.

Các công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ: Báo động về chất lượng nước

.
08:07, Thứ Sáu, 11/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, mạng lưới các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh ta đã được đầu tư rộng khắp từ khu vực thành thị đến nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, có một thực trạng đáng báo động là ở các công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ tại nhiều địa phương trong tỉnh, chất lượng nước qua kiểm tra, phân tích có nhiều chỉ tiêu hóa lý, chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng cho phép…

Thông tin từ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, mới đây, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành thực hiện đo lường, kiểm soát chất lượng nước trên địa bàn tỉnh thông qua việc lấy 75 mẫu nước sinh hoạt ngẫu nhiên từ các công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ tại các hộ gia đình (có 30 mẫu nước được lấy tại vòi nước hộ gia đình của 30 công trình cấp nước tập trung nông thôn đang hoạt động và 45 mẫu nước nhỏ lẻ tại 45 hộ gia đình đang sử dụng tại 16 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh) để tiến hành phân tích.

Qua phân tích mẫu nước tại các công trình cấp nước tập trung theo tiêu chí nước sạch QCVN 02:2009/BYT, kết quả: về chỉ tiêu hóa lý, có 10/30 mẫu (chiếm 33,3%) không đạt quy chuẩn cho phép.

Nhiều mẫu nước tại các công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh ta có chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vượt ngưỡng cho phép.
Nhiều mẫu nước tại các công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh ta có chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vượt ngưỡng cho phép.

Trong đó, độ đục có 6/30 mẫu không đạt (mẫu nước tại công trình cấp nước 3 thôn Mã Thượng, Sảo Phong, Cao Trạch, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa vượt 6,7 lần so với giới hạn cho phép); độ PH có 3/30 mẫu không đạt quy chuẩn cho phép; hàm lượng Florua có 1/30 mẫu không đạt quy chuẩn; hàm lượng sắt có 2/30 mẫu không đạt quy chuẩn.

Về chỉ tiêu vi sinh, 11/30 mẫu được phân tích có chỉ tiêu Coliform không đạt chuẩn (chiếm 36,7%) và 15 mẫu có chỉ tiêu E.coli không đạt chuẩn (chiếm 50%). Các công trình không đạt chỉ tiêu Coliform và E.coli tập trung tại huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và TX.Ba Đồn.

Đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ, qua phân tích, 17/45 mẫu nước có chỉ tiêu hóa lý không đạt (chiếm 37,78%), 14/45 mẫu có chỉ tiêu PH không đạt. Các mẫu có chỉ tiêu PH không đạt tập trung chủ yếu ở huyện Lệ Thủy (9 mẫu), Quảng Ninh (3 mẫu), Quảng Trạch, Bố Trạch (1 mẫu). Về độ đục, có 3/45 mẫu vượt giới hạn cho phép. Đặc biệt, mẫu nước tại Trạm y tế xã Trường Thủy (Lệ Thủy) vượt 12 lần so với quy chuẩn.

Về chỉ tiêu vi sinh, có 21/45 mẫu không đạt. Trong đó, chỉ tiêu Coliform, có 13/45 mẫu không đạt, đáng chú ý, mẫu nước của hộ chị Phạm Thị Ngọ, xã Quảng Văn (Ba Đồn) và hộ anh Trần Dũng Quang, xã Nhân Trạch (Bố Trạch) đều vượt giới hạn 73 lần. Về chỉ tiêu E.coli, có 18/45 mẫu không đạt; đặc biệt, mẫu nước của 2 hộ ở TX. Ba Đồn và huyện Bố Trạch có chỉ tiêu E.coli vượt hơn 550 lần so với giới hạn cho phép.

Qua phân tích chất lượng nước từ các công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh ta, các cơ quan chức năng đánh giá, đa số các công trình cấp nước chỉ có hệ thống xử lý nước bằng lắng, lọc sơ bộ, quy mô nhỏ, chưa sử dụng hóa chất khử trùng; hầu hết các giếng khoan, giếng đào không qua xử lý, gần nguồn nước ô nhiễm, chuồng trại, không có nắp đậy. Đặc biệt, có nhiều xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng, các công trình cấp nước tập trung không đạt theo tiêu chí nước sạch QCVN 02:2009/BYT...

Để bảo đảm nguồn nước đạt chuẩn cho người dân nông thôn và đạt chỉ tiêu nông thôn mới đề ra, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước hiện có; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước đạt chất lượng; tập huấn, hướng dẫn cho người dân các biện pháp cấp nước an toàn, bảo đảm hợp vệ sinh…

Ngọc Hải
 

,