.

Chông chênh cùng con nước

.
08:30, Chủ Nhật, 07/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sống cách biệt với các vùng lân cận bởi dòng sông Gianh, từ bao đời nay, người dân xóm Đồng Sơn, thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) phải chịu không ít khó khăn, thiệt thòi vì cách trở đò giang. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, nơi đây bị cô lập như một ốc đảo. Mong muốn một cây cầu phao nối liền đôi bờ sông Gianh vì thế trở thành khao khát cháy bỏng của người dân “ốc đảo” khốn khó này.

Gian nan đường đến trường

Có mặt tại bến đò Đồng Sơn đúng lúc các em nhỏ đi học về, chúng tôi không khỏi “thót tim” khi chứng kiến cảnh nhiều học sinh đang chen chúc trên một chuyến đò đã được “nêm” khá nhiều khách để sang bờ bên kia. Dường như đã quá quen với cảnh này nên dù không được trang bị áo phao, dù con đò chồng chềnh vì đông khách nhưng các em vẫn hồn nhiên vẫy nước, trêu đùa nhau.

Cách sông trở đò khiến cuộc sống của người dân Đồng Sơn, nhất trẻ em, gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Cách sông trở đò khiến cuộc sống của người dân Đồng Sơn, nhất trẻ em, gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi.

“Đi nhiều thành quen chị ạ. Để tới trường đúng giờ, hàng ngày, em và các bạn phải dậy từ 4-5 giờ sáng, ấy vậy mà nhiều khi cũng trễ học. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa cực không thể tả. Đường sá lầy lội, nhiều hôm đến được trường quần áo của bọn em lấm lem bùn đất.

Những hôm mưa lớn, nước dâng cao, chúng em phải ở nhà không thể đến lớp. Chuyện nghỉ học vì không thể sang sông đối với bọn em là “chuyện cơm bữa”", em Cao Thanh Long, học sinh lớp 8, Trường THCS Đồng Hóa bày tỏ.

Vì cách sông trở đò nên con đường đến trường của những trẻ em nơi “ốc đảo” này luôn đầy gian nan, gập ghềnh. Mỗi chuyến đò từ bờ này sang bờ kia không chỉ chở ước mơ đèn sách của hàng chục đứa trẻ mà còn chở cả những lo lắng, thấp thỏm của các bậc phụ huynh.

Theo thống kê, toàn xóm Đồng Sơn hiện có 25 học sinh từ cấp mầm non đến THPT phải vượt sông đến trường mỗi ngày. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học hành của các em, bởi ngay cả việc duy trì đủ số buổi đến lớp cũng đã khó. Đã có nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng với việc cách sông trở đò nên đành bỏ dở việc học hành.

Em Trần Thị Lài là một trường hợp như thế. Đáng lẽ năm nay em lên lớp 10 nhưng đành phải nghỉ học, vào tận Sài Gòn làm thuê phụ giúp gia đình. Nhà thuộc diện hộ nghèo, việc lo cho 4 đứa con có đủ cái ăn cái mặc đã quá vất vả với bố mẹ Lài nên để kham thêm số tiền đò cho em đi học hàng tháng không phải là chuyện dễ.

“Cũng muốn cho con cái học hành đến nơi đến chốn nhưng điều kiện không cho phép. Để đến trường đi học, trung bình mỗi tháng, chúng tôi tốn từ 50.000-70.000 đồng tiền đò cho mỗi đứa. Tính ra, chi phí tiền đi đò cho 3 đứa con đi học (trừ một đứa mới 8 tháng tuổi) là con số không nhỏ đối với vợ chồng tôi”, chị Nguyễn Thị Lan, mẹ Lài tâm sự.

Chuyện nghỉ học của trẻ em xóm nghèo Đồng Sơn không còn là câu chuyện mới mẻ. Bởi theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng xóm, cứ khoảng 1-2 năm lại có ít nhất 1 học sinh địa phương “đứt gánh” việc học. Con đường đến trường của các em vì thế cứ chông chênh cùng những chuyến đò.

“Ốc đảo” khốn khó

Đó là cách gọi ví von của người dân xã Đồng Hóa khi nói về xóm nghèo Đồng Sơn, thôn Đại Sơn. Nằm tách biệt bởi dòng sông Gianh, từ nhiều năm nay, mọi sinh hoạt của người dân xóm Đồng Sơn gần như bị thu hẹp, “đóng khung” trong ngôi làng nhỏ này.

“Sợi dây” nối liền địa phương với các vùng lân cận chỉ là con đò cũ kỹ cùng những chuyến đưa khách sang sông tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Cách trở đò giang khiến cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn từ việc đi lại cho đến nhu cầu giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế-xã hội…

Theo ông Phạm Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa, Đồng Sơn là một trong những xóm nghèo nhất của thôn Đại Sơn nói riêng và xã Đồng Hóa nói chung. Toàn xóm hiện có 30 hộ với 148 khẩu nhưng lại có đến 86,7% hộ nghèo và cận nghèo, trong đó hộ nghèo chiếm đến 40%. Do cách trở nên hàng hóa, nông sản của xóm làm ra gặp khó trong việc tiêu thụ.

Lấy lý do khó khăn trong khâu vận chuyển, nhiều sản phẩm của địa phương từ ngô, khoai, sắn, lạc cho đến gà, cá hay gỗ bạch đàn… đều bị thương lái ép giá, buộc phải bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Không những thế, từ nhiều năm qua, xóm nghèo Đồng Sơn luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất. Trung bình mỗi năm, địa phương có hàng trăm m3 đất sản xuất bị cuốn theo sông.

Điều này không chỉ đe dọa đến tính mạng của người dân khi mùa mưa lũ đến mà còn gây rất nhiều khó khăn cho bà con trong việc phát triển kinh tế bởi hiện tại, ngoài 7 ha đất màu thường xuyên bị sạt lở, xóm không có đất trồng lúa.

Thiếu đất sản xuất, đa số lao động của Đồng Sơn đều không có công ăn việc làm ổn định. Ngoài một số ít thanh niên vào Nam làm ăn, đa phần người dân ở đây phải đi rừng hái mây hoặc khai thác gỗ trái phép.

“Sợi dây” nối liền Đồng Sơn với các vùng lân cận chỉ là con đò cũ kỹ cùng những chuyến đưa khách sang sông tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.
“Sợi dây” nối liền Đồng Sơn với các vùng lân cận chỉ là con đò cũ kỹ cùng những chuyến đưa khách sang sông tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.

“Biết là phạm pháp và mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vì kinh tế quá khó khăn nên họ đành nhắm mắt làm ngơ. Nhiều hộ dân sau một thời gian quyết tâm bỏ việc đi rừng, mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, lợn, gà… nhưng sau một vài vụ thua lỗ dẫn đến trắng tay, nợ nần cũng quay lại với con đường rừng rú”, ông Phạm Xuân Đằng, Bí thư Chi bộ thôn Đại Sơn bộc bạch.

Bao giờ hết khổ?!

Ông Phạm Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho rằng, giải pháp căn cơ để giải quyết những khó khăn mà Đồng Sơn đang gặp phải là di dân. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này là chuyện không hề dễ dàng bởi lẽ muốn di dân thì trước hết phải bảo đảm được nhu cầu đất sản xuất cho bà con mà điều này nằm ngoài khả năng của xã.

Hiện tại, số diện tích đất xã có thể cấp cho các hộ di dân là loại đất 5%-đất dự phòng của UBND xã cho các hộ dân nằm trong vùng sạt lở cần di dời nhưng cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của Đồng Sơn. Hơn nữa, để di dời, bà con cần kinh phí khá lớn cho việc xây dựng lại nhà cửa, cải tạo đất đai, đầu tư sản xuất…, trong khi đó, mỗi hộ chỉ được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng cho việc di dời.

“Thời gian qua, cũng có khoảng 2-3 hộ dân Đồng Sơn di dời thành công nhưng đó đều là những hộ khá giả, có điều kiện. Còn đa số các hộ dân địa phương đều là hộ nghèo, cận nghèo, chạy ăn từng bữa còn khó nên họ không đủ khả năng xoay sở được số tiền lên đến vài chục, vài trăm triệu đồng. Do đó, có thể nói việc di dời 30 hộ dân Đồng Sơn đến vùng đất mới sinh sống, làm ăn là điều bất khả thi”, ông Đông khẳng định.

Khi giải pháp di dân không thể thực hiện được thì việc xây dựng cầu treo cho người dân Đồng Sơn được các cấp chính quyền địa phương xác định là vấn đề cấp bách và rất cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, với một xã nghèo, nguồn ngân sách hạn hẹp như Đồng Hóa thì việc đầu tư kinh phí lên đến tiền tỷ cho việc xây dựng cầu treo Đồng Sơn là điều gần như không thể.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, địa phương đang rất cần đến các kênh hỗ trợ từ nhiều phía để biến ước mơ từ bao đời nay của bà con thành hiện thực, để họ không còn sống trong cảnh cô lập, khốn khổ như bây giờ.

Tâm An
 

,