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng vật nuôi, thủy sản và cây trồng bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng chống rét, chống dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng trên địa bàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cử ngay các đoàn công tác đi chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương việc thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng. Chỉ đạo hướng dẫn kế hoạch sản xuất, chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất phù hợp với cây trồng, vật nuôi, thủy sản và diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại có thể xảy ra. Cập nhật, tổng hợp đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi, thủy sản, cây trồng bị thiệt hại, tham mưu UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời.

3. Sở Y tế hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí than, củi để sưởi; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn, căn cứ tình hình thời tiết cụ thể, chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống quá thấp, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông vận tải, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình: Theo chức năng nhiệm vụ thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tình hình gió mạnh để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tăng các bản tin dự báo, cảnh báo cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai.

7. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, cây trồng đến cơ quan chức năng và người dân.

8. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Yêu cầu các Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện.

 

,