.

Làng biển và nỗi lo về rác - Bài 2

.
14:27, Thứ Hai, 19/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau mỗi mùa lụt bão, người dân thành phố Đồng Hới chứng kiến hàng “núi” rác thải trải dày dọc theo bờ biển kéo dài từ bãi tắm Nhật Lệ đến xã Quang Phú. Phải mất hàng tháng trời, huy động hàng ngàn ngày công lao động của nhân dân, bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên, học sinh… mới “giải phóng” hết rác thải, trả lại sự trong sạch cho bãi biển du lịch. Ở những làng biển chúng tôi từng đến, mỗi nơi có một cách làm hạn chế mức độ ô nhiễm rác thải. Để có một môi trường sống xanh, sạch, đẹp, người dân sẵn sàng “tuyên chiến” với rác.
 
Bài 2: “Tuyên chiến" với rác thải 
 
Tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), bãi rác tạm của xã trước đây nằm tại vị trí giáp ranh với xã Quảng Hưng. Việc tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xã Cảnh Dương mà còn đối với các xã lân cận.
 
Năm 2017, trước yêu cầu xử lý rác thải tập trung của huyện Quảng Trạch, UBND xã Cảnh Dương kịp thời hoàn thiện đề án “Quản lý rác thải sinh hoạt thông qua công tác thu gom, vận chuyển xử lý tại bãi rác của huyện”. Đề án được nhân dân trong 9 thôn đồng thuận, nhất trí triển khai. Xã Cảnh Dương bắt đầu mạnh tay “tuyên chiến” với rác. Rác thải từ các đơn vị trường học, cơ quan, chợ, các cơ sở sản xuất kinh doanh… được phân loại sơ bộ, sau đó, hợp đồng với tổ thu gom rác vận chuyển đến nơi xử lý. Rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình được các hộ gia đình thu gom, phân loại tái sử dụng một phần như giấy loại, túi nilon, bao bì, đồ nhựa, chai lọ… lượng rác còn lại gom tại địa điểm quy định.
 
Bước qua năm 2018, xã Cảnh Dương được Sở Du lịch Quảng Bình chọn thí điểm “Đề án phát triển làng văn hóa du lịch”. Người dân Cảnh Dương tham gia đề án càng có điều kiện hơn để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải. 25 thùng rác “vì môi trường xanh” đặt tại các điểm công cộng, chợ Cảnh Dương và cung đường bích họa; trong đó, 9 thùng đặt tại các nhà văn hóa thôn. Đúng như tiêu chí “vì môi trường xanh” đặt ra, toàn dân xã Cảnh Dương ngày càng ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ “thương hiệu” làng du lịch biển thân thiện, xanh, sạch, đẹp.
Lực lượng ĐVTN, bộ đội và người dân Cảnh Dương ra quân làm sạch bờ biển sau mỗi lần lụt bão đi qua.
Lực lượng ĐVTN, bộ đội và người dân Cảnh Dương ra quân làm sạch bờ biển sau mỗi lần lụt bão đi qua.
Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2018, mức phí thu gom rác thải mới được áp dụng với hai mức: hộ từ 2 khẩu trở xuống đóng góp 25.000 đồng/tháng, đối với hộ từ 3 khẩu trở lên mức thu 40.000 đồng/tháng. Chính sự đóng góp tự nguyện của nhân dân giúp UBND xã duy trì tốt hoạt động tổ thu gom rác. Hiệu quả thu gom, xử lý rác thay đổi rõ rệt”.
 
Khác với Cảnh Dương, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) có một cách “tuyên chiến” với rác sát các cụm dân cư hơn. Trên cơ sở đề án thu gom rác thải chung của xã xây dựng từ những năm 2005, UBND xã giao về cho các thôn, căn cứ theo đặc điểm tình hình mỗi thôn để linh động vận động nhân dân thu gom, xử lý rác hiệu quả hơn.
 
Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phạm Văn Liệu cho biết: “Với chiều dài bờ biển 20 km, dân số 1.610 hộ, 6.100 khẩu, ngoài rác tự nhiên trôi dạt vào bờ hàng năm, trung bình mỗi ngày, toàn xã có 2 đến 3 tấn rác tích tụ lại. Chúng tôi đã cho thành lập 5 tổ thu gom rác tại 5 thôn. Sau khi thu gom rác thải về tập kết tại bãi chứa tạm, các thôn đứng ra hợp đồng vận chuyển rác với Ban quản lý các công trình công cộng huyện Quảng Ninh, đưa rác đến bãi rác của huyện”.
 
Đơn cử tại thôn Tân Định, với 384 hộ dân, trên 1.300 khẩu, ngoài mỗi hộ gia đình đóng góp phí thu gom rác 15.000 đồng/tháng, thôn vận động thêm 5.000 đồng hỗ trợ cho tổ thu gom rác thải thôn gồm 4 người (bình quân 700.000 đồng/tháng). Mỗi tuần một lần, tổ thu gom tiến hành gom, xử lý rác trong khu dân cư đưa về khu tập kết rác tạm. Vào dịp cuối tuần, xe chuyên dụng Ban quản lý các công trình công cộng huyện Quảng Ninh lên tận thôn chở rác về bãi rác chung huyện Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Thanh Thuyên, Trưởng thôn Tân Định băn khoăn trao đổi cùng phóng viên: “Rác trong dân thì sạch rồi, bà con làng biển không như xưa kia, bạ đâu vứt rác đó. Tất cả đều nhờ hoạt động hiệu quả từ tổ thu gom rác. Bà con thôn Tân Định băn khoăn vì mức độ ô nhiễm rác tại bãi biển du lịch vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngoài rác tự nhiên thì rác của các hàng quán dọc bãi tắm Hải Ninh thải ra môi trường cũng khó lòng kiểm soát được. Bãi tắm nằm trên đất thôn Tân Định nên người dân trong thôn… mang tiếng!”.
 
Làng biển Lý Hòa, xã Hải Trạch (Bố Trạch) có một thanh niên được mọi người cho là “khùng” khi một mình đứng ra “tuyên chiến” với vấn nạn ô nhiễm rác thải bằng việc thành lập doanh nghiệp “chuyên” thu gom, vận chuyển rác. Đó là anh Phan Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Văn Cảnh.
Nhờ hoạt động của doanh nghiệp thu gom rác Văn Cảnh, diện mạo làng Lý Hòa thay đổi, luôn xanh, sạch, đẹp.
Nhờ hoạt động của doanh nghiệp thu gom rác Văn Cảnh, diện mạo làng Lý Hòa thay đổi, luôn xanh, sạch, đẹp.
Như đã đề cập, xã Hải Trạch cũng là một trong những xã biển luôn “đau đầu” vì vấn nạn rác thải. Là một người con Hải Trạch, Phan Văn Cảnh sau thời gian xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc đến năm 2017 thì về nước. Có trong tay ít vốn và 2 chiếc xe tải, Phan Văn Cảnh quyết định lập doanh nghiệp.
 
Toàn xã Hải Trạch có trên 2.000 hộ dân nhưng chỉ có khoảng 1.500 hộ tham gia đóng phí thu gom rác thải, mức đóng mỗi hộ 30.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp Văn Cảnh “sống” được là nhờ nguồn xã hội hóa này. “Sống được nhưng bản thân thì gặp rất nhiều thiệt thòi. Ngoài 2 xe ben sẵn có, để trung chuyển rác vào bãi rác Lý Trạch bảo đảm vệ sinh môi trường, doanh nghiệp phải thuê xe chuyên dụng 10 triệu đồng/tháng; trả lương cho lao động 8 người với mức 3 triệu đồng/tháng/người cùng nhiều thứ chi phí khác… Cuối cùng, thu nhập doanh nghiệp chỉ còn lại 4 triệu đồng/tháng. Bản thân sống nơi quê hương, nên dù vạn sự khởi đầu nan, thu nhập doanh nghiệp còn thấp thì vẫn phải cố gắng, làm đẹp cho xóm làng là một việc nên làm”, Phan Văn Cảnh chân tình.
 
Câu chuyện làng biển và nỗi lo về rác thải vẫn mãi là câu chuyện dài, mang tính thời sự nóng hổi. Để tạo dựng nên một môi trường sống văn minh, sạch đẹp, không bị ám ảnh về nguy cơ ô nhiễm rác thải, cần nhất là từ ý thức của mỗi người dân. Sau hết phải dũng cảm đứng lên “tuyên chiến” với rác, như chàng trai Phan Văn Cảnh ở làng biển Lý Hòa.
 
Ngô Thanh Long
,
  • Tuyên Hóa: Ra mắt mô hình "xóm dân cư kiểu mẫu" trong đồng bào công giáo

    (QBĐT) - Ngày 14-11, UBMTTQVN xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị ra mắt mô hình "xóm dân cư kiểu mẫu" trong đồng bào công giáo tại xóm 4, thôn Đại Sơn.

    19/11/2018
    .
  • Không khí lạnh tăng cường, Đông Bắc Bộ chuyển lạnh từ ngày 19-11

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng tối và đêm 18-11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. 
     
    18/11/2018
    .
  • TP. Đồng Hới: Trồng trên 20km đường hoa trong khu dân cư

    (QBĐT) - Sau một thời gian triển khai mô hình đường hoa, điểm hoa trong khu dân cư, đến nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới có 95 thôn, tổ dân phố trồng hoa với trên 20km đường hoa, 6.000m2 điểm hoa.

    18/11/2018
    .
  • Làng biển và nỗi lo về rác

    (QBĐT)  - Tỉnh ta có bờ biển dài 116,04 km từ Đèo Ngang (giáp Hà Tĩnh) đến Hạ Cờ (Quảng Trị). Địa hình hẹp về bề ngang, bị chia cắt bởi 5 con sông lớn: Nhật Lệ, Dinh, Lý Hòa, Gianh và Roòn. Các con sông có độ dốc cao, xuất phát từ núi rừng Trường Sơn đổ ra biển. Chính đặc thù này ảnh hưởng nhiều đến vấn đề môi trường, môi sinh khu vực dân cư sát biển. Ngoài rác thải dân sinh, hàng năm vào mùa lụt bão, một lượng rác khổng lồ theo 5 cửa sông dồn ra biển… Các làng biển luôn ẩn chứa nỗi lo về rác.

    18/11/2018
    .
  • Nhặt của rơi

    (QBĐT) - Một lần anh K. cùng con gái đến bưu điện mua mấy tờ báo để đọc. Đang lướt mắt tìm mấy quyển tạp chí ưa thích thì anh nghe cồm cộm dưới chân. Nhìn xuống, anh thấy một chiếc ví của ai đó đánh rơi. Anh nhặt lên kiểm tra thì không thấy có giấy tờ tùy thân, nhưng lại có gần 2 triệu đồng tiền mặt.
     
    18/11/2018
    .
  • Giải quyết việc làm cho lao động địa phương từ hương trầm

    (QBĐT) - Cơ sở sản xuất hương trầm của chị Nguyễn Thị Yến, ở tổ dân phố Minh Lợi, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn không chỉ tạo thu nhập cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, bình quân thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

    17/11/2018
    .
  • Tiến hành tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam

    (QBĐT) - Từ ngày 12 đến ngày 28-11, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh tiến hành xông hơi tẩy độc cho 25 nạn nhân chất độc da cam đến từ các địa phương trong tỉnh.

    16/11/2018
    .
  • Một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 16-11, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. 
     
    16/11/2018
    .