.

Mộ gió

.
10:51, Chủ Nhật, 21/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tôi luôn có một ấn tượng đặc biệt đối với những người phụ nữ vùng cát. Đó là những người phụ nữ buôn thúng, bán mẹt nơi chợ cá mom sông Nhật Lệ, với tiếng nói cười rổn rảng cả một khúc sông mỗi buổi bình minh đến. Đó là hình ảnh các bà, các mẹ với những đôi quang gánh trĩu trịch, đôi chân trần bước đi chênh chao trên những động cát bỏng rát. Nhưng ám ảnh nhất, vẫn là hình ảnh của chị-người phụ nữ xứ cát-cùng đứa con trai gục đầu trên ngôi mộ gió hoang hoải của chồng. Bao nước mắt, đau khổ tưởng như có thể thấm vào cát, vậy mà…
 
Khi gợi ý muốn viết về chị, tôi cứ chần chừ, bởi sợ một lần nữa lại gợi lên nỗi đau tưởng đã im lìm ngủ trong tâm hồn người phụ nữ ấy. Nhưng chị nắm lấy tay tôi, hồ hởi lắm: “Em cứ viết, biết mô được, có người đọc được, rồi tìm được anh trở về”.
 
Tôi bỗng chùn lòng. Sợ nhất cái cảm giác gieo hy vọng cho một ai đó, rồi bỗng một ngày tước nó đi, gieo lại cho họ một nỗi thất vọng tràn trề. Nỗi đau khi ấy càng đáng sợ hơn nhiều. Chừng như hiểu ý tôi, người phụ nữ ấy lại phân trần: “Đừng áp lực, chị đã quen rồi. Bao nhiêu năm, hy vọng, rồi thất vọng đến cùng cực, rứa mà mẹ con chị vẫn sống tốt đó thôi”.
 
“Bao nhiêu năm” mà chị nói nghe gọn lỏn thế, nhưng là cả những chuỗi ngày dài đằng đẵng chờ đợi trong vô vọng. Bao nhiêu năm, chị dắt díu con đi dọc các làng quê ven biển để tìm anh. Đôi chân bước sấp, bước ngửa giữa cát bỏng mà tâm thức thì vẫn không thôi hy vọng.
 Mẹ con chị Liền bên nấm mộ gió của chồng.
Mẹ con chị Liền bên nấm mộ gió của chồng.
Hơn 10 năm trước, người đàn ông ấy đã bỏ mẹ con chị đi mãi trong một chuyến đi biển dài ngày. Câu trả lời duy nhất chị nhận được từ những bạn thuyền của anh là cái lắc đầu bất lực. Họ bảo, anh đã rơi xuống giữa biển đen mênh mông, thăm thẳm trong một đêm mưa gió mịt mùng. Họ đã sục soạng cả một vùng biển ấy, nhưng tuyệt nhiên, không thấy anh đâu.
 
10 năm qua, giữa kiệt cùng nỗi đau và nước mắt, chị vẫn nhen nhóm hy vọng, một ngày nào đó, anh sẽ trở về bằng xương, bằng thịt. Bởi “mất tích không có nghĩa là chết!”, chị đã từng vỗ về nỗi đau của chính mình như thế. Khi 3 năm trời trôi qua không một dòng tin tức, chị mới nghe lời họ hàng, đắp cho anh một ngôi mộ gió ngay bãi cát gần nhà. Bên trong là một hình nhân nhỏ.
 
Mộ anh nằm lẩn khuất giữa những bụi cây dại, trên bãi cát trắng hoang hoải. Gió biển quanh năm vô tình gặm mòn nấm mộ đắp bằng cát trắng ấy. Dăm bữa, nửa tháng, mẹ con chị lại tìm ra mộ anh, vun vén, nén chặt những viên gạch để giữ chân cát. Rồi cũng thờ cúng, thắp hương như bao ngôi mộ bình thường khác. Mỗi một lần đôi bàn tay đen sạm vun cát, chăm chút cho “chỗ yên nghỉ” của chồng là một lần chị như thể tự vỗ về nỗi đau của chính mình.
 
Mà lạ kỳ thay, càng chăm chút cho ngôi mộ ấy, chị càng không thể dập tắt đi tất cả những hy vọng về sự trở về của anh, dẫu thời gian cũng đã gần một thập kỷ-một quãng thời gian đủ dài để có thể làm đổi thay nhiều thứ. Đến giờ, khi nỗi đau đã dần nguôi ngoai, chị vẫn không từ bỏ được thói quen ngày ngày đứng trên động cát cao, nhìn xa xăm ra biển. Có thứ gì đó thôi thúc chị phải chờ đợi!
 
Nhìn vào khuôn mặt người phụ nữ xứ cát nhiều khắc khổ ấy, chợt thấy lòng thương thương lạ. Tôi lại nghĩ về những người phụ nữ nắng gió dọc các làng chài ven khúc ruột miền Trung. Phận người phụ nữ miền biển mặn mòi mồ hôi và đắng cay nước mắt. Với họ, cuộc đời là chuỗi ngày dài mòn mỏi đợi chồng, ngóng con và chật vật mưu sinh trong những ngày biển động.
 
“Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, một năm 12 tháng thì đã có 8 tháng trời họ phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Sau mỗi đợt gió mùa, mỗi trận bão lớn hay gió lốc, những người mẹ, người vợ ở các làng biển lại thấp thỏm lo cho số phận của chồng, con đang lênh đênh ngoài khơi. Tai họa có thể ập đến bất cứ tổ ấm bé nhỏ nào. Không ít người phụ nữ vùng biển đã trở thành góa bụa vì những cơn giận dữ của biển. Và khi những người đàn ông nằm lại đâu đó giữa biển khơi, những ngôi mộ cát lại được vun lên, như an ủi cho vơi bớt đi nỗi đau những người ở lại.
 
Ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) nơi có ngôi mộ gió khổng lồ chôn tượng đất của 25 người lính trong Hải đội Hoàng Sa hơn 200 năm trước, đến nay, đã có hàng ngàn ngôi mộ gió nằm rải rác trên những trảng cát dải, nằm cả trên những luống tỏi.
 
Cư dân ở đảo Lý Sơn ví von rằng, những củ tỏi một tép là tỏi cô đơn. Đàn bà Lý Sơn nhiều người phải sống thui thủi một mình giống như củ tỏi ấy, đầy muộn phiền và đau khổ vì chồng, con họ đã bỏ mạng ngoài biển trong cuộc mưu sinh. Và dọc các làng quê ven biển, đâu đâu cũng có những ngôi mộ gió như thế! Hóa ra, mọi nỗi đau của những người phụ nữ miệt biển đều có chung một hình hài! 
Phụ nữ làng biển phụ chồng làm nghề.
Phụ nữ làng biển phụ chồng làm nghề.
Rằm tháng 8 ở xứ cát. Người đàn bà đã luống tuổi cùng đứa con nhỏ quỳ lạy bên nấm mồ khói hương nghi ngút. Nấm mồ chôn một hình nhân thay cho hài cốt của chồng chị không biết ở phương nào ngoài biển khơi mịt mùng... Thi thoảng, chị lại nhìn ra phía biển. Ngoài kia, những ngọn sóng bạc đầu vẫn mải miết, bất tận. Trên ngọn sóng không tuổi ấy, chồng chị cùng với không ít người dân nơi này đã ra đi, đi mãi!
 
Chia tay người phụ nữ ấy khi trời đã nhọ mặt người, chị cứ nắm chặt cánh tay tôi dặn dò: “Nhớ nhé, chồng chị tên là Nguyễn Văn Hà. Nếu ai đó biết tin tức gì của anh thì nói họ hãy liên lạc với chị là Mai Thị Liền ở Cừa Thôn, Hải Ninh (Quảng Ninh) em nhé!”.
 
Nghe nỗi đau đắng đót trong từng lời nói, nhưng chị bảo, nếu một mai, con trai lớn lên cũng muốn đi biển như cha nó, chị vẫn đồng ý cho đi. Bởi biển đầy bão giông là thế, nhưng đã thấm vào máu thịt, vào sâu thẳm tim can những ai đã sinh ra và lớn lên trên chính vùng cát này, làm sao mà nỡ lòng buông bỏ!
 
 Diệu Hương
,