.

Hội LHPN tỉnh: Phát huy vai trò trong phòng, chống bạo lực gia đình

.
08:35, Thứ Năm, 20/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp, gián tiếp, như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em… và đặc biệt là Luật Phòng chống BLGĐ ra đời năm 2017. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ ở tỉnh ta cũng như các địa phương khác trong cả nước vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.
 
Chị Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: BLGĐ là nguyên nhân chính gây tổn thương về vật chất và tinh thần đối với phụ nữ, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, Hội LHPN tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến các nội dung của luật, đồng thời, xây dựng các hoạt động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ cho các nạn nhân của BLGĐ.
 
Để phát huy vai trò của tổ chức hội trong công tác phòng, chống BLGĐ, hội đã đẩy mạnh các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc thực hiện cuộc vận động “5 không, ba sạch” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, nuôi con khỏe, dạy con ngoan"...  
 
Các phong trào trên đã tạo sức lan tỏa trong toàn thể cán bộ, hội viên, xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trong thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa. Nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ đã và đang được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong việc thực thi các nội dung của Luật Phòng chống BLGĐ, như: CLB phòng chống BLGĐ (Tuyên Hóa, Đồng Hới), CLB phụ nữ với pháp luật (Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa), CLB gia đình phát triển bền vững, CLB hạnh phúc gia đình trẻ...
 
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 243 mô hình CLB về xây dựng gia đình hạnh phúc, 60 CLB phòng, chống BLGĐ, 1.615 mô hình địa chỉ tin cậy (là nơi tạm lánh để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các nạn nhân của BLGĐ) với 2.136 thành viên tham gia.
 
Các CLB và địa chỉ tin cậy đã làm tốt công tác hòa giải khi phát hiện có xung đột, mâu thuẫn trong các gia đình, không để tình trạng BLGĐ kéo dài.
Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, tổ, nhóm, chị em đã lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Phòng chống BLGĐ.
Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, tổ, nhóm, chị em đã lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Phòng chống BLGĐ.
Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ bị chính chồng bạo hành nhưng không dám tố cáo vì tâm lý “xấu chàng hổ ai” hoặc lo sợ sẽ bị chồng bạo hành nhiều hơn nên đã im lặng chịu đựng trong một thời gian dài. Không ít chị em cho rằng bạo lực là chuyện trong nhà nên không muốn tiết lộ ra ngoài và vì thế, việc thống kê số vụ việc BLGĐ là hết sức khó khăn.
 
Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho chị em về BLGĐ, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh, Ban Chính sách-Pháp luật Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến luật tại các thôn, xóm, làng, bản để chị em ở các vùng khó khăn có điều kiện tham gia.
 
Hội LHPN còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hoạt động tư vấn về tiền hôn nhân, xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc cho hội viên và người dân ở các cộng đồng dân cư.
 
Từ năm 2008 đến nay, các cấp hội đã tư vấn pháp luật cho 5.512 phụ nữ và trẻ em, tiến hành hòa giải 1.256 vụ việc mâu thuẫn trong các gia đình. Bên cạnh đó, các cấp hội còn lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến luật phòng, chống BLGĐ trong các buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt CLB nhằm phát huy vai trò của tổ chức hội trong việc bảo vệ hội viên để cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng BLGĐ để xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
 
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhận thức của chị em về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ được nâng lên. Nhiều chị em dã mạnh dạn đứng lên đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của chính mình và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về vật chất lẫn tinh thần.
 
Sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ trong công tác phòng, chống BLGĐ đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao, năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 540 vụ BLGĐ; 2012, số vụ BLGĐ là 423 và năm 2017 đã giảm xuống còn 161 vụ.
 
Song, để phòng, chống BLGĐ có hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân trong việc thực thi các nội dung của luật, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
                                                                   
Nh.V
,