.

Người mẹ nuôi thế kỷ

.
08:41, Thứ Bảy, 03/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là danh xưng mà người viết bài này muốn tôn vinh mẹ, vì một lý do thực tiễn, mẹ đã đảm nhiệm tốt vai trò “mẹ nuôi” xấp xỉ 70 năm, xuyên thế kỷ và hiện vẫn nhiệt tình, mẫu mực trong vị trí mệ-bà nuôi của những đứa cháu... ngoại.
 
Dải dân cư ven sông Cẩm Lý thơ mộng được cắt ra thành nhiều làng, nhiều tên làng, tên xóm khác nhau. Chúng tôi đã sai lầm khi cứ tìm đến mẹ ở nơi khai báo sổ hộ khẩu.
 
Thực ra, ở tuổi 95 đại thượng thọ, mẹ không ở một nơi cố định, mà thích ở với mỗi đứa (trong năm đứa con) dăm bữa nửa tháng cho vui, đặng giúp chúng vài việc. Hỏi danh tính mẹ chắc người dọc dải dân cư này cũng không ai biết nhưng nhắc đến mẹ Toàn là người người vui lòng hướng dẫn. Và, đến nhà đứa này không thấy thì đến nhà đứa kia.
 
Phong tục vùng quê kiêng tên húy của người già mà thường gọi theo tên con trưởng: Toàn là tên con trai đầu của mẹ. Chúng tôi tìm được nơi ở của mẹ ở nhà người con trai thứ bằng cách hỏi như vậy. Ở tuổi cận kề bách niên, mẹ vẫn khỏe và đặc biệt là rất minh mẫn. Gợi chuyện cũ, mẹ vui lòng kể lại với niềm hào hứng hiếm thấy ở người già...
 
Hơn 70 năm trước, năm 1947, ngày 27-3, quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Đồng Hới rồi đánh tràn lên các huyện phụ cận. Ở Lệ Thủy và Quảng Ninh, quân Pháp đóng đồng ở các địa phận hiểm yếu như Tuy lộc, Thượng Phong, Mỹ Trung, Mỹ Đức..., lập hệ thống tề ngụy và thỉnh thoảng tổ chức càn quét ra vùng kháng chiến. Mẹ Toàn lúc ấy bước qua tuổi 25, mới có được người con trai đầu là anh Toàn bây giờ.
 
Trong một lần đi khai thác “dây mây nước” với chồng, đã gặp được... “một duyên trời định”, mẹ bảo thế. Trước đó mấy ngày, quân Pháp mới tiến hành một trận càn lớn lên vùng chiến khu ven chân thềm Trường Sơn có nhiều bà con vùng đồng bằng ven sông Kiến Giang tản cư lên. Mẹ Toàn đang chăm chú tìm cây mây trong khoảng rừng thưa thì phát hiện một con vật gì như khỉ hay vượn ngồi giấu mình dưới tán câu duối dại. Tò mò, mẹ tiến lại gần và ngạc nhiên thấy con vật không bỏ chạy. Lại gần nữa, mẹ phát hiện ra một đứa bé gái chừng hơn tuổi đang đói lả. Hai vợ chồng bỏ buổi đi rừng bế bé về nhà, gấp gáp nấu cháo loãng bón dần cho bé. Qua ngày, bé tỉnh lại và khóc dữ dội.
 
Theo cảm nhận của mẹ lúc nhặt được bé, chồng mẹ cùng người làng theo lối cũ tìm đến thu lượm thi hài người mẹ của bé bị Pháp bắn chết trong trận càn để mai táng cẩn thận. Phần bé, người ta tìm thấy trong bàn tay nắm chặt có vài chiếc kẹo boong boong là thứ kẹo ngọt rẻ tiền hồi ấy. Có thể một người lính ngụy nào đó đã thương tình dúi vào tay bé chăng, vì, thứ này không có bán ở vùng tản cư.
 
Điều quan trọng là bé đã sống lại như một điều kỳ diệu sau nhiều ngày nhịn đói, nhịn khát nơi rừng núi. Thứ nữa là bé đã biết dành dụm để ăn dần những chiếc kẹo cầm cự qua ngày. Hai vợ chồng mẹ Toàn coi đây là "đứa con của trời cho” nên rất lấy làm quý mà chăm sóc phục hồi sức khỏe cho bé, thậm chí, quyết định bí mật tung tích bé để giữ làm con nuôi.
 
Nhưng, “tiếng lành đồn xa”, chuyện tốt rồi cũng không giấu được lâu. Ông Nguyễn Thế Khởi lúc ấy đang là chiến sĩ trong đại đội chủ lực huyện nghe tin vợ chạy càn thiệt mạng, con gái mất tích thì đau khổ vô cùng.
 
Được nghỉ mấy ngày, ông đã tìm được đến nơi vợ yên nghỉ và lần hồi nghe tin, tìm được đến nhà hai vợ chồng mẹ Toàn. Lúc này, bé đã lại hoàn toàn khỏe mạnh. Cha con gặp lại nhau mừng tủi. Nhưng chiến tranh chống Pháp còn dài, ông Khởi phải trở về đơn vị chiến đấu nên mọi người thống nhất để mẹ Toàn chăm sóc cháu. Mọi người cũng vui lòng đặt tên cháu là Nghĩa để ghi nhớ một nghĩa cử từ trong bom đạn chiến tranh. Một thời gian sau, họ hàng gần của ông Khởi mới có điều kiện đón bé Nghĩa về nuôi nấng.
 
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Ông Khởi tục huyền với người vợ kế sinh hạ thêm các con. Nghĩa lớn lên trong tình thương của cha và mẹ kế nhưng vẫn giữ liên lạc rất tình cảm với mẹ nuôi. Mẹ Toàn, những năm sau đó sinh hạ thêm các con trai, gái vẫn luôn theo dõi và chăm sóc con nuôi. Ngày chị Nghĩa về nhà chồng, hai vợ chồng mẹ cũng khăn gói về cùng gia đình lo lắng mọi bề như chính con đẻ. Những lần chị Nghĩa "nằm ổ", mẹ Toàn thay mặt mẹ kế của chị Nghĩa lo lắng than lửa cho chị. Chị Nghĩa có đến tám đứa con. Mẹ Toàn đều góp công sức và tình cảm. May mắn, chồng chị Nghĩa là một người đàn ông khỏe mạnh và có hiếu. Mọi công việc nặng và lớn ở nhà mẹ cũng đều có “giọt mồ hôi” của anh.
-Tui có ba bốn thằng rể mà thằng nớ là giỏi nhứt đó. Có việc chi hắn cũng lên mần như mần việc nhà.
 
Lời khen của mẹ dành cho đứa con rể nuôi thật hào hiệp. Phần những đứa con đẻ của mẹ, họ từ nhỏ lớn lên đã biết chị Nghĩa, đã coi vợ chồng chị Nghĩa như những thành viên chính thức của gia đình.
 
Thời gian trôi đi. Cuộc sống qua bao khúc quanh, bao mùa lụt bão, mất mùa giêng hai đói kém, qua hai cuộc chiến tranh phá hoại cực kỳ ác liệt của không quân Mỹ nhưng tuyệt nhiên không làm xói mòn mảy may tình mẹ con của họ như cái duyên từ buổi gặp ban đầu.
 
Chúng tôi gặp mẹ Toàn vào ngày cuối hè sang thu năm 2018, khi vợ chồng chị Nghĩa đã về với cõi vĩnh hằng ở tuổi trung thọ bảy mươi. Mẹ Toàn chép miệng:
 
- Ừ, thì con mất còn cháu. Tám đứa con của vợ chồng hắn là tám đứa cháu của tui, chơ răng! Có việc chi trên ni là chúng nó lên đầy đủ, lo việc giỏi giang lắm!
 
Nói vậy, nghĩa là bây giờ mệ Toàn đã có chắt-chắt nuôi, có lẽ rồi cũng giỏi giang hiếu thảo với cố Toàn như cha mẹ, ông bà của họ.
 
Có ai đến Mỹ Đức (Sơn Thủy-Lệ Thủy) có thời gian ghé thăm mẹ Toàn, người mẹ có con gái nuôi, tám đứa cháu nuôi và sẽ không biết bao nhiêu đứa chắt nuôi. Mẹ sắp vào tuổi bách niên nhưng còn khỏe mạnh và minh mẫn, sẽ hào hứng kể cho nghe câu chuyện cổ tích thế kỷ XX, về cái buổi ban đầu, trong buổi sáng đẹp trời cùng chồng đi bóc mây đã tình cờ thấy một bé gái đói lả dưới gốc cây... 70 năm trước.
 
                                               Nguyễn Thế Tường
,